Đường dẫn truy cập

Chuyên gia: Tập đoàn Wagner của Nga có thể châm ngòi xung đột ở Sudan


Du khách chụp ảnh bên ngoài Trung tâm PMC Wagner tại Saint Petersburg, Nga, ngày 4/11/2022.
Du khách chụp ảnh bên ngoài Trung tâm PMC Wagner tại Saint Petersburg, Nga, ngày 4/11/2022.

Ông Yevgeny Prigozhin, người đứng đầu tổ chức bán quân sự do chính phủ Nga hậu thuẫn, đã cung cấp vũ khí cho một trong các bên tham chiến ở Sudan, theo một số bản tin.

Kể từ khi cuộc giao tranh bắt đầu vào tháng 4, đã có những tin tức chưa được xác nhận và các nguồn tin ngoại giao nói với các hãng tin rằng các chiến binh Wagner đang hỗ trợ nhóm bán quân sự được gọi là Lực lượng Hỗ trợ Nhanh RSF ở Sudan và cung cấp vũ khí cho họ.

Ông Cameron Hudson, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và là cộng tác viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, nói với VOA rằng Tập đoàn Wagner đang cung cấp các hệ thống phòng không xách tay, tên lửa vác vai, súng chống tăng và xe bọc thép hạng nặng.

RSF phủ nhận nhận hỗ trợ từ Nga.

Trong khi tin này xuất hiện, các chuyên gia cảnh báo rằng sự tham gia từ bên ngoài như vậy chỉ có thể làm trầm trọng thêm cuộc xung đột, nêu lý do về hồ sơ theo dõi tiêu cực của nhóm này và dấu vết của các hành động tàn bạo ở Châu Phi.

Trong một lần thừa nhận hiếm hoi về sự tham gia của nhóm ở Sudan, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm 25/4 cho biết quyết định liên quan đến Tập đoàn Wagner tùy thuộc vào lãnh đạo châu Phi.

“Cộng hòa Trung Phi, Mali và Sudan, một số quốc gia khác có chính phủ và cơ quan hợp pháp tìm kiếm loại dịch vụ này [của Tập đoàn Wagner], có quyền làm như vậy,” ông Lavrov nói trong một cuộc họp báo tại Liên hiệp quốc.

Các quan chức cấp cao của Hoa Kỳ tiếp tục bày tỏ lo ngại về sự liên hệ của Tập đoàn Wagner ở Sudan, nơi tập đoàn này tham gia khai thác khoáng sản.

Phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby nói rằng sự tham gia của nhóm này có khả năng làm bùng phát thêm xung đột.

“Rõ ràng là chúng tôi không muốn thấy cuộc xung đột này lan tỏa hoặc mở rộng, và chúng tôi chắc chắn không muốn thấy hỏa lực bổ sung được triển khai; điều đó sẽ chỉ tiếp tục bạo lực và tiếp tục leo thang căng thẳng,” ông nói.

Cuộc chiến giành quyền lực là giữa hai vị tướng, Tướng Abdel Fattah Burhan, người đứng đầu lực lượng vũ trang, và Tướng Mohammed Hamdan Dagalo, hay Hemedti, thủ lĩnh của nhóm bán quân sự RSF.

Ông Hemedti đã đến Nga ngay sau khi Moscow xâm lược Ukraine và đã tìm cách giành được sự ủng hộ từ Tập đoàn Wagner.

“Thông qua chuyến thăm này, chúng tôi hy vọng sẽ thúc đẩy mối quan hệ giữa Sudan và Nga đến những tầm nhìn rộng lớn hơn, đồng thời củng cố sự hợp tác hiện có giữa chúng ta trong nhiều lĩnh vực,” ông Dagalo cho biết trong một bài đăng trên Twitter vào thời điểm ông đến thăm Moscow.

Bà Jacqueline Burns là nhà phân tích chính sách cấp cao của RAND Corporation, một nhóm nghiên cứu chính sách toàn cầu. Bà cho biết bằng cách hỗ trợ Hemedti, Nga đang tìm cách bảo vệ lợi ích của chính mình.

Bà nói với VOA: “Nga và Tập đoàn Wagner, họ hưởng lợi từ việc nhượng quyền khai thác vàng ở Sudan và buôn lậu vàng bất hợp pháp ra khỏi nước này.” “Tập đoàn Wagner đang đứng về bên mà họ cho là có nhiều khả năng tiếp tục bảo đảm những lợi ích này, đặc biệt là đối lập với bất kỳ chính phủ do dân sự lãnh đạo nào.”

Lịch sử của Tập đoàn Wagner ở Sudan bắt nguồn từ chính phủ trước đây của ông Omar al-Bashir. Ông Prigozhin có mối quan hệ thân thiết với nhà lãnh đạo chuyên quyền, người đã cho phép các công ty trực thuộc Wagner tiếp cận hoạt động khai thác vàng.

Sau khi quân đội lật đổ al-Bashir vào năm 2019 trong bối cảnh một cuộc nổi dậy của quần chúng, Wagner tiếp tục có mối quan hệ thân thiết với quân đội Sudan, đặc biệt là Lực lượng RSF do ông Hemedti đứng đầu. Điều này nhân rộng mô hình tham gia của tập đoàn này ở các nước châu Phi khác.

Ông Ben Dalton, giám đốc chương trình tại New America’s Future Frontlines, một nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Washington, nói: “Tập đoàn Wagner dường như hợp tác với các nước châu Phi theo một mô hình khá dễ đoán.”

“Thông thường, họ bắt đầu bằng việc đào tạo những người ưu tú, hoặc ít nhất là một nhóm nhỏ những người ưu tú, và sau đó là một thỏa thuận kỹ thuật quân sự chính thức giữa các quốc gia. Và điều này có thể giống như, bạn biết đấy, Nga sẽ cung cấp vũ khí để đổi lấy những nhượng bộ cho phép họ khai thác mỏ hoặc các hình thức khai thác tài nguyên khác”.

Các nhà phân tích nói Nga coi Sudan là một địa điểm chiến lược với nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào và sẵn sàng giúp đỡ để dựng nên một nhà lãnh đạo thân thiện.

Ông Hudson nói: “Trong những tháng gần đây, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều về những nỗ lực của Nga nhằm giành được một cảng trên Biển Đỏ ở Sudan thông qua quan hệ quân sự chính thức và họ đã ký kết các quan hệ quân sự chính thức khác với các quốc gia khác trong khu vực.”

Tuy nhiên, sự tham gia của Wagner vào các khu vực khác của lục địa này chỉ mang lại cay đắng cho người dân, ông Dalton nói.

“Tiếp xúc với nhóm này có xu hướng trở nên khá tệ đối với những người phải tiếp xúc với họ. Họ được xem là dính líu với những hành vi tàn bạo phổ biến ở mọi nơi họ đến; bạn thấy những cái chết của dân thường và nhiều hành động tàn bạo khác nhau,” ông Dalton nói.

“Lợi ích của Nga là khai thác các nguồn tài nguyên của lục địa để có thể củng cố vị thế của chính mình và xây dựng một mạng lưới để chống lại... các chế tài quốc tế. Họ không thực sự để ý đến quyền lợi của người dân châu Phi.”

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG