Đường dẫn truy cập

Họp mặt ‘Cà phê Tử thần’ để đàm luận một điều kiêng kỵ


US ‘Death Cafes’ Put Focus on the Finale
please wait

No media source currently available

0:00 0:02:55 0:00

Thật khó tưởng tưởng rằng cái chết đã có lúc là thật gần gũi trong đời sống của người Mỹ. Đó là trong thời gian diễn ra Nội chiến – thời kỳ đẫm máu nhất của nước Mỹ - với trên 600.000 người thiệt mạng. Những bức ảnh đen trắng bị nhiễu hạt của các chiến trường từ giữa thế kỷ 19 với các xác chết vương vãi trên mặt đất cho người xem một ý niệm mơ hồ về tầm mức tử vong lúc đó. Theo sử gia Drew Gilpin Faust, Viện trưởng Đại học Harvard, nếu so với tỷ lệ dân số hiện nay thì cũng giống như có 7 triệu người chết.

Bà nói trong một cuộc phỏng vấn hồi năm ngoái trong dip lễ tưởng niệm trận chiến đẫm máu nhất là Trận Gettysburg năm 1863 như sau:

“Hầu như ai cũng có một người thân yêu hay biết một người nào đó có một người thân yêu bị mất. Mọi người nhìn thấy cái chết ở mức độ, và quy mô mà họ không thể tưởng tượng được trước đó.”

Tuy nhiên trong xã hội hướng về khách hàng của nước Mỹ hiện đại thì chết là một đề tài được tránh nói đến. Bà Theresa Gale thuộc Nhà thờ Cộng đồng Kittamaqundi ở Columbia, bang Maryland, mới đây đã tổ chức một cuộc “Thảo luận về cái Chết.” Bà nói:

“Nhiều người trong chúng ta tin vào một thứ chân lý là nói chuyện về cái chết cũng bất lịch sự như nói về rối loạn chức năng tình dục.”

Đó là ý tưởng đơn giản – một nhóm người họp mặt trong một quán cà phê, một nhà hàng, một nhà thờ hay thậm chí trong một nghĩa trang, và nói về cái chết và tình trạng chờ chết, với hy vọng là sự trao đổi về những đề tài bị xem là kiêng kỵ này sẽ giúp giảm đôi chút sợ hãi lúc đối mặt với giây phút sau cùng này.

Phong trào với tên gọi là “Cà phê Tử thần” (Death Café) do ông Jon Underwood khởi xướng nhiều năm trước đây ở London, lấy cảm hứng từ các bài viết của nhà xã hội học Thụy Sĩ Bernard Crettaz.

Từ đó đến nay đã có hơn 1.100 buổi thảo luận được tổ chức, chủ yếu là ở Âu châu và các nước nói tiếng Anh, theo trang web của Underwood “deathcafe.com” cho biết. Hiện nay ông dự định mở một “Cà phê Tử thần” thường trực trong thủ đô nước Anh.

Tại nhà thờ Kittamaqundi ở Baltimore, ngoại ô Wahington, buổi họp mặt được gọi là “thảo luận về cái Chết.” Trà và bánh ngọt được phục vụ và những người tham dự, ngồi thành vòng tròn, nói lý do vì sao họ đến dự.

Một phụ nữ nói: “Tôi muốn làm chủ cái chết của chính mình.”

Một người khác cho biết, “Tôi muốn chấp nhận sự việc hơn cho dù có như thế nào, cho dù bất cứ điều gì xảy ra.”

Rồi thì họ chuyền micro cho bà Ruth Anne ‘Pinkie’ Celnicks. Bà vừa nói vừa cười:

“Tôi muốn được môt vài gợi ý như là làm thế nào tôi có thể đi ra ngoài: Bye, Bye!”

Nụ cười lạc quan của bà Celnicks đã làm mọi người ngạc nhiên vì mới đây bà được chẩn đoán bị ung thư giai đoạn cuối.

Bà nói trong một cuộc phỏng vấn sau đó:

“Người ta bắt đầu chết dần ngay từ lúc chào đời. Tôi đã 72 tuổi. Lạy trời, tôi còn cần tiếp tục sống bao lâu nữa?”

Phần lớn cuộc thảo luận xoay quanh cái cảm giác là rất nhiều thứ mà người ta làm trong đời chưa đủ để chuẩn bị cho họ cái chết.

Bà Pat Cochran Engelbach, tác giả một quyển sách nói về cái chết, và cũng là một người tổ chức cuộc họp mặt nói:

“Tôi nghĩ đối với văn hóa này, đặc biệt, chúng ta có nhiều khoản cách giữa chính chúng ta và cái chết – chúng ta quá thành công, chúng ta quá đẹp, chúng ta có quá nhiều đồ chơi – đây là tất cả những thứ làm xa cách giữa chính chúng ta và đất.”

Bà đổ lỗi phần nào cho công nghiệp tang lễ, một công nghiệp nổi lên để giúp người Mỹ đối phó với cuộc tàn sát của cuộc nội chiến. Ướp xác, một việc chủ yếu được thực hiện bởi các bác sĩ cho đến lúc đó, đã được làm để bảo quản hàng ngàn xác chết để có thể gửi về cho gia đình của họ.

Ông Caleb Wilde, giám đốc thế hệ thứ 6 một nhà tang lễ ở Pennsylvania, nói rằng nghề của ông là giúp đưa cái chết ra khỏi nhà. Ông nói:

“Tôi nghĩ công nghiệp tang lễ có trách nhiệm về sự khước từ cái chết của người Mỹ. Chúng tôi đã lấy đi các trách nhiệm từ cộng đồng, gia đình và chúng tôi được trả tiền để che chắn thực tế của cái chết.”

Ông Wide đã thu hút sự chú ý của cả nước qua một việc làm khá bất thường đối với nghề của ông – viết blog. Nhiều bài của ông trên trang blog tự phê bình mình, tuy nhiên ông cũng tin rằng người Mỹ cần có trách nhiệm hơn đối với cái chết của chính họ. Ông nói:

“Ở nước Mỹ này, chúng ta thích nghĩ rằng chúng ta bất tử. Chúng ta đứng trên đỉnh cao nhất của thế giới và chúng ta theo đuổi… tiền tài hay địa vị và chúng ta thích nghĩ rằng chúng ta sẽ cứ sống vĩnh kiếp.”

Ông nói, “Tất cả chúng ta đều chết vậy mà chúng ta không suy ngẫm nhiều về điều đó.”

XS
SM
MD
LG