Đường dẫn truy cập

Hòa đàm Afghanistan được thực hiện lại tại Kabul


Ngoại trưởng Afghanistan Salahuddin Rabbani phát biểu trong cuộc họp các nhà ngoại giao cấp cao của Afghanistan, Pakistan, Trung Quốc và Hoa Kỳ tại Kabul, ngày 18/1/2015.
Ngoại trưởng Afghanistan Salahuddin Rabbani phát biểu trong cuộc họp các nhà ngoại giao cấp cao của Afghanistan, Pakistan, Trung Quốc và Hoa Kỳ tại Kabul, ngày 18/1/2015.

Các phái đoàn của Afghanistan, Pakistan, Trung Quốc và Hoa Kỳ hôm nay họp tại Kabul để xúc tiến cuộc đối thoại nhằm tìm kiếm một giải pháp thông qua thương lượng để chấm dứt cuộc chiến Afghanistan. Theo tường thuật của thông tín viên Ayaz Gul tại trung tâm tin tức Nam Á của đài VOA ở Islamabad, phe Taliban chưa cho biết họ có muốn tham gia nỗ lực hoà bình này hay không.

Nhóm liên lạc 4 bên, gồm có các nhà ngoại giao cấp cao của Afghanistan, Pakistan, Trung Quốc và Hoa Kỳ, đã họp lần đầu tại Pakistan hồi tuần trước. Tại cuộc họp đó, 4 nước đã khẳng định là các cuộc thảo luận trực tiếp giữa các giới chức chính phủ Afghanistan và phe nổi dậy Taliban phải được thực hiện lại ngay tức khắc.

Tại cuộc họp ở Kabul hôm nay, Ngoại trưởng Afghanistan, ông Salahuddin Rabbani, kêu gọi tất cả các nhóm của phe Taliban chấp nhận lời kêu gọi hoà bình thông qua đối thoại. Những ông cũng nhấn mạnh tới việc vạch ra “những lằn ranh đỏ.”

"Mặc dù chúng tôi hiểu rằng việc đạt được một nền hoà bình lâu dài đòi hỏi kiên nhẫn và quyết tâm, nhưng cũng có một điều quan trọng không kém là mọi người nên nhớ rằng công chúng Afghanistan sẽ không chấp thuận một tiến trình không có giới hạn và không mang lại kết quả cụ thể."

Hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Afghanistan, ông Ahamd Shakeb Mustaghani, nói rằng tại cuộc họp ngày hôm nay chính phủ ông sẽ trình bày một kế hoạch để khởi động cuộc đàm phán.

"Lộ đồ này xác định một phương hướng rõ rệt cho việc khởi động và có được tiến bộ trong cuộc đàm phán hoà bình."

Các chiến binh Taliban tại Jalalabad. Vai trò của Pakistan được xem là quan trọng để đưa phe Taliban vào bàn đàm phán.
Các chiến binh Taliban tại Jalalabad. Vai trò của Pakistan được xem là quan trọng để đưa phe Taliban vào bàn đàm phán.

Vai trò của Pakistan được xem là quan trọng để đưa phe Taliban vào bàn thương nghị vì các nhà lãnh đạo của phe nổi dậy này thường dùng Pakistan làm nơi lập kế hoạch và phát động những cuộc tấn công ở Afghanistan.

Các giới chức Pakistan thừa nhận là họ có “ảnh hưởng có giới hạn” đối với phe Taliban, nhưng họ không tán thành ý kiến cho rằng họ nên gây sức ép để nhóm này ngồi vào bàn hoà đàm. Islamabad cho rằng làm như vậy sẽ phương hại cho các nỗ lực hoà bình.

Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Pakistan, ông Sartaj Aziz, nói rằng vai trò của nước ông phải được giới hạn trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình hoà bình.

"Tiến trình này phải do Afghanistan dẫn đầu và do Afghanistan làm chủ, bởi vì một giải pháp áp đặt từ bên ngoài là không tốt và không thể kéo dài."

Giới hữu trách Pakistan nhất mực cho rằng họ đã từ bỏ những chính sách trong quá khứ là ủng hộ phe Taliban hoặc các nhóm nổi dậy khác để những nhóm này phục vụ cho quyền lợi của họ ở Afghanistan.

Chính phủ Pakistan, nhất là quân đội của nước này, đã gặp phải rất nhiều sức ép đòi họ tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình hoà giải của Afghanistan.

Ông Imran Khan, lãnh tụ của đảng đối lập đang nắm quyền tại một tỉnh của Pakistan giáp ranh với Afghanistan, hối thúc chính phủ làm tất cả mọi việc trong khả năng của mình để góp phần mang lại hoà bình cho lân bang Afghanistan. Ông nói thêm như sau về phe Taliban ở Pakistan.

"Chúng tôi không muốn Taliban chiếm quyền cai trị ở Pakistan. Nếu họ nghĩ rằng ý tưởng của họ là tốt thì họ nên ra tranh cử để giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử. Họ không thể dựa vào nòng súng áp để đặt ý thức hệ của mình."

Các đại biểu từ Afghanistan, Pakistan, Hoa Kỳ và Trung Quốc thảo luận về một lộ trình để kết thúc cuộc chiến với Taliban tại Dinh Tổng Thống ở Kabul, Afghanistan, ngày 18/1/2016.
Các đại biểu từ Afghanistan, Pakistan, Hoa Kỳ và Trung Quốc thảo luận về một lộ trình để kết thúc cuộc chiến với Taliban tại Dinh Tổng Thống ở Kabul, Afghanistan, ngày 18/1/2016.

Ông Masood Khan, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách ở Islamabad, nói rằng Pakistan và Afghanistan cần phải gạt qua một bên những mối bất đồng trong quá khứ.

"Đã tới lúc để chứng minh những kẻ nói không là sai. Họ đã sai khi cho rằng cuộc nổi dậy của Taliban sẽ không chấm dứt, triển vọng hoà bình là u ám, và Pakistan với Afghanistan lúc nào cũng chống đối nhau. Chúng ta phải tiếp tục đưa ra những sự khẳng định có tính chất tích cực và thực thi những cam kết đó. Khí cụ của chúng ta để đạt được những mục tiêu đó là những hoạt động ngoại giao kiên quyết và tài ba của các nhà hoạt động chính trị."

Đại sứ Afghanistan tại Pakistan, ông Janan Mosazai, cho biết sự tham gia của Trung Quốc và Hoa Kỳ giúp cho Afghanistan cảm thấy an tâm về tiến trình hoà bình.

"Điều cần nhất để thành công là sự chân thành, cả trong lời nói lẫn trong hành động, để bảo đảm là công việc của chúng ta tiếp tục có tính chất cụ thể, có thể đo lường được và có giới hạn thời gian -- và để bảo đảm là chúng ta sẽ không bỏ lỡ cơ hội một lần nữa. Sự tiếp tục của làn sóng bạo động mới đây sẽ làm cho việc duy trì nỗ lực hoà giải giữa Afghanistan và Pakistan trở nên khó khăn hơn cho người dân Afghanistan."

Các giới chức Pakistan và Hoa Kỳ thừa nhận là sự thành công của tiến trình hoà bình Afghanistan sẽ tuỳ thuộc vào việc phe Taliban có đồng ý tham gia cuộc đàm phán với Kabul hay không.

Các phiến quân thuộc phe Hồi giáo này đã thông qua truyền thông xã hội và các trang web thân Taliban để chỉ trích cuộc thảo luận 4 bên.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG