Đường dẫn truy cập

Tổng thống Obama kết thúc hội nghị APEC tại Hawaii


Tổng thống Obama phát biểu tại cuộc họp báo ở Honolulu, Hawaii, ngày 13/11/2011
Tổng thống Obama phát biểu tại cuộc họp báo ở Honolulu, Hawaii, ngày 13/11/2011

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã kết thúc hội nghị tại bang nhà Hawaii của ông với nhóm Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á Thái Bình Dương gồm 21 nước thành viên. APEC đồng ý về các biện pháp nhắm thúc đẩy tăng trưởng và giản dị hóa thương mại. Tổng thống Obama cũng thảo luận các vấn đề song phương với Trung Quốc và chương trình hạt nhân của Iran gây nhiều tranh cãi. Từ Honolulu, thông tín viên VOA Dan Robison gửi về bài tường thuật sau đây.

Một thông cáo của Hoa Kỳ nói rằng các nhà lãnh đạo đã đồng ý về một tập hợp đầy đủ các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn việc làm và mở rộng thương mại và đầu tư trong một khu vực đại diện cho hơn phân nửa sản lượng kinh tế thế giới và chiếm 44% nền thương mại thế giới.

APEC cam kết tăng cường các chính sách canh tân do thị trường thúc đẩy, giảm thiểu hoặc bãi bỏ các hàng rào thuế quan và các rào cản khác, và xúc tiến các biện pháp giúp các doanh nghiệp thông qua những cải cách về luật lệ.

Tổng thống Obama một lần nữa nêu ra mối liên hệ giữa sự phục hồi kinh tế của Hoa Kỳ và vùng Thái Bình Dương, và nói rằng khu vực này là nền tảng cho tương lai của nước Mỹ.

Ông Obama nói: “99% người tiêu thụ trên thế giới nằm ở bên ngoài biên giới của chúng ta. Tôi muốn họ mua hàng hóa có đóng nhãn hiệu: Chế tạo ở Hoa Kỳ. Do đó tôi đã làm tất cả những gì có thể được để bảo đảm rằng Hoa Kỳ cạnh tranh ráo riết để tranh thủ công ăn việc làm và thị trường cho tương lai.”

Các quyết định khác gồm những biện pháp nới lỏng sự đi lại, giảm thiểu thuế quan đối với các hàng hóa và dịch vụ được coi là có tính môi trường, khuyến khích các công ăn việc làm “xanh” và bớt dần các trợ cấp thiếu hiệu năng về nhiên liệu hóa thạch.

Trước sự phản đối của Trung Quốc, Hoa Kỳ và 8 nền kinh tế APEC khác có cam kết tại Honolulu sẽ chung quyết một khu vực mậu dịch tự do có tên là Đối tác Xuyên Thái Bình Dương vào năm tới.

Cuộc họp thượng đỉnh diễn ra vào lúc cả thế giới đang lo âu về khả năng của châu Âu giải quyết vụ khủng hoảng nợ nần tác động đến các quốc gia như Hy Lạp và Italia.

Tổng thống Obama tuyên bố mục tiêu chung cuộc của APEC là thành lập một “nền kinh tế liền lạc trong khu vực”, và nói rằng Hoa Kỳ cần phải là một nước cạnh tranh tích cực trong khu vực.

Ông Obama nói: “Nếu chúng ta không nổi bật trong vai trò đóng vào nền kinh tế khu vực lớn nhất thế giới này và nền kinh tế khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới này, nếu chúng ta từ bỏ sân chơi và không tham gia, thì các doanh nghiệp Mỹ sẽ thua thiệt và sẽ không có những công ăn việc làm đó ở Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ.”

Một lần nữa, ông Obama lại kêu gọi Trung Quốc thay đổi các chính sách mà ông cho là gây bất lợi cho Hoa Kỳ và các đối tác thương mại khác, để cho chỉ tệ của Trung Quốc tăng giá và hướng tới một nền kinh tế nội địa do nhu cầu định hướng nhiều hơn.

Ông cũng phải đương đầu với những câu hỏi về bản phúc trình mới đây của Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế IAEA cung cấp bằng chứng về các nỗ lực bí mật phát triển vũ khí hạt nhân Iran.

Theo ông Obama, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga đoàn kết với nhau về mục tiêu chủ yếu này.

Ông Obama nói: “Tất cả ba nước chúng tôi đều hoàn toàn đồng ý về mục tiêu, là đoan chắc rằng Iran không vũ khí hóa sức mạnh hạt nhân và chúng ta không châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân trong khu vực. Điều đó có lợi cho cả ba nước chúng tôi.”

Ông Obama nói ba nước sẽ hội ý ráo riết với nhau trong những tuần lễ sắp tới về các “phương án có thể có được” dựa trên các biện pháp chế tài hiện hữu. Ông nói Hoa Kỳ không loại trừ phương án nào ra khỏi cuộc thảo luận, mà sẽ theo đuổi “mọi đường lối” cho một giải pháp thương lượng.

Tổng thống cũng nhân cuộc họp báo kêu gọi các đảng viên Dân chủ và Cộng hòa thuộc một ủy ban đặc trách vấn đề thâm hụt ngân sách của Hoa Kỳ hãy từ bỏ các lập trường cứng nhắc và đạt một thỏa thuận trước ngày 23 tháng này về việc giảm thiểu ít nhất 1,2 ngàn tỷ đôla thâm hụt.

Ông nói ông hy vọng rằng họ sẽ “làm những gì cần phải làm,” và nói thêm rằng ông sẵn sàng ký một dự luật công bằng và quân bình, trong đó có việc yêu cầu những người Mỹ giàu có nhất chi trả thêm một chút để giúp giải quyết các vấn đề thâm hụt ngân sách của Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG