Đường dẫn truy cập

Lợi và hại từ chuyến công du Đài Loan của bà Pelosi


Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi có chuyến thăm ngắn ngủi kéo dài một ngày đến Đài Loan
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi có chuyến thăm ngắn ngủi kéo dài một ngày đến Đài Loan

Mặc dù chuyến đi của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến Đài Loan đã khẳng định cam kết mạnh mẽ của Washington sẽ bảo vệ hòn đảo này dưới sức ép Trung Quốc, nhưng nó cũng dẫn đến nguy cơ tính toán sai giữa các bên vốn sẽ đẩy khu vực này chìm vào xung đột, các nhà phân tích nhận định.

Chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi hôm 3/8 là chuyến thăm cấp cao nhất của đại diện chính quyền Mỹ trong vòng 25 năm. Nó đã khiến Bắc Kinh phẫn nộ và trả đũa bằng các cuộc tập trận tên lửa, bắn đạn thật trên biển và trên không chưa từng thấy xung quanh đảo Đài Loan. Bản thân bà Pelosi và gia đình cũng bị Bắc Kinh trừng phạt sau chuyến đi này mà Bắc Kinh lên án là ‘can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ’ của họ.

Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, nước Mỹ và Trung Quốc đang đối mặt với nhiều biến động. Trên bình diện thế giới, Nga xâm lược Ukraine trong cuộc chiến tàn khốc chưa thấy hồi kết. Ở Mỹ, chính quyền của Đảng Dân chủ sắp đối mặt kỳ bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 mà họ có nguy cơ mất ghế trong khi Đảng Cộng sản Trung Quốc sắp họp Đại hội lần thứ 20 vào cuối năm nay mà dự kiến Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ được trao thêm nhiệm kỳ thứ ba.

Tại sao bà Pelosi phải đi Đài Loan?

“Là một nữ chính khách biểu tượng, bà Pelosi đã chống lại giới lãnh đạo chóp bu toàn nam giới của Đảng Cộng sản Trung Quốc, không để mình bị bắt nạt – để ngồi xuống với một nhà lãnh đạo nữ tiên phong khác, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn,” nhà báo Stephen Collinson của Đài CNN nhận định trong bài báo có nhan đề ‘Những câu hỏi được đặt ra về liệu chuyến đi của bà Pelosi có đáng với những hậu quả như vậy không?’

Nhà báo này nhắc lại rằng trong sự nghiệp chính trị của nình, bà Pelosi từng trương biểu ngữ ủng hộ dân chủ ở Bắc Kinh hồi năm 1991 để cho thấy thái độ chống đối chế độ độc tài Bắc Kinh của bà.

“Bà đã đánh dấu sự nghiệp chính trị với hành trình công du Đài Loan quyết liệt mang tính chống Đảng Cộng sản Trung Quốc vào lúc ngày càng có nhiều lo ngại rằng Bắc Kinh cuối cùng có thể cố gắng đoạt lấy hòn đảo này bằng vũ lực. Nói rộng hơn, bà chứng minh với Trung Quốc rằng Mỹ sẽ không lùi bước trước những ngôn từ hùng hổ của Bắc Kinh và rằng Mỹ sẽ hoạt động ở nơi nào họ muốn ở châu Á - Thái Bình Dương, bất kể siêu cường đang lên nghĩ gì,” Collinson viết.

Ở Đài Bắc, bà Chủ tịch Hạ viện đã thể hiện lập trường ủng hộ dân chủ - một giá trị cốt lõi của người Mỹ, nhà báo này khen ngợi.

“Đối mặt sự hung hăng ngày càng đẩy mạnh của Đảng Cộng sản Trung Quốc, chuyến thăm của phái đoàn Quốc hội chúng tôi nên được coi là tuyên bố không mập mờ rằng Mỹ sát cánh cùng Đài Loan, đối tác dân chủ của chúng tôi, trong lúc họ tự bảo vệ và bảo vệ tự do của mình,” bà Pelosi viết trong một bài xã luận đăng trên tờ Washington Post khi bà đã đến Đài Bắc.

Mặc dù trong chuyến thăm này, bà Pelosi cố gắng ‘không nói hay làm bất cứ điều gì vi phạm chính sách Một Trung Quốc’, nhưng không rõ vô tình hay cố ý mà có lúc tại cuộc họp báo, bà ca ngợi người dân Đài Loan đã ‘có can đảm thay đổi quốc gia của họ để trở nên dân chủ hơn’, nhà báo này lưu ý và chỉ ra việc bà gọi Đài Loan là ‘quốc gia’ thay vì ‘vùng lãnh thổ của Trung Quốc’.

“Mỹ không công nhận Đài Loan là một quốc gia. Cho dù đó là sự lỡ lời hay sự lựa chọn từ ngữ có chủ ý, phát biểu của bà Pelosi sẽ được các quan chức ở Bắc Kinh xem xét kỹ,” Stephen Collinson giải thích.

Ông cho rằng nếu phản ứng bùng nổ của Trung Quốc chưa tới mức gây khủng hoảng toàn diện ở eo biển Đài Loan, tuyến hàng hải chiến lược quan trọng, và tránh được khả năng tính toán sai giữa phía Trung Quốc và phía Đài Loan, hay thậm chí giữa Trung Quốc và Mỹ trong khu vực, thì giông tố sau chuyến đi của bà Pelosi có thể chỉ là tạm thời.

Hình ảnh Chủ tịch Hạ viện Mỹ vun đắp cho một nền dân chủ dưới cái bóng khổng lồ của Trung Quốc có thể trở thành một trong những khoảnh khắc mang dấu ấn trong chính sách châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ, nhà báo này nhận định.

Đối nội và đối ngoại

Trao đổi với VOA, Giáo sư Ngô Vĩnh Long thuộc Đại học Maine cho rằng chuyến công du của bà Pelosi nhắm đến cả người dân trong nước Mỹ cũng như các quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Theo phân tích của Giáo sư Long thì trong gần hai năm qua, Đài Loan bị Trung Quốc o ép đủ điều với áp lực ngày càng tăng.

“Tháng 11 này là sẽ diễn ra Đại hội Đảng Cộng sản. Tập Cận Bình muốn dùng vấn đề yêu nước để khẳng định vị trí của ông ta, nên dù muốn hay không ông ta cũng muốn làm áp lực đối với Đài Loan,” ông Long nói.

Trong bối cảnh như vậy thì Đài Loan ‘rất cần sự ủng hộ của Mỹ’, cũng theo lời vị giáo sư Đại học Maine. Nếu Đài Loan hay các nước khác xung quanh ‘nằm im chịu trận’ thì Bắc Kinh sẽ tiếp tục đẩy mạnh các đòi hỏi khác, trong đó có đòi chủ quyền trên Biển Đông.

Đài Bắc muốn Washington khẳng định lại cam kết là ‘sẽ bảo vệ Đài Loan’ và muốn sự kkhẳng định đó đến từ ‘một người có thế lực đủ cao ở Mỹ’, chằng hạn như bà Nancy Pelosi – vốn xếp thứ ba trong hệ thống chính quyền Mỹ sau Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris, ông Long nói thêm.

Về chính trị trong nước, ông cho rằng bà Pelosi muốn ghi điểm cho Đảng Dân chủ của bà trong kỳ bầu cử giữa kỳ sắp tới. Lập trường đối với Trung Quốc là điểm mà phía Đảng Cộng hòa thường dùng để tấn công Đảng Dân chủ là ‘nhu nhược’.

“Qua chuyến đi này, bà ấy muốn chứng minh là bản thân bà ấy và Hạ viện Mỹ không sợ Trung Quốc đe dọa,” ông Long nói.

Một khi tin tức về chuyến thăm dự kiến của bà Pelosi bị tung ra, thì việc cúi đầu khuất phục Bắc Kinh trở nên phi lý về mặt chính trị - cả ở trong nước và vì lý do chiến lược. Sẽ là không dễ chịu nếu bà Pelosi, sau một sự nghiệp chính trị được định hình phần nào bằng cách đứng lên chống lại Trung Quốc, từ bỏ kế hoạch của bà. Và việc từ bỏ kế hoạch đó sẽ gửi thông điệp rằng Mỹ, trong cuộc đối đầu với một đối thủ siêu cường mới, tự tin ở Thái Bình Dương, sẽ lùi bước, nhà báo Collinson nhận định.

Ngoài ra, chuyến đi này cũng có ‘ý nghĩa cá nhân’ đối với bà Pelosi vì trong cả sư nghiệp chính trị của mình, bà luôn luôn ủng hộ Đài Loan nên bà không thể không đi trong giai đoạn khó khăn này của Đài Loan, cũng theo phân tích của ông Long.

Bên cạnh đó, bà cũng muốn lôi kéo các hãng sản xuất chip bán dẫn của Đài Loan chuyển sản xuất California, bang nhà của bà.

Về phần mình, Tổng thống Biden cũng có những cân nhắc chính trị. Mặc dù ông thừa nhận quân đội Mỹ lo lắng về chuyến thăm, ông không thể công khai đứng về phía Trung Quốc để chống lại bà Pelosi. Và Tổng thống cũng khó có thể ra lệnh cho người đứng đầu nhánh lập pháp rằng bà nên hay không nên làm gì, ngay cả khi các quan chức chính quyền đã báo cho bà biết tất cả các hậu quả tiềm tàng.

Nguy cơ tính toán sai

Tuy nhiên, nếu chuyến thăm của bà Pelosi – cái tát đối với cá nhân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, vốn xem chiếm lấy Đài Loan là nhiệm vụ sống còn – làm quan hệ Mỹ-Trung vốn đã tồi tệ xấu đi vĩnh viễn và đem đến điều mà một số người coi là cuộc đối đầu không thể tránh khỏi giữa hai siêu cường, nó có thể trở thành tính toán sai trầm trọng, cũng theo phân tích của Stephen Collinson trên CNN.

Tương tự, nếu chuyến đi của bà khiến Bắc Kinh có các bước đi làm chao đảo nền hòa bình và thịnh vượng mà người Đài Loan được hưởng trên hòn đảo này, thì đó cũng sẽ được coi là bước đi sai của bà Pelosi.

Chuyến đi của bà có thể càng củng cố thêm niềm tin của các nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng Quốc hội Mỹ đang nghiêng về phía chính sách cứng rắn về Đài Loan– suy nghĩ có thể kéo căng sợi dây ngoại giao về quy chế của hòn đảo đến chỗ đổ vỡ. Mặc dù có thể bà Pelosi không có ý như vậy, nhưng suy nghĩ sai lầm có thể thúc đẩy leo thang quân sự trong mối quan hệ đối ngoại đầy biến động.

“Việc Trung Quốc gia tăng vĩnh viễn áp lực quân sự và kinh tế lên Đài Loan, hoặc có lập trường thù địch hơn đối với các lực lượng hải quân và không quân của Mỹ, có thể khiến nguy cơ xung đột hiện hữu hơn. Nếu chuyến thăm của bà Pelosi đẩy nhanh sự cấp bách và quyết tâm của ông Tập phải chiếm lấy Đài Loan bằng vũ lực quân sự thì chuyến đi này sẽ phản tác dụng,” Collinson viết.

“Như thế, cũng công bằng khi đặt câu hỏi liệu chuyến thăm của bà Pelosi có đạt được bất cứ điều gì đáng để dẫn đến sự xuống cấp dài hạn trong môi trường an ninh xung quanh Đài Loan vốn có thể đưa Mỹ và Trung Quốc đến gần hơn với xung đột hay không,” ông đặt vấn đề.

‘Không nên đi thì hơn’

Cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, ông Max Baucus nói với kênh CNN International rằng trong bối cảnh mối quan hệ Mỹ-Trung xấu đi một cách nguy hiểm, chuyến đi của bà Pelosi là không khôn ngoan.

“Thành thật mà nói, quan điểm của tôi là bà ấy không nên đi. Mục tiêu của chính sách đối ngoại của Mỹ là giảm căng thẳng với Trung Quốc, chứ không phải tăng,” cựu thượng nghị sĩ Dân chủ củs bang Montana, nói. “Chuyến thăm của bà ấy rõ ràng làm gia tăng căng thẳng. Không có lý do về chính sách đối ngoại để bà ấy đi cả. Người Đài Loan biết rằng chúng ta ủng hộ họ.”

Trong khi đó, ông Phil Mudd, cựu quan chức FBI và CIA, hiện là nhà phân tích chống khủng bố của CNN, nói ông đồng ý rằng bà Pelosi ‘có quyền đi thăm Đài Loan. “Câu hỏi đặt ra là liệu nó có hợp lý hay không. Bà ấy có thể đi, nhưng tại sao? Lợi ích của nó là gì?” ông đặt vấn đề.

Thời điểm nhạy cảm của chuyến đi đối với Bắc Kinh càng khiến cho mọi việc thêm phức tạp, theo nhận định của nhà báo Collinson.

“Vài tháng nữa, tại kỳ Đại hội Đảng thứ 20, ông Tập đã sẵn sàng được bầu vào nhiệm kỳ thứ ba bất thường và ông không chấp nhận bị coi là yếu đuối. Và cách xử lý đáng ngờ của chính phủ ông đối với đại dịch Covid-19 - các biện pháp phong tỏa hàng loạt vẫn còn phổ biến ở các thành phố của Trung Quốc - và nền kinh tế đang chậm lại, có nghĩa là ông Tập có thể bị cám dỗ có lập trường dân tộc chủ nghĩa để che giấu những thất bại trong nước,” ông phân tích.

Ông Tập đã xây dựng nền tảng quyền lực dựa trên chủ nghĩa dân tộc hung hãn và ý mghĩ rằng chẳng sớm thì muộn Đài Loan sẽ ‘thống nhất’ với đại lục, theo giải thích của nhà báo này.

Sẽ không có chiến tranh?

Tuy nhiên, Giáo sư Ngô Vĩnh Long cho rằng bất chấp thái độ hung hăng của Trung Quốc về chuyến đi của bà Nancy Pelosi, nguy cơ căng thẳng quân sự leo thang thành chiến tranh ‘ít có khả năng’.

“Trong 1-2 năm tới thì Trung Quốc không dại gì đánh Đài Loan vì hai bên có quan hệ kinh tế rất sâu rộng,” ông cho biết và chỉ ra những hãng chip lớn nhất của Đài Loan đang sản xuất ở Trung Quốc.

Mặc dù vậy, ông cho rằng nếu có tàu bè nào đi qua eo biển Đài Loan chằng may bị trúng pháo Trung Quốc mà chìm thì ‘sẽ xảy ra những chuyện không lường trước được’.

Theo nhận định của vị giáo sư này thì mặc dù Bắc Kinh hiện phản ứng hùng hổ nhưng ‘họ sẽ tìm cách đấu dịu’.

“Tôi nghĩ tầm tháng 11 hay 12 gì đó, nội tình chính trị của họ sẽ sáng tỏ hơn thì hai bên sẽ có sự dàn xếp,” ông dự báo.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG