Đường dẫn truy cập

Đài tưởng niệm Ngũ giác đài đánh dấu năm thứ 15 vụ khủng bố 11-9


Đài tưởng niệm 11-9 ở Ngũ giác đài lúc bình minh ngày 11/9/2015.
Đài tưởng niệm 11-9 ở Ngũ giác đài lúc bình minh ngày 11/9/2015.

Cách đây 15 năm, Bộ Quốc phòng Mỹ bị tấn công. Chiếc máy bay mang số hiệu 77 của hãng American Airlines bị không tặc và đâm vào Ngũ giác đài. Toàn bộ người trên máy bay và 125 người làm việc tại trụ sở Bộ Quốc phòng thiệt mạng. Hôm nay tại Đài tưởng niệm 11-9 ở Ngũ giác đài, thông tín viên Carla Babb của đài VOA có dịp hỏi chuyện hai người bị ảnh hưởng hằn sâu từ vụ tấn công và mời chúng ta cùng theo dõi câu chuyện.

Đài tưởng niệm 11-9 được dựng lên ở Ngũ giác đài để tưởng nhớ những người đã thiệt mạng trong cái ngày đã làm thay đổi thế giới của chúng ta mãi mãi.

Anh Jamie McIntyre, một kỷ giả đã có mặt tại đây trong ngày 11 tháng 9 đó:

"Tôi luôn cảm nhận đây là nơi thiêng liêng. Tôi đã đứng ngay tại đây vào ngày 11 tháng 9 đó."

Lúc ấy, khói bốc lên từ phía sau này. Ai đã chứng kiến phút giây đó, thì nó sẽ hằn sâu trong đời.

Đó là cảnh cả một chiếc máy bay đâm vào Ngũ giác đài.

Ông James Laychak, Chủ tịch Quỹ tưởng niệm 11-9 của Ngũ giác đài cũng có mặt tại nơi để vinh danh các nạn nhân đã mãi mãi ra đi trong vụ tấn công đó. Ông nói:

"Tất cả 184 người thiệt mạng tại Ngũ giác đài -- 125 người ở bên trong tòa nhà này, và 59 người trên chiếc máy bay. Em rể của tôi lúc đó là một cảnh sát của DC đã đi vào trong Ngũ giác đài. Cậu ấy bảo chúng tôi phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra."

Ký giả McIntyre nhớ lại cảnh tượng bức tường của Ngũ giác đài sụp đổ xuống lúc đó:

"Nhìn Ngũ giác đài – một kiến trúc mang tính biểu tượng, trông giống một pháo đài, và khi nhìn thấy một phần của kiến trúc đó đổ vụn và sập xuống, rồi biết được số người thiệt mạng trong đó cùng với những người trên máy bay, thì đó là một trong những thời điểm mà chúng ta có thể cảm nhận được là thế giới thay đổi."

Ông Laychak hôm nay đến đây còn để tưởng nhớ em trai của ông:

"Dave, em trai của tôi, đã thiệt mạng trong vụ tấn công 11-9 ở Ngũ giác đài. Tôi đến đây để tưởng nhớ em trai tôi và vinh danh tất cả những người đã thiệt mạng ở đây. Chúng ta sẽ không bao giờ quên họ. Họ nhắc chúng ta điều gì đã xảy ra ở đây – vụ tấn công lúc 9 giờ 37 phút sáng 11 tháng 9 năm 2001."

Ông Laychak đi đến một trong những băng ghế ở Đài tưởng niệm:

"Đây là băng ghế có khắc tên em trai Dave của tôi. Tên của Dave nằm ở hàng của năm 1961, chỉ năm sinh của em tôi. Khi tôi đọc tên của em tôi, rồi nhìn lên thấy hậu cảnh là Ngũ giác đài – điều đó để nói rằng người này đã thiệt mạng khi đang ở trong Ngũ giác đài."

Đọc các hàng tên theo năm sinh, chúng ta sẽ thấy có năm 1998. Đó là cháu bé Dana Falkenberg. Dana mới lên 3 khi cùng với bố mẹ đi trên chuyến bay đó vào ngày 11 tháng 9 năm 2001 đó. Đọc tên bé Anna và ngước nhìn lên thì thấy hậu cảnh là bầu trời – điều đó để nói rằng nạn nhân này trên chiếc máy bay.

Ông Laychak giải thích về thiết kế của các băng ghế ở Đài tưởng niệm:

"Các băng ghế này được thiết kế theo như bài trí của băng ghế trên chiếc máy bay đã đâm vào Ngũ giác đài. Đứng vào đây, chúng ta có thể hình dung ra chiếc máy bay đã đâm theo hướng nào và vào chỗ nào của Ngũ giác đài. Các nhà thiết kế muốn tạo ra địa điểm này là độc nhất bởi vì chẳng có ngày nào khác giống ngày 11 tháng 9 đó. Những băng ghế đó dành cho thân nhân của các nạn nhân, và dành cho những người đến đây tưởng nhớ họ."

Quỹ tưởng niệm 11-9 của Ngũ giác đài quyên góp tiền cho một trung tâm chuyên lo chăm sóc, bảo trì địa điểm tưởng nhớ này và tôn vinh các nạn nhân đã mãi mãi ra đi trong ngày làm thay đổi thế giới cách đây 15 năm ấy.

Muốn tìm hiểu thêm về Quỹ tưởng niệm 11-9 của Ngũ giác đài, và đóng góp cho Quỹ tưởng niệm này, mời quý vị vào trang web tiếng Anh của đài VOA ở địa chỉ voanews.com.

VOA Express

XS
SM
MD
LG