Đường dẫn truy cập

Trung đông: Vùng đất nguy hiểm cho các nhà báo


Nhà báo Gilles Jacquier, bị thiệt mạng ở Syria, là phóng viên chiến tranh kỳ cựu, đã có mặt trong các vụ xung đột ở Iraq, Afghanistan, Congo, vùng Balkan, và những nơi khác
Nhà báo Gilles Jacquier, bị thiệt mạng ở Syria, là phóng viên chiến tranh kỳ cựu, đã có mặt trong các vụ xung đột ở Iraq, Afghanistan, Congo, vùng Balkan, và những nơi khác

Cái chết của phóng viên truyền hình Pháp Gilles Jacquier ở Syria làm tăng thêm số nhà báo bị giết, bị giam và bị đánh đập khi họ cố gắng tường trình cuộc nổi dậy Mùa Xuân Ả Rập đã được một tuổi. Theo tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới, Trung Đông là khu vực nguy hiểm nhất cho các nhà báo vào năm ngoái.

Chính phủ Pháp đã yêu cầu mở cuộc điều tra đầy đủ về cái chết của Gilles Jacquier, phóng viên truyền hình cho đài France số 2, nhà báo phương Tây đầu tiên bị giết chết ở Syria kể từ khi có cuộc nổi dậy chống chính phủ cách đây 10 tháng.

Không giống như rất nhiều nhà báo đã lẻn vào đất Syria không có thị thực nhập cảnh, phóng viên Jacquier, 44 tuổi, đã tới thị trấn Homs được sự cho phép của chính phủ Syria. Ông đã trúng đạn rocket trong lúc đang thu hình một cuộc mít tinh ủng hộ chính phủ.

Đài truyền hình France số 2 không tiếc lời khen ngợi ông Jacquier, một phóng viên chiến tranh kỳ cựu, đã có mặt trong các vụ xung đột ở Iraq, Afghanistan, Congo, vùng Balkan, và những nơi khác.

Trong một cuộc phỏng vấn được phát hình, Trưởng Phòng Thông tin của đài này, ông Thierry Thuillier gọi Jacquier là dân nhà nghề thực sự, một phóng viên hay gây sự với người khác, nhưng lại có nhiều bạn bè trong số các đồng nghiệp của mình.

Jacquier làm tăng thêm số nhà báo bị thiệt mạng, bị tấn công và giam cầm trong khi tường trình cuộc nổi dậy mùa xuân Ả Rập.

Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới-có trụ sở ở Paris-ước tính có 20 nhà báo thiệt mạng và 553 đã bị tấn công và đe dọa ở Trung Đông vào năm 2011, con số cao nhất so với các khu vực khác.

Bà Soazig Dollet, Trưởng phòng Trung Đông và Bắc Phi của Phóng Viên Không Biên Giới cho biết:

"Ít nhất có một điểm chung trong tất cả các cuộc nổi dậy Ả Rập kể từ năm ngoái, đó là tất cả các chế độ bị chống đối đã cố gắng để kiểm soát dòng chảy của thông tin. Tất cả đều cố gắng khóa chặt thông tin, đầu tiên là thông tin về các cuộc biểu tình, kế tiếp là thông tin về các cuộc đàn áp biểu tình. Họ thực hiện các chuyện này bằng cách truy bức các phương tiện truyền thông trong nước và ngăn nhà báo nước ngoài nhập cảnh. "

Bà Dollet nói ông Jacquier là nhà báo thứ tư bị giết chết ở Syria kể từ khi cuộc nổi dậy bắt đầu. Cũng giống như chính phủ Pháp, tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới kêu gọi chế độ Syria điều tra đầy đủ về cái chết của ông Jacquier. Bà nói:

"Chúng tôi không yêu cầu nhà báo nước ngoài đừng đến Syria. Thế giới cần được thông tin về những gì xảy ra ở Syria. Không đến Syria có nghĩa là chúng ta sẽ tùy thuộc vào những thông tin của chế độ tại đây. Chúng ta cần có nhà báo nước ngoài tại chỗ. Họ là nguồn tin độc lập duy nhất giúp chúng ta hiểu những gì đang xảy ra ở Syria. "

Nhiều nhà báo cũng bị giết chết trong lúc tường trình các cuộc nổi dậy ở Yemen, Libya, Ai Cập và trong cuộc cách mạng tương đối ôn hòa của Tunisia cách đây một năm.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG