Đường dẫn truy cập

Lần đầu tiên một phụ nữ giữ chức Tổng giám đốc IMF


Bà Christine Lagarde, được bầu vào chức vụ Tổng giám đốc IMF
Bà Christine Lagarde, được bầu vào chức vụ Tổng giám đốc IMF

Nữ Tổng giám đốc đầu tiên của Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế IMF, bà Christine Lagarde, được coi là một chính trị gia khả kính, cương quyết và đầy khả năng ganh đua. Bà Lagarde sẽ rời chức vụ bộ trưởng Tài chính Pháp để sang Hoa Kỳ giữ chức vụ Tổng giám đốc tổ chức này.

Bà Christine Lagarde là một khuôn mặt lịch lãm và sự hiện diện của bà nổi bật trong bối cảnh chính trị ở Pháp và châu Âu. Bà được đông đảo dân chúng kính nể trong tư cách Bộ trưởng Tài chính của nước Pháp. Và bà đã dẫn đường trong cuộc chiến tháo gỡ nợ nần trong khối các quốc gia sử dụng dồng euro.

Việc chọn bà Lagarde làm tân Tổng giám đốc IMF là một kết quả đã có thể đoán trước sau khi bà nhận được sự ủng hộ của những quốc gia thành viên nặng ký của IMF là Hoa Kỳ, Nga,Trung Quốc và người châu Âu.

Mấy tiếng đồng hồ trước khi diễn ra cuộc biểu quyết, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, ông Timothy Geithner ca ngợi bà là “một tài năng xuất chúng và dồi dào kinh nghiệm.”

Nhà phân tích Dominique Moisi, thuộc viện Quan hệ Quốc Tế Pháp, trụ sở tại Paris, đồng ý là bà Lagarde hội đủ những điều cần thiết để trở thành tổng giám đốc kế tiếp của IMF.

Ông nói:" Bà là một bậc nữ lưu có cá tính mạnh, có khả năng, đáng tin cậy, có một hình ảnh thật tốt trên trường quốc tế và khả năng Anh ngữ của bà là toàn hảo."

Các quan sát viên nhận xét rằng một trong những điểm mạnh nhất của bà là bà là phụ nữ trong một tổ chức do nam giới khống chế. Hơn thế nữa bà là nữ giám đốc điều hành đầu tiên của IMF. Người tiền nhiệm của bà, ông Dominique Strauss-Kahn đã từ chức tháng trước sau khi bị truy tố vì tội danh tấn công tình dục một nhân viên dọn phòng khách sạn.

Không giống như ông Strauss-Kahn, bà Lagarde không phải là một kinh tế gia. Nhưng một nhà phân tích khác của Pháp, ông Philippe Moreau Defarges cho rằng bà sẽ đủ khả năng để xử lý một trong những vấn đề nhức đầu nhất của IMF, đó là cuộc khủng hoảng tài chính Hy Lạp, hiện đang có nguy cơ lan sang quốc gia khác trong khối sử dụng đồng euro.

Ông nói: ”Bà có khả năng trong công việc này vì một lý do: chung quanh bà có nhiều người đầy đủ khả năng, và có nhiều người đã và có thể giúp bà.”

Từ trước đến nay chức vụ Tổng giám đốc IMF vẫn được giao cho một người châu Âu. Những nền kinh tế đang trỗi dậy giờ đây muốn một trong những người của họ phải nắm giữ chức vụ này. Nhưng họ đã không đoàn kết được sau lưng một đối thủ duy nhất của bà Lagarde, đó là thống đốc ngân hàng Trung ương Mexico, ông Agustin Carstens.

Những tổ chức phi chính phủ như Oxfam Internatinal đã chỉ trích thủ tục mà họ cho là mờ ám và thiếu dân chủ trong tiến trình bầu chọn tại IMF.

Giờ đây giám đốc phụ trách nước Pháp của Oxfam, ông Luc Lampriere nói bà Lagarde phải sẵn lòng để cho các nền kinh tế lớn, đang lên, có được tiếng nói mạnh.

Ông nói: “Điều này đã tạo áp lực mạnh cho bà Christine Lagarde khi mà tổng giám đốc giờ đây phải thực sự quyết định và đóng một vai trò quan trọng trong việc vĩnh viễn thay đổi thủ tục bầu chọn.”

Nhà phân tích Moreau Defarges là một trong những người tin rằng bà Lagarde sẽ lắng nghe tiếng nói của các quốc gia đang phát triển. Nhưng ông chắc chắn rằng trước mắt, một công việc thật khó khăn đang chờ đợi bà Lagarde.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG