Đường dẫn truy cập

Chuyên gia: Cấp vũ khí cho Ukraine càng khiến Nga dấn tới


Tiểu đoàn mới thành lậpSaint Maria của Bộ nội vụ Ukraine làm lễ trước khi tham gia khóa huấn luyện quân sự, 3/2/15
Tiểu đoàn mới thành lậpSaint Maria của Bộ nội vụ Ukraine làm lễ trước khi tham gia khóa huấn luyện quân sự, 3/2/15

Các nhà lãnh đạo phương Tây đang đẩy mạnh nỗ lực của mình để tìm ra một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng ở miền đông Ukraine, nơi phe ly khai thân Nga đang chiến đấu với lực lượng chính phủ Ukraine.

Nỗ lực ngoại giao hiện thời diễn ra giữa lúc chiến sự gia tăng cường độ ở miền đông Ukraine trong hai tuần qua, kể từ khi phe ly khai mở một cuộc tấn công mới. Ông Matthew Rojansky là một chuyên gia về Nga tại Trung tâm Wilson ở Washington:

"Họ đã chiếm thành công nhiều vùng lãnh thổ, gồm cả sân bay ở Donetsk. Họ ít nhiều đã bao vây Debaltseve, một đầu mối giao thông nơi các tuyến đường sắt đi vào và sau đó tỏa ra để phục vụ bên trên và bên dưới mặt trận hiện thời. Vì vậy đó là một địa điểm trọng yếu," ông Rojansky nói.

Trong một nỗ lực tìm kiếm một giải pháp hòa bình, Tổng thống Pháp François Hollande và Tổng thống Đức Angela Merkel có một kế hoạch mà họ sẽ trình bày với các nhà lãnh đạo của Ukraine và Nga. Chưa có chi tiết nào của kế hoạch này được công bố.

Nhưng ông Rojansky nói rằng đề xuất này phải bao gồm điều kiện là chính phủ Ukraine phải đối phó với những nhà lãnh đạo ly khai. "Dù ý tưởng này khó mà chấp nhận được - rằng những thực thể này tồn tại thông qua vũ lực, rằng những thực thể này là do người Nga áp đặt lên Ukraine - Ukraine sẽ phải chấp nhận thực tế đó."

Cung cấp vũ khí cho Kiev

Trong khi chiến sự ở miền đông Ukraine gia tăng cường độ, Mỹ đang cân nhắc có nên cung cấp vũ khí phòng vệ sát thương cho Kiev hay không. Cho đến nay, Liên minh châu Âu và Washington đã cung cấp cho Ukraine vũ khí phi sát thương như kính nhìn ban đêm, áo chống đạn và vật phẩm y tế. Washington và các nước Liên minh châu Âu nói rằng Nga đã cung cấp thiết bị quân sự và binh sĩ cho lực lượng ly khai - một cáo buộc mà Moscow bác bỏ.

Trong phiên điều trần ở Thượng viện để trở thành Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Ashton Carter cho biết ông sẽ "nghiêng nhiều" về phía cung cấp vũ khí.

Nhưng ông Matthew Rojansky không đồng tình với việc cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine.

"Đó là một sai lầm với rất nhiều lý do, chủ yếu là cho dù Ukraine được trang bị vũ khí gì đi nữa thì cũng không có một trạng huống mà theo đó họ đánh bại được lực lượng do Nga hậu thuẫn," ông nói.

Ông Rojansky nói đơn giản chỉ là sẽ không có đủ vũ khí để đánh bại lực lượng ly khai.

"Và lập luận về việc áp đặt thêm tổn hại đối với Nga, gửi nhiều thi thể binh sĩ hơn về nhà để cố gắng làm thay đổi tính toán của ông Putin, tôi cho như vậy là hiểu sai người Nga từ đâu tới," ông nói. "Tôi nghĩ điều này không chỉ càng tăng cường quyết tâm của ông Putin mà còn cho ông ta một cơ hội tuyên truyền hoàn hảo mà ông ta luôn cần, đó là biến tình hình này từ một cuộc can thiệp bi thảm và sai lầm của Nga ở nước láng giềng anh em Slavic thành một cuộc chiến tự vệ của Nga chống lại hành động gây hấn của Mỹ. Đây là điều mãi mãi được lòng người dân Nga và họ sẵn sàng hy sinh vì điều đó."

Nga chịu đựng tới đâu?

Ông Rojansky nói Nga sẵn sàng chấp nhận tổn thất nặng nề.

"Quan niệm cho rằng có một mức thương vong trừu tượng nào đó và Nga sẽ cảm thấy không thể chấp nhận được. Đó là sai lầm tương tự mà chúng ta và nhiều nước khác trên thế giới luôn mắc phải, đó là chúng ta áp đặt những giá trị của mình lên họ," ông nói. "Mười ngàn thi thể người Nga sẽ không có tác động gì. Có lẽ 25 triệu thi thể. Nhưng hãy khoan vội đưa ra con số."

Chuyên gia về Nga này cho rằng nếu Washington cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev, "nó sẽ mang tính hình thức và tượng trưng, nó sẽ đến ít và đến muộn, và sẽ không tài nào thay đổi cán cân quyền lực bởi vì nó không thể làm được chuyện đó. Dù vậy nó vẫn sẽ củng cố sức mạnh cho những lực lượng chính trị ở Kiev muốn tiếp tục chiến đấu."

Trong một nỗ lực buộc Tổng thống Vladimir Putin thay đổi đường hướng, Washington và Liên minh châu Âu đã áp đặt những biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính đối với Moscow.

Ông Rojansky thừa nhận những biện pháp trừng phạt không "thay đổi hành vi của Putin và không làm suy yếu chế độ. Nhưng chúng đang gửi một thông điệp đạo đức vô cùng mạnh mẽ. Chúng gửi một thông điệp tới tất cả những người khác trên thế giới, những người có thể xem xét tới chuyện chiếm đoạt lãnh thổ bằng vũ lực, vi phạm quy tắc của trật tự quốc tế."

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG