Đường dẫn truy cập

Hàn Quốc cảnh báo Triều Tiên: Chớ thử nghiệm hạt nhân


Biểu tình chống kế hoạch thử nghiệm hạt nhân của Bắc Triều Tiên tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 31/1/2013.
Biểu tình chống kế hoạch thử nghiệm hạt nhân của Bắc Triều Tiên tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 31/1/2013.

Chương trình hỏa tiễn, phi đạn của Bắc Triều Tiên

Chương trình hỏa tiễn, phi đạn của Bắc Triều Tiên

Tháng 8, 1998: Phóng thử nghiệm Taepodong-1, hỏa tiễn tầm xa đầu tiên, trên không phận Nhật Bản trong khuôn khổ vụ “phóng vệ tinh” thất bại.
Tháng 9, 1999: Cam kết ngưng các cuộc thử nghiệm phi đạn tầm xa trong khi cải thiện bang giao với Hoa Kỳ.
Tháng 3, 2005: Chấm dứt lệnh cấm thử nghiệm phi đạn, đổ lỗi cho chính sách “thù địch” của Hoa Kỳ.
5 tháng 7, 2006: Phóng thử nghiệm 7 phi đạn đạn đạo, trong đó có phi đạn tầm xa Taepodong-2, thất bại chưa đầy 1 phút sau khi phóng.
15 tháng 7, 2006: Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc chấp thuận. Nghị quyết 1965, yêu cầu Bình Nhưỡng đình chỉ chương trình phi đạn.
6 tháng 10, 2006: Thực hiện vụ thử nghiệm hạt nhân dưới lòng đất lần đầu tiên.
15 tháng 10, 2006: Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết 1718 y êu cầu đình chỉ các cuộc thử nghiệm hạt nhân và phi đạn, cấm bán vũ khí.
5 tháng 4, 2009: Phóng hỏa tiễn tầm xa, rơi xuống Thái Bình Dương. Tuyên bố là thành công, nhưng Hoa Kỳ nói không có vệ tinh nào được đưa vào quỹ đạo.
13 tháng 4, 2009: Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lên án vụ phóng, siết chặt các biện pháp chế tài.
Tháng 5, 2009: Thực hiện vụ thử nghiệm hạt nhân thứ nhì dưới mặt đất.
Tháng 6, 2009: Loan báo lệnh cấm các chương trình hạt nhân và phi đạn tầm xa để đổi lấy viện trợ lương thực của Hoa Kỳ.
Tháng 4, 2012: Phóng hỏa tiễn tầm xa, bị nổ tung ngay sau khi cất cánh. Thừa nhận thất bại.
Tháng 12, 2012: Phóng hỏa tiễn Unha-3, và tuyên bố đưa vệ tinh vào quỹ đạo thành công.
Nam Triều Tiên đưa ra cảnh báo nghiêm khắc nhất từ trước tới nay để Bắc Triều Tiên chớ nên thực hiện một cuộc thử nghiệm hạt nhân nữa, mà một số giới chức ở Seoul và Washington nói là có thể sắp diễn ra. Từ Seoul, thông tín viên VOA Steve Herman gửi về bài tường thuật sau đây.

Sau khi Tổng thống Nam Triều Tiên Lee Myung-bak triệu tập một cuộc họp các giới chức an ninh quốc gia hàng đầu hôm nay, chính phủ của ông đã cảnh báo Bắc Triều Tiên rằng họ có thể sẽ bị trừng phạt gắt gao nếu xúc tiến một cuộc thử nghiệm hạt nhân nữa.

Trong một thông cáo, nữ phát ngôn viên của Tổng thống Park Jeong-ha cảnh báo Bình Nhưỡng về các “hậu quả rất nghiêm trọng” trừ phi nước này lập tức đình chỉ “mọi lời lẽ và hành động khiêu khích” và tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế.

Vài giờ sau cảm tưởng đó cũng được phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Cho Tai-young lập lại.

Ông Cho xác nhận rằng chính phủ đã đưa ra lời “cảnh báo nghiêm trọng” tại cuộc họp các bộ trưởng ngoại giao và an ninh. Người phát ngôn này nói Seoul nhấn mạnh rằng Bình Nhưỡng phải “có hành động hướng tới việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên như họ đã hứa” và Bình Nhưỡng “phải nhớ kỹ rằng nếu họ tiếp tục có các hành động khiêu khích thì chỉ có sự cô lập chờ đợi họ.

Bắc Triều Tiên đã tiến hành các cuộc thử nghiệm hạt nhân vào năm 2006 và 2009. Nước này cũng đã thực hiện các vụ phóng hỏa tiễn tầm xa mà cộng đồng quốc tế đã lên án là những cuộc thử nghiệm phi đạn đạn đạo liên lục địa trá hình.

Vì các hành động đó, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã áp đặt các biện pháp chế tài đối với quốc gia nghèo khó và cô lập này.

Bình Nhưỡng mới đây cảnh báo rằng họ sẽ tiếp tục các vụ phóng hỏa tiễn và tiến hành một cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ bà ở “mức cao hơn” mà họ nói sẽ nhắm mục tiêu vào kẻ thù hàng đầu là Hoa Kỳ.

Trong cuộc họp an ninh hôm nay ở Seoul, các giới chức cho hay Tổng thống Lee đã chỉ thỉ cho bộ trưởng quốc phòng duy trì vị thế sẵn sàng về quân đội để đáp lại tình trạng căng thẳng leo thang trên bán đảo.

Các giới chức Nam Triều Tiên không cho biết loại hậu quả nghiêm trọng nào miền Bắc có thể phải đối phó hoặc liệu điều đó có bao gồm hành động quân sự hay không.

Tháng tới, Nam Triều Tiên sẽ lên giữ chức chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Chức vụ này sẽ cho phép họ triệu tập các cuộc họp của hội đồng vào bất cứ lúc nào, là điều đang được cho là chắc chắn, nếu xảy ra một cuộc thử nghiẹm hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Hai nước Triều Tiên không có quan hệ ngoại giao. Trên nguyên tắc hai bên còn ở trong tình trạng chiến tranh bởi vì một cuộc hưu chiến năm 1953 chỉ tạm ngưng 3 năm nội chiến tàn phá. Cuộc chiến tranh cũng lôi kéo Trung Quốc về phía Bắc Triều Tiên, và Hoa Kỳ với sự yểm trợ của lực lượng Liên Hiệp Quốc đứng về phía Nam Triều Tiên.

Các giới chức quân đội và tình báo ở Seoul và Washington không đồng ý về các đánh giá sự phát triển hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Nước này bị cho là đã có bom chứa plutonium và đã tiết lộ một cơ sở mà họ nói là đang tinh chế uranium.

Tuy nhiên, mọi người đều đồng ý rằng phải vài năm nữa Bắc Triều Tiên mới có đủ khả năng chế tạo một đầu đạn nhỏ và nhẹ đủ để gắn lên một phi đạn đạn đạo liên lục địa.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG