Đường dẫn truy cập

Ấn Độ thiệt hại hàng tỷ đôla vì các vụ trốn thuế, tham nhũng


Bộ trưởng viễn thông Andimuthu Raja đã từ chức sau khi các thanh tra liên bang nói rằng chính phủ bị mất tới 39 tỷ đôla vì bán giấy phép sử dụng các sóng phát âm để truyền các cú điện thoại di động với giá thấp dưới giá thực tế
Bộ trưởng viễn thông Andimuthu Raja đã từ chức sau khi các thanh tra liên bang nói rằng chính phủ bị mất tới 39 tỷ đôla vì bán giấy phép sử dụng các sóng phát âm để truyền các cú điện thoại di động với giá thấp dưới giá thực tế

Theo một bản phúc trình mới, trốn thuế và tham nhũng đã gây thiệt hại hàng tỷ đôla cho Ấn Độ. Bản phúc trình được đưa ra vào lúc vấn đề tham nhũng đã dẫn tới một cơn lốc chính trị tại nuớc này. Từ New Delhi, thông tín viên VOA Anjana Pasricha gửi về bài tường thuật sau đây.

Bản phúc trình của tổ chức nghiên cứu và quảng bá sự liêm chính về tài chính toàn cầu (Global Financial Integrity) ước tính rằng Ấn Độ đã bị bòn rút mất một khoản tiền bất hợp pháp là 462 tỷ đôla trong 6 thập niên vừa qua.

Phần lớn khoản tiền này đã được tuồn ra sau khi Ấn Độ mở cửa nền kinh tế vào năm 1991. Bản phúc trình ước tính rằng trung bình mỗi năm có 16 tỷ đôla bị tuồn ra nước ngoài từ năm 2002 đến năm 2006.

Tác giả bản phúc trình, ông Dev Kar, nói rằng các vụ chuyển tiền phi pháp được thực hiện qua việc trốn thuế và tham nhũng và gây thiệt hại nặng nề cho Ấn Độ. Ông nói các cơ sở kinh doanh tư nhân là thủ phạm chính.

Ông Kar cho biết: “Chính các cá nhân và công ty có nhiều tài sản, cơ bản là khu vực tư nhân, gửi tiền ra nước ngoài qua các phương tiện phi pháp. Bản thân chính phủ không tham gia vào các vụ chuyển tiền phi pháp, mà là các chính trị gia tham nhũng, các cá nhân tham ô trong khu vực tư nhân, các doanh gia, các công ty...”

Ông Kar nói đầu mối của các vụ chuyển tiền phi pháp là việc định giá sai trong các thương vụ. Nghĩa là, công bố một giá thấp hơn thị trường cho các mặt hàng xuất khẩu, và giá cao hơn thị trường cho các hàng hoá nhập khẩu.

Bản phúc trình nói rằng những vụ tuồn tiền ra nước ngoài góp phần làm tăng thêm nạn nghèo khó và đào sâu thêm hố cách biệt giữa người giầu và kẻ nghèo.

Tổ chức Minh bạch Quốc tế đã xếp hạng Ấn Độ đứng vào thứ 87 trong số 178 nước trong bản Chỉ số Tham nhũng Quốc tế năm 2010.

Bà Anupama Jha là giám đốc điều hành chi nhánh tại Ấn Độ của Tổ chức Minh bạch Quốc tế. Bà nói điều tác động đến ngưòi nghèo nhiều nhất ở trong nước không phải là tình trạng tham nhũng trong khu vực tư nhân mà la tình trạng tham nhũng trong chính quyền.

Bà Jha nói rằng các dịch vụ mà lẽ ra được thụ hưởng miễn phí thì họ lại phải hối lộ cho các quan chức mới có được. Những dịch vụ đó là ngân hàng, dịch vụ gia cư, cảnh sát vân vân. Vì thế mà người nghèo phải hối lộ chứ không có cách nào khác mà có được. Điều đáng báo động là không có nỗ lực từ phía chính quyền để ngăn chặn tình trạng tham ô ấy.

Trong mấy tuần lễ vừa qua, vấn đề tham nhũng đã khơi ra một cơn lốc chính trị, và ngày càng có những lời yêu cầu đòi phải nhận trách nhiệm về một loạt các vụ tai tiếng tham ô có liên quan đến các giới chức chính phủ.

Các đảng đối lập đòi truy tố cựu bộ trưởng viễn thông A. Raja. Ông này mới đây đã từ chức sau khi các thanh tra liên bang nói rằng chính phủ bị mất tới 39 tỷ đôla vì bán giấy phép sử dụng các sóng phát âm để truyền các cú điện thoại di động với giá thấp dưới giá thực tế. Nhiều dự án liên quan đến Đại hội Thể thao của Khối Thịnh vượng Chung mà Ấn Độ đang cai hồi tháng 10 cũng bị cáo buộc là đầy rẫy những vụ tham ô.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG