Đường dẫn truy cập

Dân Đài Loan biểu tình chống nhà máy điện hạt nhân


Các nhà hoạt động chống hạt nhân biểu tình phía trước Văn phòng Tổng thống ở Đài Bắc.
Các nhà hoạt động chống hạt nhân biểu tình phía trước Văn phòng Tổng thống ở Đài Bắc.
Những vụ xuống đường biểu tình qui mô lớn ở Đài Loan đã buộc chính phủ của đảo quốc này xem xét lại kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân thứ tư. Những người biểu tình nói rằng nhà máy sẽ đe dọa tới cư dân trong vùng duyên hải miền bắc. Từ Đài Bắc, thông tín viên Ralph Jennings của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.

Hơn 220.000 người đã tham gia những cuộc biểu tình huyên náo và đầy cảm xúc tại 3 thành phố lớn nhất Đài Loan để yêu cầu chính phủ hủy bỏ kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân thứ tư. Đây là những cuộc biểu tình lớn nhất kể từ khi Tổng thống Mã Anh Cửu của Quốc Dân Đảng lên nắm quyền năm 2008.

Những người biểu tình nói rằng họ lo ngại đảo quốc này có thể xảy ra một thảm họa tương tự như vụ tan chảy của nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản cách nay hai năm.

Bà Lý Nghi Xuân, một chuyên viên máy tính ở Đài Bắc, cho biết bà tham gia cuộc biểu tình hôm thứ 7 vì cảm thấy lo sợ về việc xảy ra tai nạn hạt nhân,

Bà Lý nói rằng vấn đề quan trọng nhất là phải xem xét tới khả năng xảy ra một thảm họa giống như thảm họa ở Nhật Bản. Bà cho rằng nhà máy ở Nhật đã được kiểm tra nghiêm ngặt và được quản lý tương đối tốt, nhưng điều đó không có nghĩa là một trận động đất hoặc sóng thần sẽ không gây ra thiệt hại và không làm cho nhà máy bị mất điện, đưa tới tình trạng lò phản ứng bị tan chảy.

Nhà máy điện hạt nhân thứ tư của Đài Loan cũng đã trải qua nhiều cơn chấn động. Công ty Điện lực Đài Loan do nhà nước điều hành đã khởi công xây dựng nhà máy này vào năm 1999. Hãng thông tấn Trung ương cho biết công ty này đã chi tiêu khoảng 9 tỉ 300 triệu đô la cho các hoạt động xây dựng.

Nhưng đến năm 2000, làn sóng chống đối của công chúng đã khiến Tổng thống Trần Thủy Biển thuộc Đảng Dân Tiến ban hành một mệnh lệnh hành chánh để hoãn lại công tác xây dựng nhà máy nằm gần một trong những bãi biển đông người lui tới nhất ở miền bắc. Nhưng một năm sau đó Viện Lập pháp lại ra lệnh tiếp tục thực hiện dự án này sau khi tòa án ra phán quyết cho rằng mệnh lệnh của ông Trần Thuỷ Biển không có hiệu lực vì đã không tham khảo ý kiến của Viện Lập pháp.

Chính phủ của Tổng thống Mã Anh Cửu đã dự trù để cho nhà máy bắt đầu hoạt động từ năm ngoái.

Đài Loan có rất ít nguồn nhiên liệu hóa thạch và họ hy vọng điện hạt nhân sẽ giúp họ giảm bớt sự lệ thuộc vào dầu lửa nhập khẩu. Đảo quốc này chưa xảy ra tai nạn hạt nhân nào và công ty điện ở đây cam kết là nhà máy thứ tư sẽ an toàn. Điện hạt nhân chiếm 12% tổng công suất điện ở Đài Loan.

Chính quyền thành phố Tân Bắc, nơi tọa lạc của nhà máy hạt nhân thứ tư, đã hối thúc dân chúng bày tỏ ý kiến và chính phủ trung ương đã lắng nghe. Hồi tháng trước, chính phủ đề nghị đưa vấn đề về nhà máy này ra trưng cầu dân ý.

Những nhân vật hoạt động chống hạt nhân đang có ý định lợi dụng đà tiến của cuộc biểu tình hôm thứ bảy để thu thập chữ ký cho cuộc trưng cầu dân ý. Trong khi đó, chính phủ đang tìm cách thuyết phục công chúng là nhà máy này sẽ an toàn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG