Đường dẫn truy cập

Thương nghị về các biện pháp chế tài Iran bắt đầu tại New York


Các vị đại sứ của 5 thành viên thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và nước Đức đã họp tại New York hôm qua trong vòng thương nghị đầu tiên về những biện pháp chế tài mới có thể áp đặt đối với Iran vì chương trình hạt nhân mà nước này bị nghi ngờ. Từ trụ sở Liên Hiệp Quốc, thông tín viên VOA Margaret Besheer ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Các vị đại sứ của 5 thành viên thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và nước Đức đã họp tại New York hôm qua trong vòng thương nghị đầu tiên về những biện pháp chế tài mới có thể áp đặt đối với Iran vì chương trình hạt nhân mà nước này bị nghi ngờ. Từ trụ sở Liên Hiệp Quốc, thông tín viên VOA Margaret Besheer ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Các vị đại sứ họp sau những cánh cửa đóng kín trong gần 3 tiếng đồng hồ tại văn phòng phái bộ Anh ở Liên Hiệp Quốc.

Ra khỏi cuộc họp, đại sứ Nga Vitaly Churkin nói với các phóng viên rằng nhóm này còn hy vọng tìm ra một giải pháp ngoại giao cho các vấn đề hạt nhân của Iran.

Ông Churkin nói: “Tôi cho rằng không có ai trong chúng tôi muốn áp đặt các biện pháp chế tài, điều chúng tôi muốn là một giải pháp ngoại giao. Và tất cả những đề nghị xây dựng đã được đưa ra cho Iran. Vì thế, như quý vị đã đề cập đến, nếu Iran muốn thương nghị thì họ phải bắt đầu việc thương nghị.”

Trong số 6 nước vừa nêu tên, Trung Quốc, là nước có quan hệ thương mại chặt chẽ với Iran, đã tỏ ra ngần ngại nhất trong việc áp đặt các biện pháp chế tài mới. Những biện pháp này có thể bao gồm những biện pháp nhắm mục tiêu vào các thành viên thuộc Vệ binh Cách mạng đầy thế lực của Iran, cũng như nhắm vào các khu vực bảo hiểm và hàng hải của Iran. Thay vì thế, Trung Quốc đã thúc đẩy để có thêm biện pháp ngoại giao với Iran.

Nhưng ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton mới đây tuyên bố rằng chế tài và ngoại giao không loại trừ nhau, và rằng chế tài có thể là một phần hữu hiệu của các cuộc thương lượng ngoại giao.

Sau cuộc họp hôm qua, đại sứ Hoa Kỳ tại Liên hiệp quốc, bà Susan Rice cho biết các cuộc thương nghị giữa Anh, Pháp, Nga, Hoa Kỳ và Đức sẽ tiếp tục tại New York.

Bà Rice nói: “Chúng tôi đã mở một cuộc thảo luận hữu ích giữa 5 nước thành viên thường trực và Đức, về vấn đề hạt nhân Iran. Chúng tôi trông đợi các cuộc thảo luận sẽ tiếp tục ở New York và tại các thủ đô trong những ngày và tuần lễ sắp tới.”

Trứơc đó, bà Rice tuyên bố các cuộc thương nghị đang tăng cường sau khi được chuyển địa điểm đến New York. Bà không đề ra một thời biểu về khi nào có thể đưa ra một nghị quyết trước toàn thể Hội đồng Bảo an để biểu quyết, mà chỉ nói rằng nhóm thảo luận đang cố gắng hoàn tất “một cách nhanh chóng.” Tổng thống Obama mới đây đã tỏ ý hy vọng nhìn thấy một nghị quyết chế tài “trong vòng vài tuần lễ.”

Nhóm 5 nước cộng 1 hy vọng sẽ đúc kết được một văn bản dự thảo về nghị quyết chế tài – và đây sẽ là nghị quyết thứ tư chống lại Iran – mà họ đạt được sự đồng thuận và sau đó trình ra trước 10 thành viên khác của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Muốn được phê chuẩn, nghị quyết cần phải được 9 trong số 15 phiếu và không bị các thành viên thường trực nào phủ quyết.

Các cường quốc thế giới tin rằng Iran đang bí mật tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân, một cáo buộc mà Iran thường bác bỏ. Nhưng Tehran đã không xoa dịu được những mối quan ngại.

Iran đã không chấp nhận các biện pháp xây dựng lòng tin và các đề nghị khác từ phía cộng đồng quốc tế, và đã không tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đòi họ phải đình chỉ việc tinh chế uranium.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG