Đường dẫn truy cập

Cuộc khủng hoảng hạt nhân năm 2011 của Nhật sẽ kéo dài nhiều năm


Cựu Ngoại trưởng Nhật Yoriko Kawaguchi nói không có điện hạt nhân, Nhật Bản sẽ khó có thể tiếp tục phát triển kinh tế có thể là trong 20 hay 30 năm nửa
Cựu Ngoại trưởng Nhật Yoriko Kawaguchi nói không có điện hạt nhân, Nhật Bản sẽ khó có thể tiếp tục phát triển kinh tế có thể là trong 20 hay 30 năm nửa

Nhật Bản đang thở phào nhẹ nhõm sau khi có xác nhận chính thức rằng các lò phản ứng hạt nhân bị hư hại tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 hiện đang trong tình trạng “nguội lạnh”. Điều đó có nghĩa là nước dùng để làm mát các thanh nhiên liệu hạt nhân bị phá hủy đang ở dưới mức nước sôi, ngăn chặn nhiên liệu có mức phóng xạ cao không bị nóng lại. Nhưng công việc dọn dẹp một khối lượng lớn phóng xạ vẫn chưa hoàn thành – và có thể kéo dài hàng thập niên – rất ít người có lý do để ăn mừng khi năm 2011 đang kết thúc.

Trận động đất và sóng thần hôm 11 tháng 3 đã làm 20.000 người thiệt mạng ở đông bắc Nhật Bản. Thảm họa này không chỉ gây tình trạng tan chảy ở ba lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 ở ven biển, mà còn khơi lại các cuộc tranh luận về những mối đe dọa của năng lượng hạt nhân.

Mặc dù không ai bị thiệt mạng vì bị phơi nhiễm phóng xạ trong thảm họa tại nhà máy Fukushima, nhưng các cộng đồng dân cư ở đó đã phải sơ tán. Thậm chí những người ở cách nhà máy hàng trăm km cũng lo ngại về tác động lâu dài của mức phóng xạ cao hơn bình thường, đặc biệt là về sức khỏe của trẻ em.

Sự lo lắng đó còn tăng thêm với việc phát hiện ra mức phóng xạ cao hơn giới hạn cho phép trong cá, cây trồng và thậm chí cả sữa.

Niềm tin của công chúng đã bị lung lay kể từ những ngày đầu tiên của vụ khủng hoảng khi công ty vận hành nhà máy Fukushima và chính phủ dường như đã đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của thảm họa.

Ông Roger Cashmore là chủ tịch Cơ quan Năng lượng Nguyên tử của Anh. Nhà vật lý nguyên tử này nói rằng việc cung cấp thông tin chậm trễ từ Tokyo và việc giữ kín những số liệu quan trọng vào cao điểm của vụ khủng hoảng đã làm mất đi niềm tin của người dân. Ông nhận định:

“Minh bạch là điều quan trọng. Phải hoàn toàn cởi mở về tất cả những điều dó và đảm bảo rằng những hành động như vậy không nên được thực hiện. Tôi nghĩ, người dân, lúc đó đã rất lo ngại về hệ thống qui định tồn tại ở Nhật Bản.”

Quan ngại đã dẫn đến việc kiểm tra kỹ lưỡng điều được gọi là “làng hạt nhân” – một cộng đồng công nghiệp và các nhà ban hành qui định của chính phủ cũng như giới truyền thông trong nước và các chính trị gia quyền lực.

Cựu Phó Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc đặc trách Vấn đề Giải giới, Nobuyasu Abe (một giám đốc của Viện Quan hệ Quốc tế Nhật Bản) nói rằng những người ủng hộ công nghiệp hạt nhân đã cản trở hoạt động giám sát. Ông nói:

“Tại Nhật Bản, một số đông chính trị gia nhận các khoản quyên góp chính trị từ các công ty năng lượng. Họ có thể bị ảnh hưởng hoặc họ có thể ngần ngại khi đưa ra lời chỉ trích.”

Cựu ngoại trưởng và bộ trưởng môi trường của Nhật Bản đang chỉ trích phản ứng chính thức đối với vụ khủng hoảng trong 9 tháng qua. Nhưng bà Yoriko Kawaguchi, thuộc đảng bảo thủ đối lập (và nhà lập pháp của Đảng Dân chủ Tự do), nói rằng chính phủ (của Đảng Dân chủ) không nên để Công ty Điện lực Tokyo, còn được gọi là TEPCO, phá sản tại thời điểm khủng hoảng.

Bà Kawaguchi nói rằng không còn phải nghi ngờ là rồi ra Nhật Bản vẫn sống còn, và sẽ kiểm soát được tình hình. TEPCO gần như đã phá sản và chính phủ đang hỗ trợ, các tổ chức tài chính đang giúp đõ. Bà nói Nhật Bản không có lựa chọn nào khác hơn là để TEPCO vượt qua sóng gió và hoạt động của họ cho dù có phải mất bao nhiêu thời gian đi nữa.

Khoảng 80% các lò phản ứng hạt nhân của Nhật Bản hiện đang đóng, chủ yếu là để kiểm tra an toàn.

Nhưng bà Kawaguchi nói rằng Nhật Bản, một đảo quốc hạn hẹp về tài nguyên thiên nhiên, không thể theo Đức, nước đã quyết định đóng cửa tất cả các nhà máy điện hạt nhân.

Bà nói không có các nhà máy điện hạt nhân, sẽ khó để Nhật Bản tiếp tục phát triển kinh tế, có thể là trong khoảng 10, 20 hay 30 năm nữa. Nhật Bản ở vị trí cách biệt, không giống như Đức nước có thể nhập khẩu năng lượng từ Pháp nơi điện được sản xuất bằng năng lượng hạt nhân.

Vì vậy để duy trì tăng trưởng kinh tế, bà nói rằng chính phủ Nhật Bản phải phục hồi niềm tin của công chúng, vốn đã mất đi sau vụ tan chảy hạt nhân. Đó có thể sẽ là một nhiệm vụ phải mất hàng thập niên mới có thể hoàn thành được.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG