Đường dẫn truy cập

Mỹ yêu cầu Trung Quốc trả tự do cho 2 luật sư nhân quyền


Luật sư nhân quyền Vương Vũ trong một cuộc phỏng vấn tại Bắc Kinh (ảnh chụp ngày 18/4/2015).
Luật sư nhân quyền Vương Vũ trong một cuộc phỏng vấn tại Bắc Kinh (ảnh chụp ngày 18/4/2015).

Hoa Kỳ yêu cầu Trung Quốc trả tự do cho luật sư Trương Khải và một nhóm các nhân vật tôn giáo, trong đó có những vị mục sư Tin Lành, bị Bắc Kinh tố cáo là gây phương hại cho trật tự công cộng và an ninh quốc gia. Theo tường thuật của thông tín viên Victor Beattie của đài VOA, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc cũng phát động một chiến dịch đòi tự do 20 nữ tù nhân lương tâm, trong đó luật sư Vương Vũ ở Trung Quốc.

Trong lúc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chuẩn bị thực hiện chuyến viếng thăm chính thức đầu tiên đến Washington trong tháng này, ông David Saperstein, Đại sứ lưu động của Mỹ về tự do tôn giáo, nói rằng những vụ bắt giữ các nhân vật tôn giáo, trong đó có luật sư Trương Khải, vào ngày 25 tháng 8 là một “diễn tiến đặc biệt đáng báo động”. Vụ này đã xảy ra trong lúc ông chuẩn bị để gặp gỡ họ vào ngày hôm sau tại Trung Quốc.

Ông Saperstein đã gặp các giới chức Trung Quốc để thảo luận về vấn đề tự do tôn giáo. Ông nói rằng “Không có lý do gì để biện minh cho việc bắt bớ những nhân vật tôn giáo đã gặp tôi hoặc tìm cách gặp tôi.”

Ông nói thêm rằng “Những vụ bắt giữ này trùng hợp với một mô thức gây bất bình của sự hăm doạ của nhà nước nhắm vào các luật sư tranh đấu cho quyền lợi của công chúng, những nhà hoạt động internet, các nhà báo và những nhân vật lãnh đạo tôn giáo.” Ông nói rằng diễn tiến này nêu bật “tính chất thiếu an toàn của sinh hoạt tôn giáo ở Trung Quốc.”

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Mark Toner hôm thứ 3 cho biết tự do tôn giáo ở Trung Quốc là vấn đề chính phủ Mỹ theo dõi rất sát.

"Như quí vị đã biết, tôi có thể nói rằng đây là một mối quan tâm đã có từ lâu, và cá biệt là trong một vụ việc mới xảy ra, luật sư nhân quyền Cơ đốc giáo nổi tiếng Trương Khải và phụ tá của ông đã bị nhà chức trách Trung Quốc câu lưu. Đương nhiên là chúng tôi muốn thấy ông ấy được trả tự do, nhưng vụ này là một bằng chứng tiêu biểu của một mô thức hành xử đang tiếp diễn mà chúng tôi đã nhận thấy."

Ông Trương Khải đã tư vấn cho những nhà thờ ở tỉnh Triết Giang trong lúc họ chống lại việc chính quyền ra lệnh dỡ bỏ những cây Thánh Giá trên nóc nhà thờ. Bà Maya Wang, một nhà nghiên cứu ở Hồng Kông của tổ chức Human Rights Watch, nói rằng ông Trương Khải đã ra sức bảo vệ cho nhân quyền ở Trung Quốc trong nhiều năm qua.

Luật sư nhân quyền Cơ đốc giáo Trương Khải đã bị nhà chức trách Trung Quốc câu lưu
Luật sư nhân quyền Cơ đốc giáo Trương Khải đã bị nhà chức trách Trung Quốc câu lưu

"Ông được nhiều người biết tới chủ yếu là vì ông đã bênh vực cho các tín đồ Cơ đốc giáo và những người tu tập Pháp Luân Công, và lần này, rõ ràng là ông đã tham dự rất nhiều vào việc tranh đấu cho những người Cơ đốc giáo ở Triết Giang mà những cây Thánh Giá của họ bị chính quyền dùng sức mạnh để triệt hạ."

Trong chuyến viếng thăm Trung Quốc, Đại sứ Saperstein đã nêu lên những mối quan tâm và kêu gọi chấm dứt chiến dịch dỡ bỏ Thánh Giá và phá sập nhà thờ, ngưng sách nhiễu những thành viên của các tổ chức tôn giáo không đăng ký với nhà nước, và đánh giá lại những sự hạn chế đối với các tín đồ Phật giáo Tây Tạng và những người sắc tộc Uighur theo đạo Hồi. Ông Saperstein nói rằng những hạn chế đó là phản tác dụng.

Bà Maya Wang của Human Rights Watch cho biết các quyền tự do dân sự ở Trung Quốc đã bị hạn chế nhiều hơn nữa trong hai năm qua, và các giới chức Hoa Kỳ cần phải nhân chuyến viếng thăm của ông Tập Cận Bình để bày tỏ một cách công khai hoặc trong chốn riêng tư với các giới chức Trung Quốc về tình trạng của những người tranh đấu cho nhân quyền.

Trong bài viết đăng ngày hôm nay trên tờ Trung Quốc Nhật báo của nhà nước, Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ, ông Thôi Thiên Khải, nói rằng hai nước đang hưởng lợi từ sự hợp tác mỗi ngày một tăng. Ông cho rằng tuy có những sự bất đồng, trong đó có vụ tranh chấp Biển Đông và những vụ tấn công mạng, nhưng hợp tác -- chứ không phải đối đầu, là chìa khoá để tìm ra các giải pháp. Ông nói thêm rằng không thể để cho những sự bất đồng chế ngự chương trình nghị sự song phương.

Trong khi đó, Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, bà Samantha Power, hôm qua đã nhân dịp kỷ niệm 20 năm của hội nghị quốc tế về nữ quyền ở Bắc Kinh để phát động một chiến dịch đòi trả tự do cho 20 nữ tù nhân lương tâm. Trong số những người này có luật sư Vương Vũ ở Trung Quốc.

"Vì công việc của mình mà bà Vương đã bị sách nhiễu, đe dọa và bị truyền thông nhà nước bôi nhọ. Vào ngày 9 tháng 7, bà Vương đã bị bắt cùng với chồng và đứa con trai 16 tuổi. Bà Vương và chồng bà cho tới nay vẫn còn bị giam mà không được phép thực hiện những cuộc tiếp xúc thường lệ với luật sư và không được cho biết là bị cáo buộc về tội gì."

Đại sứ Power nói rằng, 20 năm sau Tuyên ngôn Bắc Kinh, tên của một trong 20 phụ nữ đó sẽ được lần lượt công bố vào mỗi ngày trong tuần trước khi diễn ra hội nghị quốc tế về nữ quyền tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York vào ngày 27 tháng này. Hội nghị này nhắm tới mục tiêu soạn thảo một tập hợp mới của những sự cam kết quốc tế nhằm thăng tiến các quyền của phụ nữ trong 20 năm tới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG