Đường dẫn truy cập

Châu Á đứng đầu danh sách nhập khẩu vũ khí


Chiến đấu cơ F-15 của Quân đội Hoàng gia Ả-Rập Xê-Út
Chiến đấu cơ F-15 của Quân đội Hoàng gia Ả-Rập Xê-Út

Việc buôn bán vũ khí trên toàn cầu gia tăng gần 1/4 trong vòng 5 năm qua, với các quốc gia châu Á đứng đầu danh sách các nước nhập khẩu.

Một phúc trình được công bố ngày thứ Hai của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho thấy mức cầu vũ khí của các nền kinh tế mới nổi—đặc biệt là Ấn Độ—đã đẩy khối lượng vũ khí lưu chuyển trên toàn thế giới giữa năm 2007 và 2011 lên ở mức 24% cao hơn 5 năm trước.

Quốc gia nhập khẩu

Ấn Độ chiếm 10% khối lượng vũ khí mua bán, tiếp theo là Nam Triều Tiên với 6%, Trung Quốc và Pakistan mỗi nước chiếm 5% và Singapore 4%.

Cơ quan nghiên cứu Thụy Điển cho biết vũ khí nhập khẩu của Ấn Độ tăng 38% trong thời gian 2007-2011 so với 5 năm trước. Phúc trình cũng cho biết trong số các vũ khí mới mua của Ấn Độ có máy bay chiến đấu gồm 120 chiếc Su-30MK và 16 chiếc MIG-29K của Nga và 20 chiếc Jaguar của Anh.

Láng giềng của Ấn Độ và cũng là đối thủ chính Pakistan cũng nhận được một số đáng kể máy bay chiến đấu trong cùng thời kỳ này, gồm 50 chiếc JF-17 của Trung Quốc và 30 chiếc F-16 của Hoa Kỳ.

SIPRI nói Trung Quốc là nước nhập khẩu vũ khí đứng đầu thế giới trong năm 2006-2007 đã tụt xuống hạng tư vì có thăng tiến trong công nghiệp vũ khí của nước này và gia tăng xuất khẩu vũ khí. Trung Quốc là nước cung cấp vũ khí hàng đầu cho Pakistan.

Quốc gia cung cấp


Hoa Kỳ và Nga vẫn là hai nước cung cấp vũ khí hàng đầu trên thế giới trong thời gian này, Hoa Kỳ chiếm 30% và Nga 24% tất cả vũ khí xuất khẩu. Kế tiếp là Đức, Pháp và Anh.

5 nước cung cấp vũ khí hàng đầu chiếm 75% khối lượng xuất khẩu vũ khí quốc tế.

Hầu hết một nửa xuất khẩu của Hoa Kỳ sang châu Á và châu Đại Dương, kế tiếp là Trung Đông và châu Âu. Máy bay chiếm 63% khối lượng vũ khí chuyển giao của Hoa Kỳ trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến năm 2011.

Chỉ trong năm 2011 không thôi, Hoa Kỳ chuyển giao 64 máy bay chiến đấu.

SIPRI cho biết đơn đặt mua của Ả Rập Saudi vào năm ngoái 154 máy bay chiến đấu F-15 của Hoa Kỳ là thỏa thuận mua vũ khí lớn nhất trong vòng hai thập niên qua.

Hậu quả

Mặc dù khối lượng vũ khí cổ điển chính giao cho các quốc gia tại Trung Đông giảm 8% nhưng SIPRI cảnh báo là khuynh hướng này “sẽ sớm bị đảo ngược”

Phúc trình cho thấy các quốc gia cung cấp vũ khí hàng đầu tiếp tục chuyển giao vũ khí cho khu vực này trong các cuộc nổi dậy Mùa Xuân Ả Rập.

Trong năm 2011, chính phủ các nước Bahrain, Ai Cập, Libya, Tunisia và Syria sử dụng vũ khí nhập khẩu để đàn áp những cuộc biểu tình ôn hòa và vi phạm nhân quyền cũng như các vi phạm khác đối với luật nhân đạo quốc tế.

SIPRI cho biết việc chuyển giao vũ khí cho các quốc gia chịu ảnh hưởng bởi Mùa Xuân Ả Rập đã khiến phát sinh các cuộc tranh luận của công chúng và tại Quốc hội của một số các quốc gia cung cấp. Tuy nhiên ảnh hưởng của dư luận đối với chính sách của các quốc gia xuất khẩu vũ khí có nơi thành công, có nơi thất bại.

Liên Hiệp Quốc đã áp đặt cấm vận vũ khí cho Libya vào năm 2011. Tuy nhiên Ai Cập tiếp tục nhận và đặt hàng nhiều loại vũ khí quan trọng, đặc biệt từ Hoa Kỳ. Trong năm 2011, Ai Cập nhận 45 xe tăng M1A1 của Hoa Kỳ và đặt mua thêm 125 chiếc nữa.

SIPRI cũng ghi nhận việc Moscow tiếp tục cung cấp vũ khí cho Syria ngay cả khi Hoa Kỳ, Liên hiệp châu Âu và các quốc gia khác ra lệnh cấm vận vũ khí vì chính phủ Syria tiếp tục đàn áp tàn bạo cuộc nổi dậy của đối lập.

Năm ngoái Nga chuyển giao tên lửa địa đối không và hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển cho Syria, khiến khối lượng vũ khí nhập khẩu của Syria từ năm 2007 đến năm 2011 tăng 580%, so với 5 năm trước đó. Việc này nâng Syria từ hạng 68 lên đến hạng 33 trong bảng sắp hạng các nước nhập khẩu vũ khí trên thế giới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG