Đường dẫn truy cập

EU xúc tiến việc cấm buôn bán hải sản đánh bắt bất hợp pháp


Tháng tới, Nam Triều Tiên có thể trở thành quốc gia đã phát triển đầu tiên bị cấm bán hải sản cho Châu Âu. Điều này xảy ra giữa lúc có sự truy dẹp chưa từng có từ trước đến nay, do Liên hiệp Châu Âu lãnh đạo nhắm vào nạn đánh bắt cá bất hợp pháp. Vấn đề này đang gây chú ý nhiều hơn tại Hoa Kỳ, nơi một cuộc nghiên cứu mới cho thấy một phần 3 hải sản nhập khẩu được đánh bắt bất hợp pháp hay không có giấy tờ hợp lệ.Thông tín viên Steve Herman thuộc văn phòng Đông Nam Á của Đài VOA ở Bangkok tường trình chi tiết.

Các nhà quan sát nói Liên hiệp Châu Âu sẵn sàng trao “thẻ đỏ” trừng phạt Nam Triều Tiên trong tháng tới trừ phi Seoul có thể thuyết phục ủy viên ngư nghiệp EU là họ đang truy dẹp việc đánh bắt bất hợp pháp của những tàu thuyền mang cờ Nam Triều Tiên.

Nam Triều Tiên, cùng với Ghana và Curacao, năm ngoái đã bị trao “thẻ vàng” cảnh cáo. Việc những tàu thuyền treo cờ Nam Triều Tiên tiếp tục vi phạm, nhiều chiếc hoạt động trong vùng biển ngoài khơi Tây Phi, có thể đưa đến thêm những chế tài nữa trong năm nay.

EU đã đưa ra thẻ đỏ đầu tiên từ trước đến nay vào tháng 3 vì đánh cá trộm, cấm Belize, Campuchia và Guinea không được bán hải sản cho các nước EU và cũng không được đánh bắt tại những vùng biển của các nước thành viên EU.

Ông Steve Trent thuộc Tổ chức Tư pháp Môi trường, chuyên theo dõi việc đánh bắt bất hợp pháp bán cho thị trường EU, ca ngợi các qui định nghiêm khắc mới của Châu Âu.

“EU bắt đầu đưa ra những lời đe dọa. Và đó là điều đang xảy ra đối với Nam Triều Tiên. Chúng ta đang thấy Ủy hội Âu châu nói rằng ‘Các ông làm không đủ. Những gì các ông làm không thỏa mãn chúng tôi. Và trừ phi các ông làm thêm nữa, sẽ có những trừng phạt.”

Kể từ năm 2010, Tổ chức Tư pháp Môi trường đã ghi nhận hơn 200 trường hợp các tàu thuyền Nam Triều Tiên đánh bắt những loại cá có giá trị cao trong vùng biển ngoài khơi Tây Phi. Tổ chức này nói Nam Triều Tiên thường xuyên đánh trộm cá tại những khu vực bảo tồn, chạy trốn khỏi các tàu tuần tra ngư nghiệp, không chịu nộp tiền phạt, che những dấu hiệu có thể nhận diện được con tàu, chuyển cá bất hợp pháp ngoài khơi và tấn công ngư dân địa phương. Tổ chức này cũng nói trên một số tàu thuyền, các ngư dân trẻ khoảng 14 tuổi bị buộc sống và làm việc trong những điều kiện tồi tệ liên tục nhiều tháng trời.

Một cuộc nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Chính sách Hàng hải về đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không qui định IIU xem xét hải sản được đưa vào nước Mỹ. Cuộc nghiên cứu này phát hiện là 40% cá ngừ từ Thái Lan là bất hợp pháp hay không được báo cáo. Đây cũng là trường hợp của 70% cá hồi nhập khẩu và 45% cá pôlắc, cả hai đều xuất xứ từ Trung Quốc.

Tác giả đứng đầu bản phúc trình là ông Pramod Ganapathiraju, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Ngư nghiệp thuộc trường đại học British Columbia. Ông nói Hoa Kỳ và những thị trường nhập khẩu hải sản chính như Liên hiệp Châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, và Nam Triều Tiên thường thấy hầu hết những sản phẩm đến các thị trường này bằng công-ten-nơ hay các tàu chở hàng.

“Khối lượng khá cao. Nhưng đồng thời, số nhân lực cần thiết để đảm bảo là hải sản đánh bắt bất hợp pháp không vào những thị trường này thì lại khá thấp trong tất cả những nước nhập khẩu. Do đó những quốc gia này cần phải tăng cường nhân lực để cải thiện việc theo dõi, kiểm soát và giám sát tại các cảng.”
Chỉ có khoảng 2% hải sản nhập vào Hoa Kỳ được kiểm tra tại các cảng.
Chỉ có khoảng 2% hải sản nhập vào Hoa Kỳ được kiểm tra tại các cảng.

Một phúc trình năm 2009 của chính phủ cho thấy chỉ có khoảng 2% hải sản nhập vào Hoa Kỳ được kiểm tra tại các cảng. Không có những dữ liệu công khai đối với hầu hết những thị trường nhập khẩu khác.

Tháng trước, Thượng viện Hoa Kỳ đã chấp thuận thỏa thuận các Biện pháp tại Cảng của các Quốc gia của Tổ chức Lương Nông Liên hiệp quốc. Thỏa thuận này nhắm mục đích loại trừ các tàu thuyền nước ngoài bị nghi đánh bắt bất hợp pháp ra khỏi cảng của các quốc gia ký thỏa thuận. 10 nước ven biển và EU đã phê chuẩn nhưng còn cần thêm sự phê chuẩn của 14 nước khác để hiệp ước có hiệu lực.

Ông Anthony Long, điều hành Dự án Chấm dứt Đánh bắt bất hợp pháp cho Quỹ Từ thiện Pew, xem thỏa thuận như là một phương cách có thể ngăn chặn cá được đánh bắt bất hợp pháp nhập vào thị trường toàn cầu.

“Ngư dân phải đưa cá vào cảng. Do đó cần chú trọng vào việc này hơn là sử dụng các nguồn lực tốn kém cần thiết để tuần tra ngoài biển hay theo dõi bằng vệ tinh, các cảng là nơi dễ thấy nhất. Việc này chắc chắc là giảm bớt tốn kém. Do đó các nước đang phát triển sẽ được lợi nhiều do thỏa thuận về các Biện pháp tại Cảng các Quốc gia mang lại.”

Ông Richard Conniff, người Mỹ, tác giả của cuốn “Người tìm các Chủng loại” và những cuốn sách khác về các loại động vật, nói cần có thêm nhiều áp lực để áp dụng vào những nơi phân phối.

“Các nhà phân phối là nơi gây tắc nghẽn. Đó là nơi hầu hết những hải sản vào nước này. Và họ là những người có thể chấm dứt tình trạng ấy bằng cách nhấn mạnh rằng là tất cả hàng hóa đều có thể tìm ra được đầu mối và tất cả đều hợp pháp.”

Các nhà hoạt động như ông Steve Trent của Tổ chức Tư pháp Môi trường cho rằng Trung Quốc với nhu cầu tiêu thụ hải sản khổng lồ và ngày càng tăng- sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc chống lại qui định đánh bắt của IUU.

“Cách thức chính phủ Trung Quốc và nhà cầm quyền hành động về việc đánh cá theo một cương lĩnh toàn cầu trong tương lai sẽ quyết định phần lớn chính sách của tất cả các nước.”

Những thay đổi thêm về các qui định đang được thực hiện để ngăn chặn việc đánh bắt bất hợp pháp.

Các tàu đánh cá lớn hơn 100 tấn sẽ phải có một số hiệu nhận diện đặc biệt không thay đổi dù những tàu này đổi tên hay cờ hiệu.

Cũng có kế hoạch thành lập một hệ thống theo dõi bằng vệ tinh các tàu thuyền trên thế giới. Hệ thống này sẽ có khả năng theo dõi những tàu thay đổi tín hiệu nhận diện hiện tại và vị trí khi đánh bắt tại những vùng biển bất hợp pháp hay chuyển giao hải sản đánh bắt bất hợp pháp.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG