Đường dẫn truy cập

LHQ kêu gọi Myanmar cho phép cứu trợ nhân đạo đến Rakhine


Trại tị nạn Wataung ở Rakhine (ảnh tư liệu)
Trại tị nạn Wataung ở Rakhine (ảnh tư liệu)

Liên Hợp Quốc hôm 14/1 kêu gọi chính phủ Myanmar tạo điều kiện thuận tiện cho cứu trợ nhân đạo được nhanh chóng đưa tới bang Rakhine, nơi mà cuộc chiến giữa quân đội chính phủ và phe nổi dậy đòi tự trị đã khiến hàng nghìn người phải di tản.

Chính quyền bang Rakhine tuần trước ra thông báo cấm các tổ chức phi chính phủ và các cơ quan của Liên hiệp quốc đến các vùng nông thôn của năm thị trấn ở khu vực phía bắc và giữa bang này bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột.

Hội Chữ thập đỏ Quốc tế và Chương trình Lương thực Thế giới được miễn trừ lệnh cấm.

Tổng thống Myanmar, trong cuộc họp với tổng tư lệnh hồi tuần trước, thúc giục quân đội đập tan quân đội Arakan nổi loạn. Tổng thống Win Myint được xem là một người trung thành với nhà lãnh đạo chính phủ trên thực tế Aung San Suu Kyi.

Chiến sự đã buộc khoảng 5.000 người phải bỏ nhà cửa chạy đi lánh nạn, và đến trú ẩn tại các tu viện và khu vực công cộng kể từ đầu tháng 1, theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hiệp quốc.

Chúng tôi rất lo ngại về những lệnh cấm mới đối với cứu trợ nhân đạo, khiến hàng ngàn người, trong đó có rất nhiều phụ nữ và trẻ em ở các khu vực bị ảnh hưởng xung đột trong bang Rakhine, không được cứu giúp và bảo vệ, ông Pierre Peron, phát ngôn viên của văn phòng Liên hiệp quốc.

Ông Peron nói trong một email: “Chúng tôi hy vọng chính phủ đáp ứng tích cực lời kêu gọi của chúng tôi về việc cho phép cứu trợ nhân đạo được tiếp cận nhanh chóng và không bị cản trở, và để bảo vệ thường dân theo luật nhân quyền và nhân quyền quốc tế.”

Giới hữu trách bang Rakhine nói với Reuters rằng những hạn chế đối với việc tiếp cận cứu trợ nhân đạo đã được đưa ra vì lý do an ninh, và không biết các lệnh giới hạn này sẽ kéo dài bao lâu.

Xung đột và bạo lực liên tiếp xảy ra tại bang Rakhine trong những năm gần đây.

Năm 2017, quân đội chính phủ mạnh tay đàn áp trong khu vực này sau khi xảy ra các cuộc tấn công của phiến quân Hồi giáo Rohingya. Khoảng 730.000 người Rohingya phải chạy sang nước láng giềng Bangladesh ở phía tây để lánh nạn.

Quân đội Arakan, nhóm đã mở các cuộc tấn công hồi gần đây, đang đòi chính phủ trung ương trao cho họ quyền tự trị lớn hơn tại bang Rakhine.

Hồi đầu tháng này, các chiến binh của quân đội Arakan đã giết chết 13 cảnh sát và làm bị thương 9 người trong các cuộc tấn công vào bốn đồn cảnh sát, theo truyền thông nhà nước.

Chính phủ Myanmar phải đối phó với nhiều nhóm nổi dậy thuộc các dân tộc thiểu số đòi quyền tự trị kể từ sau khi nước này giành được độc lập từ Anh vào năm 1948, mặc dù đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn với một số nhóm.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG