Đường dẫn truy cập

Dân Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại về chính sách Syria


Chốt quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại cửa khẩu biên giới giáp Syria, đối diện với thị trấn Tel Abyad do phe nổi dậy Syria kiểm soát, ngày 7/10/2012
Chốt quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại cửa khẩu biên giới giáp Syria, đối diện với thị trấn Tel Abyad do phe nổi dậy Syria kiểm soát, ngày 7/10/2012
Trong khi giao tranh tiếp diễn ở Syria, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục duy trì chiến dịch lật đổ Thổng thống Syria Bashar al-Assad. Tuy nhiên, theo tường thuật của thông tín viên VOA Setareh Sieg, ngày càng có nhiều sự phản đối của dân chúng nước này đối với lập trường của chính phủ về Syria cũng như việc Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận làn sóng người tị nạn Syria.

Hiện có tình trạng bất mãn trên các đường phố Istanbul, thành phố lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ. Giới chỉ trích chính phủ phàn nàn về sự gia tăng của số người tị nạn từ Syria và sự hậu thuẫn của Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan đối với phe đối lập Syria. Họ cho rằng các chính sách của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang ảnh hưởng tới thương mại và có thể dẫn đến tình trạng mất ổn định vì số người tị nạn tăng nhanh.

Cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc hôm thứ Ba cho hay hơn 100 nghìn người Syria đang tạm trú tại 14 trại tị nạn do chính phủ quản lý trên khắp 7 tỉnh.

Ông Ilter Turan, giáo sư môn khoa học chính trị tại Đại học Bilgi, cho biết ý kiến như sau.

Ông Turan nói: "Đây là một sự đề xuất phải trả giá quá đắt. Tôi không thể đánh giá xem Thổ Nhĩ Kỳ có thể tiếp nhận những người mới đến trong bao lâu nữa, nhất là khi số người tị nạn tiếp tục tăng’.
Và trong khi các loạt pháo cối giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria xảy ra gần như hàng ngày, các binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường sự hiện trên biên giới, khiến dân chúng nước này lo ngại."

Một phụ nữ ở Istanbul nói rằng bà không muốn xảy ra chiến tranh giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Điều đó sẽ gây tổn hại cho chính phủ của ông Erdogan’.

Một cư dân khác nói rằng “không ai có thể chấp nhận chiến tranh vì nó gây đau khổ cho tất cả mọi người và Syria lại là một người bạn cũ’.

Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đã kêu gọi các cường quốc lớn can thiệp để chấm dứt bạo lực tại Syria.

Trong cuộc tranh luận về chính sách đối ngoại của hai ứng viên tổng thống Mỹ hôm thứ Hai, cả ông Obama và đối thủ Mitt Romney đã tranh luận với nhau về cách thức tốt nhất để hỗ trợ phe đối lập ở Syria.

Tổng thống Obama nói: "Những gì chúng ta chứng kiến đang xảy ra ở Syria rất đau lòng, và đó là lý do vì sao chúng ta sẽ làm hết sức để bảo đảm việc trợ giúp phe đối lập. Nhưng chúng ta cũng phải nhận ra rằng đối với chúng ta, việc can thiệp nhiều hơn nữa về mặt quân sự ở Syria là một sự việc nghiêm trọng."

Trong khi đó, ông Romney nói rằng nước Mỹ cần phải nắm giữ vai trò lãnh đạo để giải quyết vụ khủng hoảng Syria.

Ông Romney nói: "Đây chính là lúc, đáng lẽ đây chính là lúc để chứng tỏ sự lãnh đạo của Hoa Kỳ. Lẽ ra chúng ta đã phải đóng một vai trò lãnh đạo, không phải về mặt quân sự, mà là vai trò lãnh đạo về mặt tổ chức, về mặt chính phủ, để quy tụ các bên tại đó; để tìm ra các bên có tinh thần trách nhiệm."

Tuy nhiên, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang cảm thấy ngày càng bị cô lập.

Về việc này, giáo sư Turan cho biết như sau: "Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận định sai về sự sẵn sàng tham gia can thiệp của các nước khác, và Thổ Nhĩ Kỳ không muốn tiến hành một sự can thiệp đơn phương. Vì thế, hiện giờ, chính sách mang lại sự thay đổi thông qua can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ dường như không có hiệu quả."

Sự sụt giảm đáng kể về thương mại kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu hiện là một mối quan ngại lớn. Một số công ty cho biết các hoạt động giao thương hiện nay của họ chỉ bằng một phần năm của lúc trước vì các xe tải Thổ Nhĩ Kỳ không thể vận chuyển hàng hóa sang Syria.

Những hành động của Thổ Nhĩ Kỳ thoạt đầu được xem là chứng tỏ vai trò lãnh đạo của nước này trên trường quốc tế. Nhưng giờ đây, những hành động này đang trở thành một vấn đề khó khăn trong chính trị nội bộ đối với Thủ tướng Erdogan và chính phủ của ông. Và vấn đề này dường như mỗi ngày một trở nên phức tạp hơn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG