Đường dẫn truy cập

Mỹ: 'Không có tình trạng thiếu hụt tiền mặt ngay lúc này'


Hai bức tượng Đau buồn và Lịch sử trên Đài Tưởng niệm Hòa bình, hay Đài tưởng niệm Hải quân, trước trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ
Hai bức tượng Đau buồn và Lịch sử trên Đài Tưởng niệm Hòa bình, hay Đài tưởng niệm Hải quân, trước trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ

Các khoản tiền chính Hoa Kỳ phải chi trả cho kịp hạn

Các khoản tiền chính Hoa Kỳ phải chi trả cho kịp hạn:

23 tháng 10 - Tiền an sinh xã hội 12 tỷ đôla.
30 tháng 10 - Trả trợ cấp y tế cho các hãng cung cấp dịch vụ 2 tỷ đôla.
31 tháng 10 - tiền lời nợ công 6 tỷ đôla.
1 tháng 11 - Trả trợ cấp y tế cho các hãng cung cấp dịch vụ và bảo hiểm 18 tỷ đôla.
Tiền an sinh xã hội 25 tỷ đôla.
Lương quân đội, hưu bổng cựu chiến binh 12 tỷ đôla.
Phụ cấp an sinh xã hội 3 tỷ đôla.
14 tháng 11 - Tiền an sinh xã hội 12 tỷ đôla.
15 tháng 11 - Tiền lợi nợ 29 tỷ đôla.
Hoa Kỳ tuyên bố sẽ không hết tiền mặt ngay lập tức nếu Quốc Hội không tăng mức trần nợ 16,7 ngàn tỷ đôla để tránh tình trạng vỡ nợ, nhưng việc đó sẽ xảy ra trong vài ngày.

Trừ phi Quốc Hội có hành động trong ngày thứ tư để tăng mức trần nợ, chính phủ sẽ không còn quyền vay nợ vào ngày thứ năm để có thêm tiến thanh toán các hóa đơn, kể cả tiền lời về công trái của Hoa Kỳ mà Trung Quốc, Nhật Bản và các nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ.

Chính phủ cho biết có khoảng 30 tỷ tiền mặt sẵn sàng, và một số tiền thuờng được Bộ Tài chính thu vào trên cơ sở thường kỳ, để thanh toán các hóa đơn trong một số ngày.

Nhưng phân tích gia tài chính Steve Bell thuộc Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng có trụ sở ở Washington nói với đài VOA rằng nếu không còn quyền vay nợ, thì chính phủ có thể hết tiền mặt vào tuần tới.

Ông Bell giải thích: “Vào khoảng từ thứ năm và có lẽ một thời điểm nào trong tuần tới, họ sẽ không có đủ tiền mặt sẵn sàng để thực sự thanh toán các hóa đơn nhận được trên cơ sở hàng ngày.”

Trong 2 tuần sắp tới, chính phủ có nhiều hóa đơn lớn phải thanh toán, hàng tỷ đôla thiếu nợ của các nhà đầu tư đã mua công trái của Hoa Kỳ và hưu bổng trả cho người Mỹ cao niên. Chính phủ chưa nói ngày nào chính phủ dự kiến sẽ hết tiền mặt, nhưng Văn phòng Ngân sách Quốc Hội cho biết có thể là vào thứ ba tuần tới.

Một số người chỉ trích các tập tục chi tiêu của chính phủ, nhất là những đối thủ trong phe Cộng Hoà chống lại Tổng thống Obama, một đảng viên Dân chủ, nói rằng chính phủ có thể tiếp tục trả tiền lời cho các chứng khoán mà các nhà đầu tư đang nắm giữ để đất nước trên nguyên tắc không bị vỡ nợ.

Nhưng các chuyên gia như ông Bell nói rằng nếu Hoa Kỳ không trả được bất cứ khoản nợ nào thì sẽ lâm vào tình trạng vỡ nợ. Hoa Kỳ trước đây đã từng lâm vào tình trạng vỡ nợ ở quy mô nhỏ về mặt kỹ thuật, nhưng theo ông Bell thì ý nghĩa của một vụ vỡ nợ kỳ này sẽ là một sự kiện chưa từng xảy ra bao giờ.

Ông Bell nói: “Ðây sẽ là lần đầu tiên Hoa Kỳ tuyên bố là chúng tôi sẽ không thanh toán các hoá đơn như một vấn đề về chính sách.”

Ông nói chính phủ thay vì xác định ưu tiên các hóa đơn nào phải chi trả, như những khoản còn thiếu của các nhà đầu tư hay những người Hoa Kỳ lãnh hưu bổng, có nhiều phần chắc hơn là sẽ bị chậm trễ, từng ngày, thanh toán các hóa đơn cho đến khi nào có đủ tiền mặt trong tay để chi trả tất cả các khoản mà lẽ ra đã phải trả nhiều ngày trước đó.

Nhưng theo ông, tình trạng này chỉ có thể kéo dài một thời gian ngắn và việc thanh toán các hóa đơn sẽ ngày càng bị chậm trễ hơn.

Các nhà lãnh đạo tại Thượng viện Hoa Kỳ đang tìm cách thương nghị một giải pháp cho tình trạng bế tắc tài chính ở Washington, nhằm gia tăng giới hạn vay nợ và chấm dứt việc chính phủ đóng cửa một phần đã kéo dài 16 ngày nay.

Nhưng một sự điều chỉnh như thế cũng phải được sự chấp thuận của Hạ viện chia thành nhiều phe nhóm, nơi một thiểu số bảo thủ đã ngăn chặn các nỗ lực nhằm chấm dứt tình trạng bế tắc trong khi đòi hỏi những thay đổi trong chương trình cải tổ bảo hiểm y tế của ông Obama, thành quả lập pháp đặc biệt của riêng ông.

VOA Express

XS
SM
MD
LG