Đường dẫn truy cập

Ai Cập không cho quan sát viên quốc tế theo dõi cuộc bầu cử Quốc hội


Lãnh tụ của Nhóm Huynh đệ Hồi giáo Mohammed Badie trong một cuộc họp báo ở Cairo. Nhóm Huynh đệ Hồi giáo bị cấm hoạt động như một đảng chính trị, nhưng họ được đưa người ra tranh cử với tư cách ứng viên độc lập
Lãnh tụ của Nhóm Huynh đệ Hồi giáo Mohammed Badie trong một cuộc họp báo ở Cairo. Nhóm Huynh đệ Hồi giáo bị cấm hoạt động như một đảng chính trị, nhưng họ được đưa người ra tranh cử với tư cách ứng viên độc lập

Chính phủ Ai Cập đã bác bỏ những yêu cầu đòi cho phép quan sát viên quốc tế đến theo dõi cuộc bầu cử quốc hội vào Chủ nhật tới đây. Họ nói rằng sự giám sát của quốc tế sẽ vi phạm chủ quyền quốc gia của họ. Tuy nhiên, theo tường thuật do thông tín viên Elizabeth Arrot của đài chúng tôi gởi về từ Cairo, chính phủ Ai Cập cũng không sốt sắng gì mấy đối với các quan sát viên trong nước.

Trong cuộc bầu cử Hội đồng Shura, tức Thượng viện Ai Cập, hồi tháng 6, Tổ chức Nhân quyền Ai Cập đã được phép cấp giấy chứng nhận cho các quan sát viên. Nhưng lần này thì khác.

Tổng thư ký của tổ chức này, ông Hafez Abu Saada, cho biết như sau.

Ông Saada nói: "Chúng tôi yêu cầu được cấp 150 thẻ làm việc cho các quan sát viên của chúng tôi. Họ chỉ cấp cho chúng tôi 20 thẻ và 20 người đó chỉ được hoạt động tại những tỉnh không có bầu cử. Vì vậy, điều này quả là một trò đùa."

Ông Abu Saada là một trong những người nổi tiếng nhất của phong trào xã hội dân sự có nhiều khó khăn ở Ai Cập, đang tìm cách theo dõi một quá trình mà các nhóm chính trị độc lập và đối lập cho là đầy dẫy tham ô, đe dọa và gian lận.

Tố cáo này bao gồm việc gian lận phiếu bầu và dùng những danh sách cử tri không được cập nhật, trong đó có cả tên của những người đã qua đời. Ông Saada nói rằng ủy ban giám sát bầu cử không có những thành viên hoàn toàn độc lập với chính phủ.

Những người khác cho rằng việc sách nhiễu cũng được thực hiện dưới nhiều hình thức, từ việc không cung cấp giấy tờ đầy đủ để những người muốn ứng cử có thể nộp đơn làm ứng cử viên cho tới việc đe dọa tính mạng của ứng cử viên và những người ủng hộ họ.

Nhóm Huynh đệ Hồi giáo bị cấm hoạt động như một đảng chính trị, nhưng họ được đưa người ra tranh cử với tư cách ứng viên độc lập. Nhóm này cho biết hàng trăm nhân viên vận động bầu cử của họ bị bắt và có mấy trăm người đã bị thương trong những vụ xô xát với cảnh sát hồi gần đây.

Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarrak là người lãnh đạo đảng đương quyền trong gần 30 năm qua. Mới đây ông đã tái khẳng định sự tin tưởng vào tính chất công bằng của cuộc bầu cử sắp tới.

Nhà lãnh đạo Ai Cập nói đại ý rằng cuộc bầu cử quốc hội sắp tới sẽ do cử tri định đoạt và sẽ tăng cường thể chế dân chủ của Ai Cập.

Những người ủng hộ tán đồng nhận định vừa kể. Ông Karam Gabr, chủ nhiệm một nhật báo thân chính phủ, đã bác bỏ ý kiến cho rằng cần có các quan sát viên quốc tế để bảo đảm cho tính chất dân chủ của quá trình bầu cử.

Ông Gabr nói rằng Ai Cập không cần quan sát viên quốc tế và hoạt động giám sát của nước ngoài là một việc nhạy cảm ở Ai Cập, nơi mà ông cho là đã có dân chủ từ mấy trăm năm nay.

Lập luận này được các giới chức chính phủ nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Họ nói rằng Ai Cập có thể tự giám sát và đó là một niềm hãnh diện của dân tộc. Sau khi chính phủ Hoa Kỳ bày tỏ sự quan tâm về tiến trình bầu cử hồi đầu tháng này, Bộ Ngoại giao Ai Cập nói rằng Hoa Kỳ đang hành động như một “người giám thị” và không bày tỏ sự tôn trọng đối với chủ quyền của Ai Cập.

Ông Hafez Abu Saada của Tổ chức Nhân quyền Ai Cập nói rằng lập luận đó là một lập luận rất vô lý. Ông nêu lên rằng những nước phát triển như Hoa Kỳ và Anh, cũng như các nước đang phát triển như Ghana, Nigeria và Sudan, tất cả đều hoan nghênh quan sát viên nước ngoài.

Ông Saada nói thêm: "Họ cho rằng chúng ta phải bảo vệ chủ quyền và phải bác bỏ sự can thiệp vào chính sách của mình. Họ chấp nhận sự can thiệp trong các vấn đề kinh tế, chấp nhận can thiệp của ngân hàng quốc tế, chấp nhận sự can dự của quĩ viện trợ quốc tế. Tại sao họ lại không chấp nhận việc này trong các cuộc bầu cử, trong việc quan sát bầu cử?"

Trong lúc các quan sát viên quốc tế bị cấm và các tổ chức xã hội dân sự bị ngăn trở, một số các nhóm đối lập nói rằng họ hy vọng giới truyền thông có thể góp phần làm cho quá trình bầu cử được minh bạch. Nhưng mới đây chính phủ đã tạm thời rút giấy phép của một số kênh truyền hình vệ tinh. Nhiều nhà báo độc lập bị sa thải và một số blogger nổi tiếng, vốn là trọng tâm chú ý của chính phủ từ bấy lâu nay, cũng đã bị bỏ tù.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG