Đường dẫn truy cập

Hoa Kỳ và Iran tiếp tục đàm phán hạt nhân sau khi lỡ kỳ hạn mới nhất


Ngoại trưởng Iran Zarif phát biểu từ bao lơn của khách sạn ở Vienna, Áo, nơi tổ chức các cuộc đàm phán, hôm 9/7/2015.
Ngoại trưởng Iran Zarif phát biểu từ bao lơn của khách sạn ở Vienna, Áo, nơi tổ chức các cuộc đàm phán, hôm 9/7/2015.

Iran và các cường quốc thế giới tiếp tục các cuộc đàm phán hạt nhân ráo riết ở Vienna, sau khi một kỳ hạn nữa lại trôi qua mà không đạt được một thỏa thuận toàn diện.

Hồi sớm hôm nay, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã họp với Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif và các giới chức đối ngoại của Liên hiệp châu Âu tại một khách sạn ở Vienna nơi tổ chức các cuộc đàm phán.

Phát biểu từ bao lơn của khách sạn, ngoại trưởng Zarif cho biết đàm phán đã đạt được tiến bộ, nhưng khi được các phóng viên hỏi liệu ông có ở lại thủ đô cho đến hết cuối tuần này không, ông trả lời là “Hình như có”.

Ông Zarif la lớn với đám đông truyền thông tụ tập ở bên dưới rằng: “Chúng tôi không có kỳ hạn. Chúng tôi muốn có một thỏa thuận tốt”.

Trong khi các cuộc đàm phán bước qua tuần lễ thứ nhì, ngày càng có các dấu hiệu nóng nảy. Khuya hôm qua, ông Zarif đã chỉ trích “nhiều nước” mà ông cho là đang thay đổi lập trường và đưa ra các “yêu sách quá đáng”, theo truyền thông nhà nước Iran.

Trước đó trong ngày hôm qua, ông Kerry cảnh báo rằng nếu không thực hiện các quyết định khó khăn sớm, thì các thương thuyết gia của ông sẵn sàng “chấm dứt tiến trình”.

Ông Kerry nói với các phóng viên: “Chúng tôi sẽ không vội vã và cũng sẽ không để bị thúc giục”.

Ông nói “tiến bộ thực sự” đang được thực hiện hướng tới một thỏa thuận toàn diện và phẩm chất của bất cứ thỏa thuận nào là mối quan tâm chính.

Ông nói: “Nếu cuối cùng chúng ta có thể đạt được một thỏa thuận, thì đó phải là một thỏa thuận có thể sống còn qua trắc nghiệm thời gian. Đó không phải là trắc nghiệm trong vài giờ hay vài tuần hoặc vài tháng, mà là một trắc nghiệm nhiều thập niên. Mục tiêu của chúng tôi ở đây là như thế”.

Các nhà thương thuyết đã nhắm mục tiêu đạt được một thỏa thuận trước cuối ngày thứ Năm, sau khi lỡ hai kỳ hạn đã định trước đây. Tuy nhiên, kỳ hạn chót được coi là cấp thiết hơn, bởi vì mọi thỏa thuận nay sẽ phải qua một cuộc duyệt xét được gia hạn bởi các nhà lập pháp hoài nghi của Hoa Kỳ.

Các nhận định của Tòa Bạch Ốc

Hôm thứ Năm, Tòa Bạch Ốc lặp lại các nhận định của ông Kerry và nói rằng Tổng thống Barack Obama sẽ triệu hồi từ Vienna toán thương thuyết của Hoa Kỳ nếu các cuộc đàm phán có vẻ không xây dựng.

Phát ngôn viên Josh Earnest nói: “Sự kiện chúng tôi đã khẳng định rất rõ về các trông đợi của chúng tôi đối với một thỏa thuận chung quyết khiến có phần chắc là các cuộc đàm phán sẽ không kéo dài thêm nhiều tuần lễ. Nhưng, một lần nữa, tôi không muốn phỏng đoán về kết quả”.

Vẫn còn những bất đồng

Phần lớn bất đồng mới nhất tập trung vào việc liệu có bãi bỏ lệnh của Liên Hiệp Quốc cấm bán vũ khí quy ước cho Iran hay không.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm thứ Năm nói với các phóng viên tại Ufa, Nga, nơi ông đang dự một hội nghị thượng đỉnh kinh tế, rằng Moscow ủng hộ cuộc vận động của Iran xin bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí của LHQ.

Ông Lavrov nói: “Chúng tôi tán thành việc bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí càng sớm càng hay”.

Tuy nhiên, một giới chức LHQ thân cận với các cuộc đàm phán nói với đài VOA: “Không ai bàn về việc bãi bỏ cấm vận vũ khí cho mãi đến nhiều năm kể từ nay, nếu như có việc ấy”.

Các giới chức Tây phương từng cho biết họ chống đối chấm dứt cấm vận và lập luận rằng các thông số của một thỏa thuận khung được chấp thuận ở Lausanne, Thụy Sĩ, hồi tháng 4 kêu gọi những hạn chế gắt gao đối với vũ khí quy ước và phi đạn đạn đạo bao gồm trong một nghị quyết của LHQ được phác thảo trong khuôn khổ một thỏa thuận chung quyết.

Ông Lavrov nói ông dự định trở lại Vienna từ Nga, nơi ông và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đến dự hội nghị thượng đỉnh của khối các quốc gia BRICS, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.

Lỡ kỳ hạn

Kể từ khi không đạt được thỏa thuận trước 6 giờ sáng giờ địa phương hôm nay ở Vienna, Quốc hội Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng Hòa sẽ có 60 ngày thay vì 30 ngày để duyệt lại thỏa thuận, là thời gian kéo dài mà chính quyền Obama lo ngại sẽ tạo ra thêm các cơ may làm chệch hướng thỏa thuận.

Ông Bob Corker, chủ tịch Ủy ban Ngoại vụ Thượng viện hôm thứ Năm tuyên bố ông không coi việc kéo dài các cuộc đàm phán hạt nhân Iran như một vấn đề đối với các nhà lập pháp.

Thượng nghị sĩ Corker nói với các phóng viên ngay sau thông báo của Ngoại trưởng Kerry: “Tôi rất vui mừng là chúng ta không vội vã đi đến một nơi và theo các con đường tắt về những vấn đề còn lại. Đối với tôi, đó là một điều rất tốt”.

Bàn về một thỏa thuận có thể có, thượng nghị sĩ Chris Murphy của đảng Dân chủ nói với đài VOA rằng: “Tôi bớt lạc quan hơn so với một tuần trước đây”.

“Dường như phía Iran rất khó đồng ý, nhưng chính quyền đã khẳng định rõ nhiều lần rằng họ sẽ không chấp nhận một thỏa thuận xấu. Và nếu tổng thống sẵn sàng rời khỏi bàn hội nghị, nếu phía Iran không nhúc nhích về một số vấn đề còn lại này, tôi nghĩ điều đó sẽ là điều đáng khích lệ đối với những người ủng hộ ông và thậm chí cả những người chỉ trích ông ở trụ sở Quốc hội này”.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Ted Cruz, người cũng là một ứng viên ra tranh cử Tổng thống năm 2016, nói với đài VOA rằng: “Thỏa thuận hạt nhân này với Iran càng ngày càng tệ hại hơn và đi đến chỗ tai họa”.

Ông Cruz nói thêm:

“Vào thời điểm này, chính quyền Obama dường như chỉ theo đuổi các mục tiêu chính trị trong nước và gây phương hại hết sức cho an ninh quốc gia của nước này. Thỏa thuận này chỉ đẩy mạnh tiến độ Iran thủ đắc vũ khí hạt nhân”.

Các nước Tây phương lên án Iran là mưu tìm khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân, trong khi Iran lâu nay vẫn nhấn mạnh rằng chương trình hạt nhân của họ chỉ nhắm các mục đích dân sự như nghiên cứu y khoa và sản xuất điện lực.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG