Đường dẫn truy cập

Mỹ cố gắng thành lập Liên minh thứ hai để ngăn chặn sự lan rộng của IS


Các chiến binh của nhóm Bình minh Libya tìm kiếm các vị trí quân sự của Nhà nước Hồi giáo trong một cuộc tuần tra gần Sirte.
Các chiến binh của nhóm Bình minh Libya tìm kiếm các vị trí quân sự của Nhà nước Hồi giáo trong một cuộc tuần tra gần Sirte.

Các giới chức Hoa Kỳ đang thúc đẩy một nhóm các nước đồng minh nới rộng tầm nhìn vượt quá Iraq và Syria trong một nỗ lực toàn cầu nhằm tiêu diệt tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi Giáo.

Bị thúc đẩy vì sức mạnh ngày càng tăng của Nhà nước Hồi Giáo tại Libya cũng như những cuộc tấn công khủng bố làm nhiều người thiệt mạng tại Paris tháng 11 năm ngoái, các giới chức Hoa Kỳ nhận thấy có sự cần thiết rõ rệt của một sự hợp tác rộng rãi hơn và toàn diện hơn.

Một nhà ngoại giao phương Tây yêu cầu được giấu tên nói với Đài VOA rằng “Họ đã nói về chuyện này. Có những cuộc thảo luận về việc này.”

Những cuộc thảo luận này đã trở nên cấp bách hơn vì những tin tức tình báo cho thấy con số ngày càng tăng những chiến binh Nhà nước Hồi Giáo và những người mới được tuyển mộ tại Bắc Phi, một phần Đông Phi và vùng Sahel đang trên đường đến Libya.

Các giới chức tình báo Mỹ xem Libya là cứ địa của một chi nhánh Nhà nước Hồi Giáo gây nhiều chết chóc nhất với khoảng 5.000 chiến binh, và đang bành trướng đều đặn từ cứ địa của tổ chức này tại thị trấn Sirte. Thứ Hai vừa qua, khoảng 50 phần tử hiếu chiến của Nhà nước Hồi Giáo mở cuộc tấn công tại Ben Guerdan, dọc theo biên giới Libya-Tunisia, làm 55 người thiệt mạng.

Các giới chức quân sự hàng đầu của Hoa Kỳ đã xác định là Anh, Pháp, Ý, Đức và Tây Ban Nha là những đối tác chính trong cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi Giáo tại Libya.

Hôm thứ Ba, Chỉ huy trưởng Bộ Tư lệnh châu Phi, Đại tướng Lục quân David Rodriguez, cảnh báo Uỷ ban Quân vụ Thượng viện là “Chúng ta,với tư cách là một thành viên của cộng đồng quốc tế, cần phải làm nhiều hơn nữa.”

Ông nói thêm: “Cộng đồng quốc tế cần phải hành động để ngăn chặn sự bành trướng này, làm suy yếu và cuối cùng đánh bại Nhà nước Hồi Giáo.”

Không có gì cụ thể

Tuy nhiên, những người thân cận với cuộc thảo luận của Mỹ đối với một chiến lược về một liên minh rộng lớn hơn, cho biết là chưa có những đề nghị cụ thể nào cả.

Một giới chức của một nước phương Tây, “mà chính phủ của ông làm việc chặt chẽ” với Hoa Kỳ, nói “Chính phủ chúng tôi vô cùng quan tâm đến mối đe dọa ngày càng tăng của các phần tử cực đoan tại Libya.”

Giới chức này nói thêm rằng mặc dù có mong muốn tiến đến một chính sách toàn diện, nhưng vẫn còn hơi sớm để biết được sự hỗ trợ này sẽ như thế nào.”

Ông Daveed Gartenstein-Ross, một nhà nghiên cứu cấp cao của Quỹ Bảo vệ Dân chủ, nói “Rõ ràng là hiện có một số nước đang hoạt động tích cực để chống lại sự phối hợp của Nhà nước Hồi Giáo bên ngoài Iraq và Syria, nhưng liên minh sâu rộng và bền vững như thế nào vẫn còn là câu hỏi.”

Vào lúc này, dường như Washington đang muốn có một sự đồng thuận tổng quát về sự cần thiết chống lại Nhà nước Hồi Giáo tại nơi nào tổ chức này nỗ lực chiếm giữ để đẩy mạnh các hoạt động của họ.

Tuần trước, bà Lisa Monaco, Cố vấn trưởng về Chống khủng bố của Tòa Bạch Ốc, nói với các cử tọa tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở Washington D.C. “Tôi thấy có một quan điểm chung. Có sự công nhận là Nhà nước Hồi Giáo là mối đe dọa rõ rệt đối với các quốc gia châu Âu.

Những trở ngại

Tuy nhiên, việc có được sự ủng hộ đối với bất cứ đề nghị nào đều có thể gặp nhiều khó khăn.

Một nhà ngoại giao phương Tây không muốn nêu danh tánh nói với Đài VOA rằng “Lực lượng của chúng tôi dàn trải quá rộng và hiện nay chúng tôi khó lòng có thể can thiệp thêm nữa.”

Dường như cũng có những sự khác biệt về thời điểm.

Trong khi Hoa Kỳ, Anh, Ý và Pháp đều có các lực lượng tại Libya, nhưng vai trò của những lực lượng này bị hạn chế. Cụ thể là Hoa Kỳ đã hạn chế nhiệm vụ của lực lượng đặc biệt của Mỹ là tìm kiếm các đối tác trên bộ một khi chính phủ đoàn kết được thành lập.

Mối quan tâm là việc sử dụng lực lượng quân sự trước khi một Chính phủ Đoàn kết Quốc gia được thành lập vững chắc có thể phương hại tới tiến trình chuyển tiếp chính trị của nước này.

Tiến trình này đang kéo dài và một số giới chức Hoa Kỳ, trong đó có Giám đốc CIA John Brennan, cảnh báo về nguy cơ chờ đợi quá lâu.

Cuối tháng qua Giám đốc CIA John Brennan nói với các nhà lập pháp Mỹ “Chúng ta không thể hoãn lại các hoạt động chống khủng bố trong lúc tiến trình lâu dài để thành lập chính phủ tiếp tục diễn biến.”

Tìm kiếm đối tác cũng là một vấn đề.

Ông Harleen Gambhir, một nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh, nói “Không có tổ chức nào trên thực địa để ý đến Nhà nước Hồi Giáo tại Sirte hay có những nỗ lực đủ mạnh để tấn công vào các lãnh thổ của Nhà nước Hồi Giáo.”

Có quá chậm để chận đứng Nhà nước Hồi Giáo hay không?

Những người khác lo ngại là đã bỏ qua quá nhiều thời gian để một Liên minh các nước châu Âu và Hoa Kỳ chặn đứng những bành trướng của Nhà nước Hồi Giáo.

Ông Michael Horowitz thuộc Tập đoàn Levantine nói “Việc này có lẽ hơi quá muộn.”

Ông nói “Nhà nước Hồi Giáo đã có khả năng bành trướng tại Bắc Phi và miền nam khu vực này. Họ dùng Libya như một điểm đến cho các phần tử hiếu chiến của họ và là một nơi thu hút các chiến binh địa phương đã hoạt động trong lòng lục địa châu Phi.”

Những người khác thấy được những vấn đề quân sự tiềm tàng khác, dù được phối hợp chặt chẽ nhưng cũng có thể có những tác dụng ngược lại.

Bà Katherine Zimmerman, thuộc Viện Nghiên cứu Doanh nghiệp Mỹ, nói “Mối quan tâm là việc thi hành các chiến thuật chống khủng bố để chống lại Nhà nước Hồi Giáo sẽ không đánh bại được tổ chức này, mà chỉ làm cho họ trở nên kiên cường hơn.”

Bà Zimmerman nói thêm “ Chúng ta đã thấy việc này xảy ra đối với Al-Qaida trên toàn thế giới, nơi các cuộc không kích chắc chắn đã làm suy yếu giới lãnh đạo nhưng tổ chức này đã trở nên kiên cường hơn trong việc xây dựng lại các khả năng của họ. Nhà nước Hồi Giáo chắc chắn cũng có thể làm như vậy.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG