Đường dẫn truy cập

Giới trẻ Trung Quốc bỏ áp lực ở quê nhà, theo đuổi lối sống du mục toàn cầu


Ngưởi trẻ Trung Quốc đến một hội chợ việc làm tại Bắc Kinh, ngày 26/8/2022.
Ngưởi trẻ Trung Quốc đến một hội chợ việc làm tại Bắc Kinh, ngày 26/8/2022.

Ngay sau khi Trung Quốc mở cửa biên giới kết thúc chính sách “zero-COVID”, bà Zhang Chuannan đã mất việc kế toán tại một công ty mỹ phẩm ở Thượng Hải và quyết định khám phá thế giới.

Bà Zhang, 34 tuổi, nói: “Việc kinh doanh mỹ phẩm rất ảm đạm” vì mọi người đều đeo khẩu trang trong đại dịch. Sau khi bị sa thải, bà đã chi 1.400 đô la cho một khóa học tiếng Thái trực tuyến, xin visa giáo dục và chuyển đến thành phố Chiang Mai xinh đẹp ở phía bắc Thái Lan.

Bà Zhang là một trong số ngày càng nhiều người trẻ Trung Quốc di cư ra nước ngoài không nhất thiết vì lý do ý thức hệ mà để thoát khỏi văn hóa làm việc cực kỳ cạnh tranh trong nước, áp lực gia đình và cơ hội hạn chế sau khi sống ở nước này dưới các chính sách nghiêm ngặt về đại dịch trong ba năm. Đông Nam Á đã trở thành một điểm đến phổ biến nhờ vị trí gần, chi phí sinh hoạt tương đối rẻ và phong cảnh nhiệt đới.

Không có dữ liệu chính xác về số lượng người trẻ Trung Quốc di cư ra nước ngoài kể từ khi nước này chấm dứt các hạn chế về đại dịch và mở cửa biên giới trở lại. Nhưng trên nền tảng truyền thông xã hội nổi tiếng của Trung Quốc Xiaohongshu, hàng trăm người đã thảo luận về quyết định chuyển đến Thái Lan. Nhiều người nhận được visa để học tiếng Thái trong khi quyết định các bước tiếp theo.

Tại Đại học Payap ở Chiang Mai, khoảng 500 người Trung Quốc đã bắt đầu khóa học tiếng Thái trực tuyến vào đầu năm nay.

Ông Royce Heng, chủ sở hữu Trường Ngôn ngữ Duke, một học viện ngôn ngữ tư nhân ở Bangkok, cho biết mỗi tháng có khoảng 180 người Trung Quốc hỏi về thông tin visa và các khóa học.

Việc tìm kiếm cơ hội xa nhà một phần được thúc đẩy bởi tỷ lệ thất nghiệp của những người từ 16 đến 24 tuổi ở Trung Quốc, đã tăng lên mức cao kỷ lục 21,3% trong tháng Sáu năm nay. Việc khan hiếm việc làm tốt làm tăng áp lực phải làm việc nhiều giờ.

Bà Beverly Yuen Thompson, giáo sư xã hội học tại Đại học Siena ở Albany, New York, cho biết chọn đi ra ngoài là cách ngày càng phổ biến đối với những người lao động trẻ tuổi để đối phó với tình trạng xã hội đi xuống.

Bà Thomson nói: “Ở độ tuổi 20 và đầu 30, họ có thể đến Thái Lan, chụp ảnh selfie và làm việc trên bãi biển trong vài năm và cảm thấy mình có cuộc sống có chất lượng tuyệt vời.” “Nếu những người du mục đó có những cơ hội như họ kỳ vọng ở quê nhà, thì họ có thể chỉ đi du lịch nghỉ mát.”

Trong đại dịch ở Trung Quốc, bà Zhang bị nhốt trong căn hộ ở Thượng Hải của bà nhiều tuần liền. Ngay cả khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, bà vẫn lo sợ một đợt bùng phát COVID khác sẽ khiến bà không thể di chuyển trong nước.

“Bây giờ tôi coi trọng tự do hơn,” bà Zhang nói.

Bà dùng tiền trợ cấp thôi việc để chi trả cho thời gian ở Thái Lan, và bà đang tìm cách ở lại nước ngoài lâu dài, có lẽ bằng cách dạy tiếng Hoa trực tuyến.

Chuyển đến Chiang Mai, mỗi sáng thức dậy được nghe tiếng chim hót và có nhịp sống thư thái hơn. Không giống như ở Trung Quốc, bà có thời gian để tập yoga và thiền, mua sắm quần áo cũ và tham gia các lớp học khiêu vũ.

Ông Armonio Liang, 38 tuổi, rời thành phố Thành Đô phía tây Trung Quốc ở tỉnh Tứ Xuyên để đến đảo Bali của Indonesia, một điểm đến du mục kỹ thuật số nổi tiếng. Công ty khởi nghiệp truyền thông xã hội Web3 của ông bị hạn chế bởi các quy định của chính phủ Trung Quốc trong khi việc ông dùng các ứng dụng trao đổi tiền điện tử đã bị công an quấy rối.

Chuyển đến Bali đã mang lại cho ông nhiều tự do hơn và lối sống của tầng lớp trung lưu với số tiền có thể chỉ vừa đủ để sống ở quê nhà.

“Đây là điều tôi không thể có được ở Trung Quốc,” ông Liang nói, đề cập đến việc làm việc trên máy tính xách tay của mình trên bãi biển và thảo luận với những người nước ngoài từ khắp nơi trên thế giới. “Hàng ngàn ý tưởng nảy ra trong đầu tôi. Tôi chưa bao giờ sáng tạo được như vậy trước đây.”

Ông cũng rất thích được chào đón bằng những nụ cười.

“Ở Thành Đô, mọi người đều rất căng thẳng. Nếu tôi cười với một người lạ, họ sẽ nghĩ tôi là một thằng khờ”, ông nói.

Tuy nhiên, cuộc sống ở nước ngoài không chỉ có những cuộc trò chuyện trên bãi biển và những người hàng xóm thân thiện. Đối với hầu hết những người lao động trẻ tuổi, thời gian lưu trú như vậy sẽ là khoảng thời gian nghỉ ngơi trong cuộc sống của họ, ông Thompson cho biết.

Ông Thompson nói: “Họ không thể có con vì bọn trẻ phải đi học.” “Họ không thể hoàn thành trách nhiệm của mình với cha mẹ. Điều gì sẽ xảy ra nếu cha mẹ già của họ cần giúp đỡ? Cuối cùng họ sẽ kiếm một công việc toàn thời gian ở quê nhà và bị gọi về nhà vì một trong những điều đó.”

Bà Zhang nói bà phải đối mặt với áp lực kết hôn. Ông Liang muốn bố mẹ chuyển đến Bali cùng mình.

“Đó là một vấn đề lớn,” ông Liang nói. “Họ lo lắng rằng họ sẽ cô đơn sau khi rời khỏi Trung Quốc và lo lắng về nguồn lực y tế ở đây.”

Ông Huang Wanxiong, bị kẹt trên đảo Bohol của Philippines trong bảy tháng vào năm 2020 khi việc di chuyển bằng máy bay bị ngưng lại vì đại dịch. Ông dùng thì giờ để học lặn tự do, lặn sâu không có bình oxy.

Cuối cùng, ông bay về thành phố Quảng Châu, miền nam Trung Quốc, nhưng mất việc tại một công ty gia sư tư nhân sau khi chính phủ trấn dẹp nghề này vào năm 2021. Công việc tiếp theo của ông là lái xe hơn 16 giờ mỗi ngày cho một doanh nghiệp.

“Tôi cảm thấy như một cái máy trong những ngày đó,” ông Huang nói. “Tôi có thể chấp nhận một cuộc sống ổn định và không thay đổi, nhưng tôi không thể chấp nhận việc không có bất kỳ hy vọng nào, không cố gắng cải thiện tình hình và đầu hàng số phận”.

Ông Huang trở lại Philippines vào tháng 2 năm nay, thoát khỏi áp lực gia đình để kiếm một công việc tốt hơn và tìm bạn gái ở Trung Quốc. Ông đã nối lại tình bạn ở Đảo Bohol và đủ điều kiện trở thành người hướng dẫn lặn.

Nhưng không có du khách Trung Quốc để dạy và không có thu nhập, ông lại bay về nước vào tháng Sáu.

Ông vẫn hy vọng kiếm sống bằng nghề thợ lặn, có thể là trở lại Đông Nam Á, mặc dù ông cũng có thể đồng ý với đề nghị của cha mẹ là di cư đến Peru để làm việc trong một siêu thị do gia đình điều hành.

Ông Huang nhớ lại ông từng nổi lên quá nhanh sau khi lặn ở độ sâu 40 mét và tay ông run lên vì thiếu oxy rất nguy hiểm, được gọi là tình trạng thiếu oxy. Bài học mà ông rút ra là tránh vội vàng và duy trì đà nổi ổn định. Cho đến bước đi tiếp theo, ông định dùng kỷ luật thợ lặn tự do để chống lại những lo lắng khi sống ở Trung Quốc.

“Tôi sẽ áp dụng sự bình tĩnh mà tôi học được từ vùng biển xung quanh hòn đảo đó vào cuộc sống thực của mình,” ông Huang nói. “Tôi sẽ duy trì tốc độ của riêng mình.”

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG