Đường dẫn truy cập

FDA: Liều vaccine tăng cường của Pfizer cải thiện miễn dịch, nhưng có thể không cần thiết


Trụ sở Cơ quan Quản trị Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA).
Trụ sở Cơ quan Quản trị Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA).

Các khoa học gia thuộc Cơ quan Quản trị Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) ngày 15/9 cho biết liều vaccine COVID tăng cường thứ ba của Pfizer tạo nên đáp ứng miễn dịch cao hơn nhưng không xác định liệu đại đa số quần chúng có cần tiêm tăng cường hay không.

Các viên chức của FDA trong một tài liệu soạn cho các cố vấn bên ngoài nói rằng Comirnaty- tức vaccine COVID-19 do Pfizer bào chế với công ty Đức BioNTech- đáp ứng được những điều kiện định trước rõ rệt cho thấy là mũi tiêm tăng cường tạo ra một đáp ứng miễn nhiễm.

Liệu tính hiệu nghiệm của vaccine có mai một và cần phải tiêm liều tăng cường hay không vẫn chưa chứng minh được, FDA nói.

“Một số cuộc nghiên cứu quan sát đã cho thấy có việc giảm hiệu nghiệm của Comirnaty theo thời gian trong việc chống lại lây nhiễm có triệu chứng hay chống lại biến thể Delta, trong khi những cuộc nghiên cứu khác thì không,” các viên chức này nêu rõ trong tài liệu.

“Tuy nhiên, nhìn chung, dữ liệu cho thấy là những vaccine COVID-19 hiện hữu tại Mỹ đã được cấp phép hay cho phép sử dụng khẩn cấp vẫn giúp bảo vệ được chống lại bệnh COVID-19 nặng hay tử vong tại Mỹ.”

FDA công bố tài liệu này hôm 15/9 để một ủy ban gồm các chuyên gia bên ngoài FDA xem xét. Ủy ban đó sẽ họp vào ngày 17/9 để quyết định xem có nên khuyến nghị cơ quan thẩm quyền Mỹ chấp thuận cho tiêm tăng cường hay không.

Pfizer trong một tài liệu chuẩn bị cho cuộc họp, lập luận rằng các nhà ban hành qui định Mỹ nên chấp thuận liều vaccine tăng cường của công ty 6 tháng sau liều thứ hai vì tính hiệu nghiệm của vaccine mai một theo thời gian.

Pfizer nói dữ liệu từ những thử nghiệm lâm sàng của công ty cho thấy tính hiệu nghiệm của vaccine giảm khoảng 6% mỗi hai tháng, sau liều thứ hai.

Công ty cũng cho hay các ca ‘đột phá vaccine’ (nghĩa là tiêm chủng rồi vẫn bị nhiễm COVID) trong cuộc thử nghiệm cao hơn nơi những người tiêm chủng sớm.

Công ty dược này cũng nói dữ liệu trên thực tế của Israel và Mỹ cho thấy tính hiệu nghiệm của vaccine có giảm sút.

Công ty dược phẩm Mỹ nói trong khoảng 300 người tham dự cuộc thử nghiệm lâm sàng, liều thứ ba tạo ra đáp ứng miễn nhiễm tốt hơn là liều thứ hai.

Công ty cũng đề cập đến dữ liệu từ chương trình tiêm tăng cường vừa bắt đầu tại Israel cho thấy là liều thứ ba phục hồi mức bảo vệ cao chống virus.

Tổng thống Joe Biden đã thúc đẩy tiêm liều vaccine tăng cường giữa lúc số nhập viện và tử vong gia tăng vì biến thể Delta, và đặt mục tiêu vào ngày 20/9 bắt đầu tiêm 100 triệu liều vaccine tăng cường tại Mỹ.

Tuy nhiên, đối với nhiều nhà khoa học, hiện chưa rõ có cần tiêm tăng cường rộng rãi hay không.

Một số quan chức Mỹ hy vọng liều tăng cường có thể ngừa được các ca nhẹ và giảm virus lây lan cũng như giảm lây nhiễm nặng, có thể làm trở ngại cho việc hồi phục nuớc Mỹ.

Một số nước đã bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 tăng cường.

Mỹ đã cho phép tiêm liều vaccine tăng cường cho những người có hệ miễn nhiễm dễ bị tổn thương từ tháng trước.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG