Đường dẫn truy cập

Hàng triệu người ở miền đông Ukraine chật vật để sống sót


Người dân xin trợ cấp, hưu bổng xếp hàng để nhận trợ cấp tài chính tại một trong những văn phòng của chính phủ ở vùng tự xưng Cộng hòa Nhân dân Donetsk ở Donetsk, miền đông Ukraine, 12/12/2014.
Người dân xin trợ cấp, hưu bổng xếp hàng để nhận trợ cấp tài chính tại một trong những văn phòng của chính phủ ở vùng tự xưng Cộng hòa Nhân dân Donetsk ở Donetsk, miền đông Ukraine, 12/12/2014.

Cao Ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cảnh báo rằng hơn 5 triệu người bị kẹt trong những vùng bị tác động của xung đột ở miền đông Ukraine đang chật vật để sống sót vào lúc thời tiết mùa đông trở lạnh. Một phúc trình mới của Cao Ủy nói người dân Ukraine đang đối mặt với khó khăn chồng chất ở những khu vực nằm dưới sự kiểm soát của phe đòi ly khai vì bạo động và luật pháp và trật tự bị phá vỡ.

Các kiểm soát viên của Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhận thấy tình hình của hàng triệu người ở miền đông Ukraine đã trở nên tệ hại hơn kể từ khi chính phủ và phe ly khai đồng ý về một cuộc ngưng bắn vào ngày 5 tháng 9. Bản phúc trình nói có 1.357 người đã chết từ khi đó, chiếm gần một phần ba tổng số hơn 4.700 cái chết kể từ khi vụ xung đột khởi sự vào tháng 4.

Phúc trình nói trung bình mỗi ngày có 13 người thiệt mạng trong vụ xung đột và hơn 10.322 bị thương.

Người đứng đầu Chi nhánh châu Mỹ, châu Âu và Trung Á của Văn phòng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, ông Gianni Magazzeni, liên kết những cái chết leo thang và số các vụ vi phạm nhân quyền gia tăng với sự kiện luật pháp và trật tự sụp đổ trong các khu vực nằm dưới sự kiểm soát của phe nổi dậy được Nga hậu thuẫn.

Ông Magazzeni giải thích: “Bản phúc trình nêu ra sự liên kết rất chặt chẽ giữa tác động của sự hiện diện của các chiến binh nước ngoài cùng với vũ khí nặng, tinh vi ở miền Đông và tình hình nhân quyền với những vụ giết hại, bắt cóc, cưỡng bức lao động, đòi tiền chuộc và tống tiền liên tục đang diễn ra trong các khu vực miền đông nằm dưới sự kiểm soát của các nhóm có vũ trang.”

Bản phúc trình ghi chi tiết về việc cơ sở hạ tầng hư hại, nền kinh tế thất bát, và các dịch vụ xã hội và y tế gây thiệt hại ra sao cho những người dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là người già, trẻ em và các cá nhân được đặt dưới sự chăm sóc của nhà nước.

Tiếp theo các cuộc bầu cử do các phần tử đòi ly khai thân Nga tổ chức trong tháng trước, chính phủ Ukraine đã cắt giảm hưu bổng và ngưng tài trợ cho các trường học và bệnh viện ở các khu vực do phe nổi dậy kiểm soát.

Chỉ có những người rời khỏi các khu vực này và đăng ký là dân di trú ở các thành phố do chính phủ điều hành mới được hưởng các quyền lợi.

Ông Magazzeni nói với đài VOA rằng nhiều người sẽ không bắt kịp hạn chót đăng ký là ngày 31 tháng 12.

Ông nói: “Có những khu vực thực sự nằm dưới sự kiểm soát của các nhóm vũ trang. Nhưng dĩ nhiên hậu quả của quyết định này, nhất là đối với những người có thể hoặc không muốn hoặc không ở trong tư thế dời cư chỉ vì họ bị giữ lại ở đó hoặc không thể rời khỏi các khu vực ấy. Đó là một vấn đề thực sự đáng quan ngại … Một số trong những người này bị giữ gần như là con tin, vì thế họ không thể rời đi và còn bị buộc phải làm những việc mà họ không muốn làm.”

Bản phúc trình nói hơn một triệu người đã rời khỏi miền đông Ukraine. Bản phúc trình nói con số gần như chia đều giữa những người bị thất tán ngay bên trong Ukraine với những người đã bỏ trốn qua Nga. Trong số những người bị thất tán ngay trong nước, có gần 20.000 người từ Crimea, mà Nga đã sát nhập hồi năm nay.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG