Đường dẫn truy cập

Chính quyền tỉnh ở Pakistan xét lại khoản tài trợ 3 triệu đôla cho trường Hồi giáo


Học sinh trong lớp học của Trường Darul Uloom Haqqania, ngôi trường bị gọi là "Đại học Thánh chiến" đào tạo ra nhiều lãnh tụ của Taliban ở các tỉnh Akora Khattak, Khyber Pakhtunkhwa của Pakistan.
Học sinh trong lớp học của Trường Darul Uloom Haqqania, ngôi trường bị gọi là "Đại học Thánh chiến" đào tạo ra nhiều lãnh tụ của Taliban ở các tỉnh Akora Khattak, Khyber Pakhtunkhwa của Pakistan.

Những sự chỉ trích kịch liệt trong nhiều tuần lễ rõ ràng đã khiến cho một chính quyền tỉnh ở Pakistan xem xét lại khoản tài trợ 3 triệu đôla mà họ quyết định dành cho một ngôi trường Hồi giáo mà những người chỉ trích gọi là “Đại học Thánh chiến”. Thông tín viên Ayaz Gul của đài VOA tại Islamabad tường trình chi tiết.

Trường Darul Uloom Haqqania, do cựu thượng nghị sĩ Samiul Haq lãnh đạo, nằm trong tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, giáp ranh với Afghanistan.

Ngôi trường Hồi giáo của ông Haq, có khoảng 4.000 học sinh, được nhiều người biết tiếng về những mối liên hệ với phe Taliban đang chiến đấu chống lại chính phủ Afghanistan và các lực lượng quốc tế do Mỹ lãnh đạo tại quốc gia Nam Á này. Ông Haq, một giáo sĩ Hồi giáo, đã công khai bày tỏ cảm tình với phe Taliban và những mối liên hệ của ông với nhóm Hồi giáo chủ chiến này giúp ông đoạt danh hiệu “Người cha già của Taliban.”

Đảng Pakistan Tehreek-e-Insaf (PTI) đang nắm quyền ở tỉnh Khyber Pakhtunkhwa là đảng nằm dưới quyền lãnh đạo của ông Imran Khan, một chính khách vốn là cầu thủ cricket nổi tiếng. Ông Khan mạnh mẽ chỉ trích cuộc chiến do Hoa Kỳ lãnh đạo để chống khủng bố trong vùng Nam Á. Ông cũng là một đối thủ đáng gờm của Thủ tướng Nawaz Sharif và được giới trẻ có học ở Pakistan yêu thích.

Trong lúc các giới chức chính quyền tỉnh cho rằng khoản tài trợ cho ngôi trường của ông Haq là một phần của những nỗ lực nhằm “chính mạch hóa” hàng ngàn ngôi trường Hồi giáo ở tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, ông Khan đã tìm cách lánh xa quyết định tài trợ trong lúc tuyên bố ủng hộ cho việc cải cách các trường Hồi giáo.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài VOA từ tư thất của ông gần thủ đô Islamabad, ông Khan nói rằng ông không hay biết về khoản tiền tài trợ đó cho đến khi ông nghe báo chí nói tới.

"Tình hình đang biến chuyển. Như tôi đã nói, tôi chỉ biết về ngôi trường này trên một chương trình truyền hình khi tôi được hỏi về việc này. Những gì mà chúng tôi muốn chính quyền tỉnh Khyber Pakhtunkhwa làm vào lúc này là loan báo một cách chính xác khoản tiền này sẽ được sử dụng như thế nào, nó sẽ làm ngôi trường này chính mạch hóa như thế nào. Ngôi trường này là một trong các ngôi trường Hồi giáo chính ở Khyber Pakhtunkhwa, và chính quyền ở đó đã cam kết với chúng tôi là trong vài ngày nữa họ sẽ cho chúng tôi biết một cách chính xác là khoản tiền này sẽ được sử dụng như thế nào".

Nhiều người tin rằng Mullah Omar, người sáng lập phong trào Taliban, và ông Jalaluddin Haqqani, người lập ra mạng lưới khủng bố Haqqani, đều từng theo học tại Trường Darul Uloom Haqqania. Có tin cho hay Mullah Akhtar Mansoor, thủ lãnh Taliban bị hạ sát hồi tháng 5 vừa qua trong một vụ không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ, cũng là cựu học sinh của trường này.

Trường Darul Uloom Haqqania là một trong các trường tôn giáo mà các cơ quan tình báo Mỹ và Pakistan đã đến tuyển mộ chiến binh cho cuộc chiến chống lại Moscow khi Afghanistan bị Liên Xô chiếm đóng trong thập niên 1980.

Ông Sami-ul-Haq (giữa, mặc áo xám) một chính trị gia và hiệu trường trường Darul Uloom Haqqania, ở giữa các học trò sau khi kết thúc bài giảng ở Akora Khatak, Pakistan.
Ông Sami-ul-Haq (giữa, mặc áo xám) một chính trị gia và hiệu trường trường Darul Uloom Haqqania, ở giữa các học trò sau khi kết thúc bài giảng ở Akora Khatak, Pakistan.

Rất nhiều người tốt nghiệp từ trường này cũng gia nhập hàng ngũ Taliban để chiến đấu chống lại lực lượng quốc tế do Mỹ lãnh đạo và các đồng minh địa phương ở Afghanistan.

Nhiều nhà hoạt động chính trị ở Pakistan nêu nghi vấn là tại sao trường này lại được cung cấp nhiều tiền như vậy, trong khi những trường khác có chủ trương ôn hòa không có được những sự trợ giúp tương tự.

Ông Imran Khan cho biết như sau khi được hỏi về những yêu cầu của các đối thủ chính trị, các nhà bình luận và các nhân vật tranh đấu thuộc xã hội dân sự đòi ông ra lệnh cho chính quyền tỉnh Khyber Pakhtunkhwa hủy bỏ khoản tài trợ cho Trường Darul Uloom Haqqania.

"Vấn đề tuỳ thuộc vào việc khoản tiền đó được dùng vào chuyện gì. Phải chăng khoản tiền này sẽ chính mạch hóa những học sinh mà trên cơ bản là đang bị gạt ra bên lề. Chính sách của đảng chúng tôi là chính mạch hóa những học sinh của các trường Hồi giáo này. Như tôi đã nói, chúng tôi đang chờ báo cáo của tỉnh trưởng để quyết định sẽ làm như thế nào".

Ông Khan cho biết có khoảng 2,2 triệu học sinh tại các trường Hồi giáo trong tỉnh này và tất cả đều là con nhà nghèo, không có tiền để trả học phí ở các trường tư thục hoặc trường công. Ông nói thêm như sau.

"Quan tâm chính của chúng tôi là đưa các học sinh này vào giòng chính để họ trở thành một phần của xã hội. Như chúng ta đã biết tình trạng bị gạt ra bên lề xã hội dẫn tới chỗ bị cực đoan hóa. Ở đâu cũng vậy. Nhóm Nhà nước Hồi giáo đã tuyển mộ những người từ các cộng đồng Hồi giáo bị gạt ra bên lề xã hội ở Âu châu".

Các đảng phái của tôn giáo thường không giành được sự ủng hộ trong các cuộc bầu cử cấp quốc gia ở Pakistan và họ chỉ chiếm được một vài ghế trong quốc hội. Nhưng tại các khu vực bảo thủ như Khyber Pakhtunkhwa, những thành phần Hồi giáo bảo thủ vẫn có nhiều ảnh hưởng. Họ đã làm cho đảng của ông Khan không thể chiếm được đa số quá bán tại nghị viện tỉnh và ông phải dựa vào sự ủng hộ của một đảng Hồi giáo bảo thủ để điều hành chính phủ liên hiệp ở tỉnh này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG