Đường dẫn truy cập

Phúc trình kêu gọi TQ cải cách của World Bank vấp phải sự chống đối


Ông Ðỗ Kiến Quốc, một người biểu tình chống lại "Báo cáo Trung Quốc năm 2030" của Ngân hàng Thế giới, bị nhân viên an ninh kéo ra khỏi phòng họp báo tại Bắc Kinh, ngày 28/2/2012
Ông Ðỗ Kiến Quốc, một người biểu tình chống lại "Báo cáo Trung Quốc năm 2030" của Ngân hàng Thế giới, bị nhân viên an ninh kéo ra khỏi phòng họp báo tại Bắc Kinh, ngày 28/2/2012

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick đã mở một cuộc họp báo hôm nay tại Trung Quốc để giải thích một phúc trình mới kêu gọi cải cách cơ chế kinh tế ở Trung Quốc. Theo tường thuật của thông tín viên VOA Stephanie Ho từ Bắc Kinh, một người phản kháng đơn độc đã gây gián đoạn cuộc họp báo và đề nghị chú ý đến tình trạng bất bình đẳng ngày càng tăng về thu nhập tại Trung Quốc.

Ông Zoellick vừa ngồi xuống và sắp sửa nói chuyện trong cuộc họp báo hôm nay thì ông Đỗ Kiến Quốc lên trước phòng họp hô to các khẩu hiệu và phân phát các bản sao ghi lời phản đối của ông.

Trước khi ông Đỗ bị kéo đi, ông này nói rằng Ngân hàng Thế giới độc hại đối với Trung Quốc và các chính sách của tổ chức này gây trầm trọng thêm cho sự cách biệt giàu nghèo ngày càng tăng tại nước này. Một số ý kiến của ông bằng tiếng Anh mang âm hưởng của phong trào Chiếm Phố Wall ở Hoa Kỳ.

Người thông dịch cho cuộc họp báo đã chuyển những lời chỉ trích vừa kể cho chủ tịch Ngân hàng Thế giới. Đã quá quen thuộc với những vụ phản đối Ngân hàng Thế giới, ông Zoellick không lấy làm nao núng.

Ông Zoellick nói: “Như quý vị thấy, bản phúc trình này đã khơi ra một số tranh luận đáng chú ý ở Trung Quốc.”

Ông Zoellick nói bản phúc trình có tựa đề là “Trung Quốc năm 2030” kêu gọi giới lãnh đạo Trung Quốc nêu ra điều ông gọi là “những câu hỏi hóc búa” về cách thức nền kinh tế này thích nghi với vụ khủng hoảng tài chính toàn cầu và mức cầu về xuất khẩu chậm lại.

Ông Zoellick nói: “Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tích trong 30 năm qua với một mô hình cơ chế cho phát triển. Mô hình đó đã tập trung vào tăng trưởng định hướng bởi xuất khẩu và đầu tư mạnh. Kế hoạch ngũ niên lần thứ 12 thừa nhận rằng cần phải thay đổi điều đó, để tập trung nhiều hơn vào mức cầu và tiêu thụ nội địa.

Phúc trình nói sự tăng trưởng kinh tế đột ngột của nước này không mang tính bền vững nếu như Trung Quốc không thực hiện các cải cách quan trọng về thị trường tự do.

Người đứng đầu Ngân hàng Thế giới nói ông trông đợi những quyền lợi được đảm bảo bất di bất dịch nhờ cơ chế hiện tại sẽ cưỡng lại sự thay đổi đó, nhưng ông nói sự thay đổi là cần thiết cho lợi ích của toàn thể nhân dân Trung Quốc.

Ông Arvind Subramanian, thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ở Washington, bác bỏ lập luận cho rằng Ngân hàng Thế giới đã gây ra tình trạng bất bình đẳng ở Trung Quốc, nhưng ông thừa nhận sự phẫn nộ của người phản kháng – nhất là về các vấn đề có liên quan đến tham nhũng.

Ông Subramanian nói: “Chắc chắn là tại nước này, tình trạng bất bình đẳng ngày càng tăng là một vấn đề quan trọng – một trong những sự mất quân bình to lớn.”

Ông nói thêm rằng việc giải quyết thỏa đáng những vấn đề này đòi hỏi nhiều hơn là chỉ có những giải pháp kinh tế.

Ông Subramanian nói tiếp: “Tôi nghĩ mọi người nhìn thấy rằng một trong những giải pháp cho vấn đề đó là có tinh thần trách nhiệm nhiều hơn và rằng đó có thể là cơ chế qua đó đòi hỏi có thêm các quyền tự do chính trị. Tôi nghĩ rằng cải cách chính trị, cơ chế trách nhiệm kinh tê, có lẽ là con đường để tiến tới ở Trung Quốc.”

Trong chuyến đi này, ông Zoellick cũng đi thăm tỉnh Quảng Đông và Nội Mông. Ông nói có phần chắc đây là chuyến đi chót của ông tới Trung Quốc trước khi ông rời chức chủ tịch Ngân hàng Thế giới vào tháng 6.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG