Đường dẫn truy cập

Thổ Nhĩ Kỳ bỏ tù nhiều nhà báo nhất thế giới


Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang giam giữ 76 nhà báo. Tổng số nhà báo bị giam ở Thổ Nhĩ Kỳ vượt qua cả Iran, Eritrea, và Trung Quốc, 3 nước khét tiếng vì hoạt động kiềm chế tự do báo chí
Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang giam giữ 76 nhà báo. Tổng số nhà báo bị giam ở Thổ Nhĩ Kỳ vượt qua cả Iran, Eritrea, và Trung Quốc, 3 nước khét tiếng vì hoạt động kiềm chế tự do báo chí
Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) có trụ sở ở Hoa Kỳ nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ, lâu nay vẫn được xem là một mô hình dân chủ ở Trung Đông, là nước bỏ tù nhiều nhà báo nhất thế giới.

Một báo cáo công bố hôm thứ Hai rằng ở Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang có 76 nhà báo ngồi sau song sắt. CPJ cho biết đã xác nhận được ít nhất 61 người trong số họ bị giam giữ vì liên hệ trực tiếp tới công việc của mình.

Tổng số nhà báo bị giam giữ ở Thổ Nhĩ Kỳ vượt qua cả Iran, Eritrea, và Trung Quốc, 3 nước khét tiếng vì hoạt động kiềm chế tự do báo chí.

Bà Nina Ognianova, một chuyên gia của CPJ nói: “Theo các tổ chức địa phương, vào cuối năm ngoái 2011, đã có từ 3.000 đến 5.000 trường hợp chưa được giải quyết – các vụ hình sự, chống lại các ký giả về nhiều cáo trạng từ “phỉ báng tính cách Thổ Nhĩ Kỳ” cho đến “tìm cách gây ảnh hưởng đến kết quả xét xử.”

Bà Ognianova nói những vụ truy tố, cũng như bỏ tù ký giả, có thể thực hiện được vì những luật lệ chống khủng bố viết một cách rất mơ hồ có thể bị các giới hữu trách lạm dụng.

Tuần trước, Liên minh Châu Âu đã mạnh mẽ chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ trong phúc trình thường niên về tiến bộ của những nước xin gia nhập EU trong tương lai. EU cho biết “thêm nhiều quan ngại” về những vụ xét xử nhằm vào phóng viên đe dọa đến nỗ lực xin làm thành viên EU của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổ chức vì quyền nhà báo, Liên đoàn Quốc tế các nhà báo, cũng theo dõi số lượng những nhà báo đang phải ngồi tù ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tổ chức này nói nhà báo bị giam giữ chủ yếu là vì họ viết về những vấn đề mà chính phủ coi là gây tranh cãi.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng các nhà báo bị giam giữ vì những tội như hỗ trợ âm mưu chống chính phủ hoặc "giúp đỡ những kẻ khủng bố" bằng việc đăng những bài viết chi tiết về các vấn đề an ninh quốc gia, chẳng hạn như các cuộc nổi dậy của người Kurd.

Tháng trước, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã yêu cầu giới truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ ngưng tường thuật các vấn đề về nguời Kurd, và nói rằng việc tường thuật phong trào ly khai của người Kurd biến các cơ quan truyền thông thành một diễn đàn cho tuyên truyền ly khai.

Ông Ahmet là một ký giả tự do đã bị tù 13 tháng cùng với một đồng nghiệp vì bị cáo buộc âm mưu lật đổ chính phủ.

Sau áp lực mạnh của quốc tế đòi Ankara phóng thích 2 người, họ đã được trả tự do hồi tháng 4, mặc dầu vẫn còn phải đối mặt với các cáo trạng. Ông Ahmed nói ông và đồng nghiệp của ông đã bị bỏ tù vì những đề tài trong các bài tường thuật của họ gây lúng túng cho chính phủ.

Nhưng ông Ahmed nói bắt giam không phải là phương pháp duy nhất mà chính phủ sử dụng để ngăn chặn các ký giả. Một số phóng viên đã bị sa thải, giáng chức hay bị làm bẽ mặt trước công chúng.

Ông Ahmed nói với đài VOA rằng, “bằng những phương tiện bất hợp pháp, hoặc bằng những băng video quay các quan hệ tình dục hay nghe lén điện thoại, họ đã bị làm hại, bị biến thành nạn nhân bôi nhọ.”

Đồng nghiệp của ông Ahmed, ông Nedim, đã viết hai cuốn sách ghi lại chi tiết vụ ám sát một ký giả nổi tiếng là ông Hrant Dink vào năm 2007.

Ông Nedim nói điện thoại của ông đã bị nghe lén sau khi ông xuất bản một cuốn sách vào năm 2009 cáo buộc chính phủ can dự đến vụ ám sát ông Dink. Ông nói với đài VOA hồi tháng 7 rằng lý do chính thức để bắt ông là một cáo buộc về tội đồng lõa bịa đặt.

Ông nói, “Những chuyện mà tôi kể đã làm nhà nước bối rối.”

Nhà nước cũng gây áp lực cả các tổ hợp truyền thông.

Tổ hợp Truyền thông Doga, sở hữu các nhà xuất bản sách, mạng, và truyền thanh truyền hình, kể cả CNN Thổ Nhĩ Kỳ và TNT, đã bị ông Ergogan chỉ trích là đăng tải những bài baó phê phán chính phủ.

Tại 2 cuộc tập họp chính trị hồi tháng 2 năm 2009, ông Erdogan đã kêu gọi công chúng tẩy chay báo chí của tổ hợp Dogan, và nói là họ phổ biến “tin không đúng.”

Vài ngày sau, tổ hợp Dogan bị phạt một khoản thuế hơn 3 tỷ đôla, buộc công ty phải bán tống bán tháo nhiều tài sản để sống sót.

Một đại diện của tổ hợp Dogan nói với đài VOA trong một email rằng vấn đề thuế đã được giải quyết, nhưng nói thêm rằng, “Chúng tôi không muốn bàn về việc ấy.”

Các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ bên vực các hành động của chính phủ nhắm vào báo chí.

Khi CNN nêu thắc mắc vào tháng 9, ông Erdogan nói ông hoan nghênh việc phê bình, nhưng nói thêm rằng ông sẽ không dung túng những lời phỉ báng đối với bản thân và gia đình ông. Ông cho biết đã đệ đơn kiện một số người chỉ trích ông nhưng sau đó đã rút đơn lại.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG