Đường dẫn truy cập

Lãnh đạo biểu tình Thái Lan nhập viện sau cuộc tuyệt thực 46 ngày


Lãnh đạo biểu tình Thái Lan Parit "Penguin" Chiwarak, giơ 3 ngón tay chào, biểu tượng của phong trào chống chính phủ trước tòa án hình sự xét xử anh về tội phạm thượng chỉ trích hoàng gia, ở Bangkok, Thái Lan, ngày 13/3/2021. REUTERS/Chalinee Thirasupa
Lãnh đạo biểu tình Thái Lan Parit "Penguin" Chiwarak, giơ 3 ngón tay chào, biểu tượng của phong trào chống chính phủ trước tòa án hình sự xét xử anh về tội phạm thượng chỉ trích hoàng gia, ở Bangkok, Thái Lan, ngày 13/3/2021. REUTERS/Chalinee Thirasupa

Một lãnh đạo biểu tình chống chính phủ Thái Lan bị giam giữ trong khi chờ xét xử về cáo buộc xúc phạm hoàng gia, đã nhập viện sau 46 ngày tuyệt thực, bộ cải huấn Thái Lan cho biết hôm 30/4.

Parit "Penguin" Chiwarak đã mất hơn 12 kg (26,5 lb) và hiện chỉ cân 94,5 kg, bộ cải huấn Thái Lan cho biết trong một thông báo. Thông báo cho biết thêm là Parit đã được đưa vào bệnh viện vì lo ngại cơ thể bị sốc nếu tình trạng sức khỏe xấu đi và anh cần được chăm sóc đặc biệt.

Mẹ của Parit, bà Sureerat Chiwarak, hôm thứ Năm cho biết tình trạng của con trai của bà đang trở nên tồi tệ hơn. Sức khỏe của Parit “Penguin” Chiwarak là đề tài nóng trên mạng xã hội của Thái Lan.

Hôm thứ Sáu, bà Chiwarak xin cho con được tại ngoại hầu tra, lần thứ 10 bà yêu cầu như vậy. Bà còn cạo trọc đầu trước tòa để phản đối điều mà bà cho là bất công đối với con bà. Hôm thứ Năm, tòa án bác yêu cầu xin tại ngoại, nói rằng những lý do trước đây vẫn được áp dụng.

Hành vi xúc phạm chế độ quân chủ Thái Lan có thể bị phạt tới 15 năm tù theo luật cấm xúc phạm hoàng gia của nước này.

"Tôi chỉ là một người mẹ thương con. Con trai tôi không làm gì sai, nó chỉ có quan điểm khác biệt. Con tôi không được đối xử theo công lý," bà Chiwarak nói.

Tòa án đã ấn định một phiên tòa để xét yêu cầu tại ngoại vào ngày 6/5, luật sư bảo vệ Parit, ông Krisadang Nutcharat, nói đây là một dấu hiệu tích cực bởi vì trước đó tòa án không ấn định cả ngày xét yêu cầu tại ngoại.

Parit nổi lên như một trong các lãnh đạo cuộc biểu tình do giới trẻ cầm đầu hồi năm ngoái chống lại chính phủ của tướng hồi hưu Prayuth Chan-ocha, người đã chiếm quyền từ tay một chính phủ dân cử trong cuộc đảo chính năm 2014, và tiếp tục giữ chức thủ tướng sau cuộc bầu cử năm 2019.

Các lãnh đạo biểu tình kêu gọi cải cách chế độ quân chủ và bãi bỏ luật phạm thượng chống tội phỉ báng hoàng gia. Hàng chục người biểu tình đang bị truy tố vì những lời kêu gọi tương tự.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG