Đường dẫn truy cập

EU: Không trì hoãn Brexit nữa trừ phi thỏa thuận được phê chuẩn trước 12/4


Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker.

Liên minh châu Âu sẽ không cho thêm Anh thời gian trì hoãn nữa đối với thỏa thuận Brexit nếu các nhà lập pháp Anh không phê chuẩn thỏa thuận đã bị đình trệ này trước ngày ngày 12/4, Reuters dẫn lời người đứng đầu Ủy ban châu Âu, Jean-Claude Juncker, cho biết hôm 3/4.

Ông Juncker đưa ra phát biểu trên sau khi Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố vào tối 2/4 rằng bà sẽ yêu cầu trì hoãn Brexit lần thứ hai sau khi hết hạn lần trì hoãn đầu vào ngày 12/4.

Bà May đang tìm cách đạt được thỏa thuận với Đảng Lao động đối lập chính nhằm khai thông cho việc phê chuẩn Thỏa thuận rút lui bà đã đàm phán với Brussels, mà Hạ viện Anh đã 3 lần bác bỏ.

“Cách tốt nhất để đi tới là phê chuẩn Thỏa thuận rút lui”, Reuters dẫn lời ông Juncker nói với Nghị viện châu Âu. “Ngày 12/4 là thời hạn chót cho Hạ viện phê chuẩn Thỏa thuận rút lui”.

“Nếu họ không làm như vậy, sẽ không có gia hạn thêm nữa”, ông Juncker nói thêm.

“Không có thỏa thuận nào vào lúc nửa đêm 12/4 là một kịch bản rất có thể xảy ra. Đó không phải là kết quả mà tôi muốn. Nhưng đó là một kết quả mà tôi chắc rằng EU đã sẵn sàng”.

Ông Juncker nói EU đã sẵn sàng để nâng cấp một kế hoạch chi tiết được đề xuất cho mối quan hệ EU-Anh mới hậu Brexit từ kế hoạch đã được đàm phán với bà May. Đảng Lao Động nói họ muốn một liên minh thuế quan trong tương lai.

Ông Juncker nhắc lại rằng Anh sẽ không có được một giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit nếu không phê chuẩn thỏa thuận rút lui: “Vương quốc Anh sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn EU. Tôi sẽ làm việc cho đến giây phút cuối cùng để tránh kết cục ‘không thỏa thuận’”.

Nhưng ông Juncker cũng nói rõ rằng EU sẽ đặt ra các điều kiện chắc chắn để bắt đầu lại các cuộc đàm phán với Anh về các mối quan hệ thương mại mới nếu kịch bản tồi tệ nhất xảy ra.

Khối này sẽ đưa ra các cuộc đàm phán có điều kiện như vậy để Anh tôn trọng các nghĩa vụ tài chính của mình với EU, bảo đảm quyền công dân và đồng ý về cách điều hành biên giới Ireland đầy nhạy cảm - một lý do chính khiến các nhà lập pháp Anh bác bỏ thỏa thuận của bà May.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG