Đường dẫn truy cập

Liệu ông Biden có đảo ngược chính sách của ông Trump với Trung Quốc?


Ông Antony J. Blinken, người được Tổng thống Joe Biden đề cử làm Ngoại trưởng Mỹ, điều trần trước Ủy ban Ngoại giao Thượng viện, ngày 19/1/2021.
Ông Antony J. Blinken, người được Tổng thống Joe Biden đề cử làm Ngoại trưởng Mỹ, điều trần trước Ủy ban Ngoại giao Thượng viện, ngày 19/1/2021.

Trung Quốc đang chuẩn bị sẵn sàng đối phó với một tân chính quyền Mỹ sau một năm đặc biệt khó khăn với một loạt những bước lùi ngoại giao vì COVID-19, chiến tranh thương mại và những vấn đề nhân quyền. Một câu hỏi đang được mọi người đặt ra là liệu Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ có mối quan hệ tốt với Tổng thống Joe Biden hơn thời cựu Tổng thống Donald Trump hay không.

Hầu hết các nhà phân tích cho rằng ông Biden sẽ không vội vã rút lại nhiều quyết định của chính quyền Trump về Trung Quốc, nhưng ông Biden có phần chắc chú trọng đến các vấn đề nhân quyền và chiến lược hơn là tìm cách gây khó khăn cho các doanh nghiệp Trung Quốc.

“Có sự đồng thuận lưỡng đảng tại Washington về việc mạnh tay hơn đối với Trung Quốc, ông Zhiqun Zhu, người đứng đầu phân khoa quan hệ quốc tế tại Trường đại học Bucknell, nói.

Chính quyền Trump đã loan báo một loạt các hạn chế và trừng phạt chống lại Trung Quốc trong vài tháng cuối nhiệm kỳ, khiến tân chính quyền Biden về mặt kỹ thuật và chính trị khó lòng rút lại, ông Scott Kennedy thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế ở Wahington nói.

Ông Anthony Blinken, người được ông Biden đề cử làm Ngoại trưởng, đã tuyên bố đồng ý với người tiền nhiệm Mike Pompeo về sự cần thiết phải cứng rắn với Trung Quốc.

“Tôi nghĩ chúng ta nên xem xét để bảo đảm không nhập khẩu những sản phẩm làm ra từ lao động cưỡng bách ở Tân Cương… chúng ta cần đảm bảo là chúng ta cũng không xuất khẩu công nghệ và trang cụ có thể được sử ụng để giúp họ đàn áp thêm nữa. Đó là một điểm để bắt đầu,” ông Blinken nói.

Có những vấn đề quan trọng khác chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các quan hệ Mỹ-Trung.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc không muốn được xem như là làm theo ý của Washington trong những vấn đề mà Bắc Kinh coi là nhạy cảm và ‘cốt lõi’ như là tình hình tại Đài Loan, Tân Cương, Tây Tạng và những vấn đề như nhân quyền, theo một nhà phân tích Trung Quốc không muốn nêu tên.

Như phát biểu của ông Blinken, đảng viên Dân chủ trong chính quyền mới chắc chắn sẽ nêu lên các vấn đề này một cách mạnh mẽ, gây nên một số rạn nứt với Bắc Kinh.

Bất chấp khó khăn về chính trị để rút lại những biện pháp chống Trung Quốc, nhưng chính quyền ông Biden không thể phớt lờ đánh giá thực tế rằng hơn 3 năm thương chiến gây ít thiệt hại cho thương mại Trung Quốc dù có thể đã gây nên vấn đề cho người tiêu dùng Mỹ.

Thâm thủng thương mại với Trung Quốc vào cuối chính quyền Trump vào khoảng 300 tỉ đô la, tương tự như cuối nhiệm kỳ của ông Barack Obama.

“Gánh nặng toàn diện của Khoản 301 thuế quan, hầu hết vẫn còn hiệu lực, các nhà nhập khẩu và người tiêu dùng Mỹ phải gánh chịu, chứ không phải các nhà xuất khẩu Trung Quốc,” ông Kennedy nói khi nhắc tới một điều khoản pháp lý cho phép chính phủ áp đặt những hạn chế thương mại lên nước ngoài.

Có một số lãnh vực mà hai nước có thể nỗ lực để hàn gắn quan hệ.

“Tôi hy vọng chính quyền ông Biden có thể sẵn lòng nới lỏng một số hạn chế, chẳng hạn như về thuế quan hay về cách cư xử với báo giới, nhưng chỉ khi nào Trung Quốc cũng đối xử tương ứng và giải quyết những vấn đề vốn thoạt tiên gây ra những rắc rối,” ông Kennedy nói.

Ông Zhiqun Zhu liệt kê một số vấn đề ‘dễ giải quyết nhất’ như tái lập chương trình Fulbright tại Trung Quốc và Hong Kong, đưa ra chính sách hoan nghênh hơn với sinh viên và học giả Trung Quốc, cho Đoàn Hòa Bình trở lại Trung Quốc, và có thể là tái mở cửa Tòa lãnh sự Mỹ tại Thành Đô và Tòa lãnh sự Trung Quốc tại Houston.

Về phần mình Trung Quốc phải nỗ lực tránh đối đầu lớn với Mỹ vì nước này đã phải gánh chịu một số phản ứng ngược nghiêm trọng trong lãnh vực ngoại giao vào năm 2020.

“COVID-19 thực sự đã làm tổn hại hình ảnh của Trung Quốc. Nhiều nước vẫn còn quy trách Trung Quốc không minh bạch và không làm đủ sớm để ngăn chặn virus lây lan,” ông Zhiqun Zhu nói.

Cùng lúc đó, Trung Quốc đạt được một số thành quả ngoại giao với thỏa thuận thương mại với Liên hiệp Châu Âu và trong việc gia nhập Đối tác Kinh tế Vùng Toàn diện, một hiệp ước thương mại bao gồm 15 nước, ông nói.

Ông Kennedy cho rằng cả hai nước Mỹ và Trung Quốc đều chịu nhiều thiệt hại về danh tiếng trong năm 2020.

“Trung Quốc chịu tác động tiêu cực vì đại dịch, vì đàn áp gia tăng tại Tân Cương và Hong Kong, và đường lối ngoại giao hung hăng. Tôi có cảm giác là thái độ của Trung Quốc, không phải là những chỉ trích ở bên ngoài, chính là lý do cốt lõi của những vấn đề Trung Quốc gặp phải trong năm 2020. Đó là những vấn đề tự họ gây ra,” ông nói.

Trung Quốc hiện đang cố cứu vãn danh tiếng đã đánh mất bằng cách xuất khẩu vaccine COVID-19 sang một vài nước đang cần đến. Tuy nhiên vaccine sản xuất tại Trung Quốc chưa được chấp nhận rộng rãi trên thế giới nên việc này cũng ảnh hưởng đến những nỗ lực phân phối vaccine của Bắc Kinh.

“Vì mức hữu hiệu thấp hơn rõ ràng của vaccine Trung Quốc, hiện có một câu hỏi lớn là có bao nhiêu nhu cầu về vaccine này, không chỉ từ bên ngoài mà cả trong nội địa nữa,” ông Kennedy nói.

“Dĩ nhiên Trung Quốc muốn cải thiện hình ảnh quốc tế của mình. Trao tặng vaccine và cung cấp hỗ trợ y tế khác cho các nước đang phát triển sẽ gia tăng thanh danh cho Bắc Kinh trên toàn cầu,” ông Zhu nói.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG