Đường dẫn truy cập

Mỹ khuyến cáo công dân cân nhắc rủi ro khi tới Trung Quốc


Ảnh phối hợp Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương (trái) và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken.
Ảnh phối hợp Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương (trái) và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken.

Hoa Kỳ khuyến cáo người Mỹ cân nhắc việc du hành tới Trung Quốc vì thực thi pháp luật tùy tiện và các lệnh cấm xuất cảnh tùy tiện cũng như nguy cơ bị giam giữ sai trái.

Không có trường hợp cụ thể nào được trích dẫn, nhưng khuyến cáo được đưa ra sau khi một công dân Hoa Kỳ 78 tuổi bị kết án tù chung thân vì tội gián điệp vào tháng 5 năm nay.

Diễn biến này theo sau việc thông qua Luật Quan hệ Đối ngoại sâu rộng vào tuần trước vốn đe dọa sẽ có các biện pháp đối phó chống lại những người bị coi là gây tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc.

Trung Quốc gần đây cũng đã thông qua luật phản gián được viết rất bao quát khiến cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài quan ngại, với các văn phòng bị khám xét cùng một điều luật trừng phạt những người nước ngoài chỉ trích Trung Quốc.

“Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) tùy tiện thực thi luật pháp địa phương, bao gồm ban hành lệnh cấm xuất cảnh đối với công dân Hoa Kỳ và công dân của các quốc gia khác, mà không có quy trình công bằng và minh bạch theo luật,” khuyến cáo của Hoa Kỳ cho biết.

“Công dân Hoa Kỳ đi du lịch hoặc cư trú tại Trung Quốc có thể bị giam giữ mà không được tiếp cận với các dịch vụ lãnh sự của Hoa Kỳ hoặc tiếp cận với thông tin về hành vi mà họ bị cáo buộc phạm tội,” khuyến cáo cảnh báo.

Khuyến cáo cũng nói rằng chính quyền Trung Quốc “dường như có toàn quyền coi nhiều loại tài liệu, dữ liệu, số liệu thống kê hoặc tài liệu là bí mật nhà nước và bắt giữ cũng như truy tố các công dân nước ngoài với cáo buộc hoạt động gián điệp.”

Khuyến cáo liệt kê một loạt các hành vi có thể bị xem là phạm tội, từ tham gia biểu tình đến gửi tin nhắn chỉ trích chính sách của Trung Quốc hoặc thậm chí chỉ đơn giản là tiến hành nghiên cứu về các lĩnh vực được coi là nhạy cảm.

Các lệnh cấm xuất cảnh có thể được sử dụng để buộc các cá nhân tham gia vào các cuộc điều tra của chính phủ Trung Quốc, gây áp lực buộc các thân nhân trong gia đình trở về từ nước ngoài, giải quyết các tranh chấp dân sự có lợi cho công dân Trung Quốc và “đạt được đòn bẩy thương lượng đối với các chính phủ nước ngoài”, khuyến cáo cho biết.

Khuyến cáo tương tự đã được ban hành cho các khu vực bán tự trị của Trung Quốc như Hong Kong và Macao. Khyến cáo đề ngày 30/6 và loan báo qua email cho báo giới vào ngày 3/7.

Trước đây, Hoa Kỳ đã đưa ra các khuyến cáo tương tự cho công dân của mình, nhưng những khuyến cáo trong những năm gần đây chủ yếu cảnh báo về sự nguy hiểm của việc bị phong tỏa nghiêm ngặt và kéo dài trong khi Trung Quốc đóng cửa biên giới trong ba năm theo chính sách hà khắc “zero-COVID”.

Nhìn chung, Trung Quốc phản ứng một cách giận dữ với điều mà họ coi là những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm bôi xấu hệ thống độc tài do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Trung Quốc đã đưa ra các khuyến cáo du hành của riêng mình liên quan đến Hoa Kỳ, cảnh báo về sự nguy hiểm của tội phạm, của nạn phân biệt đối xử chống người châu Á và chi phí chăm sóc y tế khẩn cấp đắt đỏ.

Trung Quốc chưa phản hồi đối với khuyến cáo du hành của Mỹ ngày 3/7.

Không có thông tin chi tiết về các cáo buộc chống lại điệp viên John Shing-Wan Leung vì hệ thống chính trị độc đoán của Trung Quốc và do sự kiểm soát tuyệt đối của Đảng Cộng sản cầm quyền đối với các vấn đề pháp lý. Ông Leung, người cũng có hộ khẩu thường trú tại Hong Kong, đã bị giam giữ tại thành phố Tô Châu phía đông nam từ ngày 15 tháng 4 năm 2021 — thời điểm Trung Quốc đóng cửa biên giới và hạn chế chặt chẽ việc di chuyển của người dân trong nước để kiểm soát sự lây lan của COVID-19.

Các cảnh báo được đưa ra khi quan hệ Mỹ-Trung đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm, về thương mại, công nghệ, về vấn đề Đài Loan và nhân quyền, mặc dù các bên đang thực hiện một số bước để cải thiện tình hình. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tuần trước đã có chuyến thăm Bắc Kinh bị trì hoãn từ lâu và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen sẽ thực hiện chuyến đi rất được mong đợi tới Bắc Kinh trong tuần này. Trung Quốc gần đây cũng đã bổ nhiệm một đại sứ mới tại Washington, người đã trình ủy nhiệm thư trong cuộc gặp với Tổng thống Joe Biden tại Tòa Bạch Ốc.

Tuy nhiên, các sự kiện khác cũng chỉ ra sự thử thách trong mối quan hệ. Trung Quốc đã chính thức phản đối vào tháng trước sau khi ông Biden gọi lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình là “nhà độc tài”, vài ngày sau chuyến thăm của ông Blinken.

Ông Biden phớt lờ sự phản đối, nói rằng những lời nói của ông sẽ không có tác động tiêu cực đến quan hệ Mỹ-Trung và ông vẫn mong sớm gặp ông Tập. Ông Biden cũng đã khiến Bắc Kinh chỉ trích bằng cách tuyên bố rõ ràng rằng Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Đài Loan tự trị nếu Trung Quốc, nước tuyên bố hòn đảo này là lãnh thổ của mình, tấn công hòn đảo này.

Ông Biden nói những tuyên bố thẳng thừng của ông về Trung Quốc “không phải là điều mà tôi sẽ thay đổi nhiều”.

Chính quyền Biden cũng chịu áp lực từ cả hai đảng phải có đường lối cứng rắn đối với Trung Quốc, khiến vấn đề này trở thành một trong số ít vấn đề mà hầu hết các đảng viên Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đồng ý.

Cùng với một số người Mỹ bị giam giữ, hai người Úc gốc Hoa, Cheng Lei, người trước đây làm việc cho đài truyền hình nhà nước Trung Quốc, và nhà văn Yang Jun, đã bị giam giữ lần lượt từ năm 2020 và 2019 mà không có thông tin gì về bản án của họ.

Có lẽ trường hợp giam giữ tùy tiện khét tiếng nhất liên quan đến hai người Canada, Michael Kovrig và Michael Spavor, đã bị giam giữ ở Trung Quốc vào năm 2018, ngay sau khi Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính của Huawei Technologies và là con gái của người sáng lập tập đoàn công nghệ này theo yêu cầu dẫn độ của Mỹ.

Họ bị buộc tội về các tội liên quan đến an ninh quốc gia mà không bao giờ được giải thích và được trả tự do ba năm sau khi Hoa Kỳ dàn xếp các cáo buộc gian lận đối với bà Mạnh. Nhiều quốc gia gọi hành động của Trung Quốc là “chính trị con tin.”

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG