Đường dẫn truy cập

‘Không thể xác nhận tin VN triển khai tên lửa ra Trường Sa’


Việt Nam đang làm gì ngoài Trường Sa?
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:26 0:00

Việt Nam đang làm gì ngoài Trường Sa?

Ông Gregory Poling, Giám đốc Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington nói ông không thể xác nhận mà cũng không phủ nhận tin của Reuters tường thuật rằng Việt Nam đã triển khai giàn phóng tên lửa hoặc các hệ thống tên lửa khác ra Trường Sa. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho VOA-Việt ngữ hôm 12/8, ông Poling nói:

“Tôi không thể xác nhận bất cứ điều gì về các giàn phóng tên lửa của Việt Nam. Tất cả những gì mà chúng ta có là một bản tin duy nhất của Reuters dẫn lời các giới chức không cho biết danh tính, nói rằng Việt Nam đã chuyển tên lửa ra đó. Chúng tôi không có hình ảnh vệ tinh nào khả dĩ có thể xác nhận thông tin ấy. Và dù cho tin này có thực đi chăng nữa, nếu các giàn phóng được che kín thì lẽ dĩ nhiên là chúng tôi không thể xác nhận bằng hình ảnh vệ tinh là có các giàn phóng tên lửa ở đó.”

Ông nói thêm rằng nếu các giàn phóng tên lửa được triển khai trong vòng một, hai ngày gần đây thì khó có thể có ảnh vệ tinh về các vũ khí này. Ông giải thích:

“Không phải lúc nào cũng có vệ tinh hoạt động trên khu vực mỗi ngày. Chắc chắn là chúng tôi không nhận được ảnh vệ tinh mỗi ngày.”

Ông giải thích rằng Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) mua lại hình ảnh vệ tinh từ các công ty vệ tinh thương mại, và tất cả tuỳ thuộc vào quyết định của các công ty này, muốn chụp ảnh vệ tinh vào các thời điểm nào. Nhưng ông nói ngay cả khi vệ tinh hoạt động, chưa chắc ảnh chụp được đã rõ. Ông giải thích thêm:

“Nếu bị mây che hay thời tiết xấu, hay vì một lý do khác thì khó có thể chụp được ảnh. Điều quan trọng hơn là nếu Việt Nam có triển khai tên lửa ra Trường Sa mà họ chọn che chúng lại thì chúng ta cũng không tài nào biết được. Điều duy nhất chúng ta có thể làm là theo dõi những gì trên mặt đất, không bị che giấu vào đúng thời khắc khi mà vệ tinh có mặt và hoạt động trên khu vực.”

Hãng tin Reuters và nhiều báo chí nước ngoài hôm 10/8 đưa tin Việt Nam đã tăng cường lực lượng trên một số đảo mà Hà Nội kiểm soát ở Biển Đông. Reuters trích dẫn 3 nguồn tin gồm các nhà ngoại giao và quan chức quân đội nước ngoài nói rằng Việt Nam đã triển khai các giàn pháo di động có khả năng tấn công các phi đạo và cơ sở quân sự của Trung Quốc trong vùng biển đang tranh chấp.

Quân đội VN phủ nhận tin triển khai pháo phản lực ở Trường Sa
please wait

No media source currently available

0:00 0:02:44 0:00

Bài tường trình của Reuters trích các nguồn tin vừa kể nói rằng thông tin tình báo cho thấy Hà Nội đã dời chuyển các giàn pháo phản lực từ đất liền lên 5 đảo thuộc quần đảo Trường Sa trong mấy tháng gần đây, một động thái có thể tăng căng thẳng với Bắc Kinh.

Ông Greg Poling cho biết ý kiến:

“Tôi chỉ có thể nói Việt Nam không chối bỏ là họ đã triển khai các giàn phóng tên lửa hoặc các hệ thống tên lửa khác tới Trường Sa. Họ chỉ nói rằng bản tin của Reuters không chính xác. Liệu ý của họ là Reuters không chính xác bởi vì bản tin tường thuật sai về loại tên lửa được sử dụng, hoặc vì các số liệu của Reuters không chính xác, nhưng điều đó không thay đổi sự thực là, có leo thang quân sự trong khu vực bởi vì Trung Quốc đã xây đủ các hangar (tức các nhà chứa máy bay) cho các phi đoàn của họ trên 3 đảo. Thì cũng dễ hiểu thôi nếu các nước khác cũng đòi chủ quyền Biển Đông cảm thấy họ cần phải tăng cường khả năng phòng thủ của họ.”

Các quan chức ngoại giao và các nhà phân tích quân sự nước ngoài tin rằng các giàn phóng mà Việt Nam có thể triển khai là một phần thuộc hệ thống pháo phản lực hiện đại mới mua của Israel.

Được hỏi liệu làm như vậy có thể được coi là leo thang tranh chấp Biển Đông, đặc biệt nếu thực sự Việt Nam triển khai hệ thống pháo phản lực EXTRA của Israel ra Trường Sa? Ông Poling trả lời:

“Tôi không biết gì về liệu Việt Nam có triển khai hệ thống pháo EXTRA ra Trường Sa hay không, tôi chỉ nói rằng nếu Việt Nam làm như vậy thì cũng không đáng ngạc nhiên, xét những hành động làm leo thang căng thẳng của phía Trung Quốc.”

Ông Greg Poling nhận định căng thẳng rõ rệt đã leo thang trong khu vực:

“Rõ ràng là căng thẳng đã leo thang nhưng không phải bởi vì Việt Nam đã triển khai hay không triển khai bất cứ thứ gì ra Trường Sa, mà căng thẳng leo thang là bởi vì Trung Quốc tăng cường quân sự hoá các đảo, đá và bãi cạn một cách quy mô trong Biển Đông.”

Trả lời câu hỏi của Ban Việt ngữ VOA về phản ứng của Hoa Kỳ trước tình hình ở Biển Đông bây giờ, ông Greg Poling nhấn mạnh Hoa Kỳ và các đồng minh chỉ muốn bảo vệ luật pháp quốc tế và duy trì quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực:

“Hoa Kỳ không phải là một nước tranh chấp chủ quyền ở đây. Mỹ quan tâm tới khu vực tương tự như Nhật Bản, Australia hay Ấn Độ quan tâm tới vùng này. Chúng tôi duy trì lập trường rằng các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc là quá trớn và bất hợp pháp, rằng những hạn chế của Bắc Kinh đối với tự do hàng hải vi phạm luật pháp quốc tế, và chúng tôi trông đợi bất kỳ phương án nào nhằm quản lý hoặc giải quyết tranh chấp phải được thực hiện mà không dùng tới vũ lực hay bắt nạt các bên tranh chấp khác.”

Bộ Quốc phòng Mỹ nói gì về tin ‘giàn pháo di động’ của VN?
please wait

No media source currently available

0:00 0:02:07 0:00

Bộ Quốc phòng Mỹ mới đây kêu gọi “tất cả các bên tuyên bố chủ quyền ở biển Đông hãy tránh các hành động gây căng thẳng, tiến hành các bước thiết thực nhằm xây dựng lòng tin và tăng nỗ lực nhằm tìm ra các giải pháp hòa bình, ngoại giao để giải quyết tranh chấp”.

Các hangar chứa máy bay của Trung Quốc bị phát hiện trên đá Chữ Thập, đá Subi và đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa mà Việt Nam tuyên bố thuộc chủ quyền của mình.

Dựa trên các hình ảnh vệ tinh chụp vào tháng Bảy vừa rồi và do Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) phổ biến, tờ New York Times tường thuật rằng trên ảnh không thấy máy bay quân sự nào, nhưng ảnh cho thấy các hangar có khả năng chứa bất kỳ loại máy bay nào mà Không quân Trung Quốc đang sở hữu, kể cả chiến đấu cơ J-11 và SU-30.

XS
SM
MD
LG