Đường dẫn truy cập

Các thách thức hiện nay tại Ai Cập


Phó Tổng thống Ai Cập Omar Suleiman (giữa) tiếp xúc với đại diện của người biểu tình ở Cairo
Phó Tổng thống Ai Cập Omar Suleiman (giữa) tiếp xúc với đại diện của người biểu tình ở Cairo

Mặc dầu chính phủ Hoa Kỳ thúc đẩy một cuộc chuyển quyền có trật tự tại Cairo, một số người Ai Cập và Hoa Kỳ e ngại rằng chính phủ Ai Cập vẫn tìm cách bám quyền bằng những thay đổi không đáng kể.

Người biểu tình tại Ai Cập không chịu ngưng các cuộc biểu tình cho tới khi Tổng Thống Hosni Mubarak rời chức, cho dù Phó Tổng Thống Omar Suleiman đang lãnh đạo các cuộc thảo luận với các tổ chức đối lập và đại diện của những người biểu tình về phương cách thực hiện một cuộc thay đổi quyền lãnh đạo.

Chính phủ Omaba đang thúc đẩy việc thay đổi lãnh đạo càng sớm càng tốt, nhưng cũng thừa nhận rằng có những khó khăn to lớn trước mặt.

Một khó khăn quan trọng là hiến pháp Ai Cập có một điều khoản quy định chủ tịch quốc hội lãnh đạo bất cứ chính phủ chuyển tiếp nào nếu tổng thống từ chức.

Điều đó có thể tạo ra thách thức vì nhiều người Ai Cập coi cuộc bầu cử quốc hội mới đây nhất là gian lận.

Cựu Trợ Lý Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Jamie Rubin giải thích:

“Có thể một người không thích hợp sẽ lên làm Tổng Thống nếu chủ tịch quốc hội là tay sai của ông Mubbarak, ông ta không phải loại người mà người dân muốn gánh vác trách nhiệm trong giai đoạn khó khăn này. Nhưng tôi nghĩ, khi ta thấy khởi sự các cuộc họp về cải cách, thì phải có thay đổi cụ thể càng sớm càng tốt.”

Ông Rubin gợi ý rằng việc tạm ngưng thi hành hiến pháp là một cách để vượt qua khó khăn này và mở đường cho một thỏa hiệp về vấn đề ai là người thích hợp nhất để có thể lãnh đạo giai đoạn chuyển quyền.

Ông Amr Hamzawy là một thành viên của một nhóm gọi là “Ủy Ban Các Nhà Thông Thái” được thành lập để làm trung gian giữa người biểu tình và Phó Tổng Thống.

Sau cuộc họp với Phó Tổng Thống Suleiman và theo dõi cuộc họp của Phó Tổng Thống với các nhà lãnh đạo đối lập, ông Hamzary nói rằng có một mức độ đồng thuận liên quan tới việc phải làm gì kế tiếp để thúc đẩy Ai Cập tiến tới thay đổi chính phủ.

Nhưng ông cũng như những người Ai Cập khác cảm thấy rằng vấn đề hiện nay là phải đối phó với một chính phủ vẫn còn mạnh và đang tìm cách trì hoãn tiến trình thay đổi với toan tính bám giữ quyền lực:

“Phó Tổng Thống phải giám sát giai đoạn chuyển quyền. Quốc hội cần phải được giải tán. Phải sửa đổi một số điều khoản trong hiến pháp để mọi người đều đồng ý; phải có một số thay đổi thuộc về luật pháp và thể lệ tham gia chính trị, những quyền chính trị, tự do dân sự, hệ thống bầu cử, chấm dứt đạo luật về tình trạng khẩn cấp. Chúng ta đều biết cần phải làm gì để đưa Ai Cập tiến trên con đường dân chủ. Điều thiếu sót là một thiện chí chính trị rõ ràng từ phía chính phủ đương quyền để dân chủ hóa và chấm dứt tình trạng củng cố quyền hành mà hiện nay họ đang cố gắng thực hiện.”

Một số chuyên gia về dân chủ như bà Michele Dunne thuộc tổ chức Carnegie tin rằng những khó khăn hiện nay là liệu sẽ có một chính phủ chuyển tiếp thật sự tại Cairo hay không, trong trường hợp quân đội Ai Cập không muốn gây áp lực để Tổng Thống Mubarak từ chức.

Bà Dunne nói rằng, để giữ cho tiến trình này đúng hướng thì cần phải áp dụng ngay một số biện pháp cụ thể.

“Tôi nghĩ rằng điều cần thiết tối thiểu là Tổng Thống Mubarak phải rút lui khỏi vai trò cai trị thật sự và chấp nhận vai trò nghi lễ. Tôi nghĩ rằng phe đối lập cần đạt những thỏa thuận rộng rãi với Phó Tổng Thống Sulleiman, hoặc nhân vật nào đó trong chính phủ Ai Cập thích hợp để chấp nhận vai trò lãnh đạo trong giai đoạn chuyển tiếp khi trường hợp này xảy ra. Điều đó có lẽ sẽ phải mất từ 6 tới 9 tháng nữa.”

Bà Dunne nói rằng bà e là chính phủ Ai Cập sẽ tìm cách ở lại quyền hành với một vài thay đổi bề ngoài, bằng cách phân hóa công chúng thành một phe là những người muốn trở lại tình trạng bình thường, và một phe là những người muốn tiếp tục biểu tình cho tới khi ông Mubarak từ chức.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG