Đường dẫn truy cập

Hy Lạp đòi Đức bồi thường chiến tranh


Tổng thống Nga Vladimir Putin đón chào Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras tại Điện Kremlin Moscow, ngày 8/4/2015.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đón chào Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras tại Điện Kremlin Moscow, ngày 8/4/2015.

Hy Lạp đòi Đức bồi thường hơn 300 tỉ đôla cho những thiệt hại ở Thế chiến thứ II. Các giới chức Hy Lạp hôm thứ Ba nói rằng họ có những tài liệu do quân đội Hoa Kỳ cất giữ để hỗ trợ cho yêu cầu đòi bồi thường. Berlin nói rằng Đức đã giải quyết bồi thường cho Hy Lạp theo một thỏa thuận sau chiến tranh. Tranh chấp mới nhất này làm tăng thêm căng thẳng hiện có giữa hai nước, xuất phát từ việc Athens mất khả năng trả nợ cho Liên hiệp Châu Âu. Trong khi đó, chính phủ Hy Lạp đang tìm cách gia tăng các mối quan hệ với Nga. Thông tín viên Zlatica Hoke tường trình.

Các lực lượng Đức Quốc xã đã thảm sát 200 người ở làng Distomo thuộc miền trung Hy Lạp khi làng này thất thủ vào tháng 6 năm 1944. Binh lính SS đi lục soát từng nhà, giết thường dân để trả đũa cho vụ đơn vị của họ bị du kích quân tấn công.

Ông Angelos Kastritis mất mẹ và ông bà ngoại trong vụ thảm sát đó.

"Họ phải bồi thường, và vị biết tại sao không? Để những thế hệ sắp tới của Đức phải hiểu rằng khi họ làm một điều gì sai, họ phải trả giá cho việc đó."

Hàng chục ngàn người Hy Lạp bị giết hại trong cuộc chiến và một con số nhiều hơn đã chết vì đói kém sau chiến tranh. Đức đã bồi thường cho những tội ác mà Đức Quốc xã gây ra cho một số nước, trong đó có Hy Lạp, vào năm 1960. Nhưng các giới chức Hy Lạp nói số nợ còn lớn hơn nhiều.

Ông Dimitris Mardas, Thứ trưởng Tài chánh Hy Lạp, nói:

"Theo con số tính toán riêng của chúng tôi, số nợ liên quan đến bồi thường chiến tranh của Đức lên đến 302 tỉ đôla."

Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức Sigmar Gabriel.
Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức Sigmar Gabriel.

Một giới chức Đức nói rằng tuyên bố này của Hy Lạp được đưa ra chỉ vài ngày trước khi khoản nợ quốc tế của Hy Lạp đáo hạn.

Ông Markus Soeder, Bộ trưởng Tài chánh bang Bavaria của Đức, nói:

"Đây làm một vấn đề không nên khai thác để biện minh cho việc thâm hụt ngân sách ở Hy Lạp; nó được đưa ra một cách không thích hợp, mà theo quan điểm của tôi là một chiến lược hoàn toàn sai lầm. Chính phủ Đức đã nói họ xem vấn đề này đã giải quyết xong, và tôi tán đồng."

Hy Lạp xung khắc với Đức về các biện pháp kiệm ước mà Berlin đòi Athens phải áp dụng như là điều kiện để được vay vốn cứu nguy tài chánh của Liên hiệp Châu Âu nhằm cứu Hy Lạp ra khỏi tình trạng vỡ nợ đang cận kề. Tân Thủ tướng Alexis Tsipras của Hy Lạp nói ông muốn đẩy mạnh quan hệ thương mại với Nga, bất chấp các lệnh chế tài của Liên hiệp Châu Âu đối với Moscow liên quan đến vài trò của Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Các nhà buôn Hy Lạp, những người đang hết sức mong muốn bán hàng hóa của họ, ủng hộ cho ý tưởng đó.

Ông Stefanos Kirlis của một hiệp hội nhà buôn nông sản Hy Lạp nói:

"Tôi tin là bây giời là thời điểm thích hợp để bãi bỏ các lệnh chế tài đối với Nga. Việc làm đó sẽ giúp các nhà sản xuất và kinh doanh nông sản của Hy Lạp xuất khẩu với số lượng lớn hơn, để tháo dỡ tồn đọng cho thị trường Hy Lạp, giúp cho nông dân và nhà buôn cải thiện tình hình tài chánh."

Trụ sở chính của Ngân hàng Hy Lạp tại trung tâm Athens. Việc lập lại yêu cầu đòi Đức bồi thường chiến tranh cũng được xem như là một lá bài mà Hy Lạp sử dụng.
Trụ sở chính của Ngân hàng Hy Lạp tại trung tâm Athens. Việc lập lại yêu cầu đòi Đức bồi thường chiến tranh cũng được xem như là một lá bài mà Hy Lạp sử dụng.

Các phân tích gia nói rằng các thành viên của Liên hiệp Châu Âu có quyền giữ quan hệ với Nga miễn là họ tuân thủ các quy định của tổ chức.

Ông George Tzogopoulos của Quỹ Hy Lạp về chính sách đối ngoại và Châu Âu nói:

"Hy Lạp không tìm cách thách thức Liên hiệp Châu Âu, nhưng có thể muốn tăng sức ép lên tổ chức này bằng việc cho thấy rằng trên lý thuyết họ vẫn còn những chọn lựa khác để bảo đảm nguồn tài chính cho nền kinh tế của đất nước."

Việc lập lại yêu cầu đòi bồi thường chiến tranh cũng được xem như là một lá bài mà Hy Lạp sử dụng để giảm bớt những biện pháp hà khắc mà nền kinh tế mạnh nhất của Liên hiệp Châu Âu buộc Hy Lạp phải áp dụng.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG