Đường dẫn truy cập

Nhân dân Trung Quốc phản ứng dữ dội về tai nạn tàu cao tốc


Đội cứu hộ Trung Quốc tại hiện trường vụ tai nạn xe lửa ở Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, 24/7/2011
Đội cứu hộ Trung Quốc tại hiện trường vụ tai nạn xe lửa ở Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, 24/7/2011

Internet cũng như truyền thông nhà nước Trung Quốc tiếp tục tràn ngập những câu hỏi về tai nạn tàu cao tốc gây chết chóc thứ Bảy tuần rồi. Những đòi hỏi làm rõ tiếp tục tràn tới, bất kể những lời trấn an của chính phủ sẽ mở một cuộc điều tra kỹ lưỡng. Những lời chất vấn đang thách thức chính phủ cùng khả năng đối phó với dư luận của họ.

Trong suốt tuần qua, trang mạng xã hội Sina Weibo của Trung Quốc liên tục mang lại nguồn thông tin, sự hỗ trợ, và những chỉ trích không ngừng về cách chính phủ xử lý tai nạn nêu trên.

Chỉ vài phút trước khi xảy ra tai nạn, một người sử dụng Weibo tại Ôn Châu đã đưa lên một thông tin kèm theo hình ảnh, mô tả một chiếc tàu cao tốc mà lại di chuyển chậm như sên, và nói thêm “Tôi mong sẽ không có gì xảy ra.”

Một lát sau tai nạn, một người tên Quanyang đưa lên một lời kêu cứu: “Xe lửa đầy tiếng kêu khóc của trẻ em! Chúng tôi không tìm được nhân viên đường sắt nào! Làm ơn giúp chúng tôi!”

Khi chính phủ đổ lỗi sấm chớp đã gây ra tai nạn, phản ứng hoài nghi rầm rộ phát ra trên mạng. Khi bộ Đường Sắt bày tỏ đau buồn về tai nạn xảy ra, cư dân mạng đã chế nhạo chính phủ.

Ông Jeremy Goldkorn, một phân tích gia người Hoa về truyền thông trên mạng và là người lập ra trang Danwei.org, cho biết báo chí nhà nước khó mà làm lơ trước khối lượng chỉ trích trên mạng.

Có vẻ như chính phủ không làm được gì nhiều để che đậy làn sóng phản ứng. Ngay cả những chỉ thị cho báo chí nhà nước, như hạn chế tường thuật và không điều tra hay bình luận về nguyên nhân tai nạn, cũng bị lọt ra và đưa lên mạng, và không được chấp hành nghiêm chỉnh.

Truyền thông nhà nước đã phát hành những bài xã luận đòi phải mở một cuộc điều tra thấu đáo.

Phần lớn mũi dùi phê phán của dư luận nhắm vào bộ đường sắt, đang hết sức lúng túng.

Ngay trước khi tai nạn xảy đến, Bộ Đường Sắt đã là mục tiêu phê bình. Hồi tháng 2, Bộ trưởng phải từ chức vì những cáo buộc đã có hàng triệu đôla bị biển thủ từ chương trình đường sắt cao tốc.

Tuy nhiên, theo các phân tích gia, khó mà nói rằng sự phẫn nộ của công chúng sẽ đưa tới việc đánh giá lại hệ thống xe lửa cao tốc. Họ nói rằng sau vụ tai tiếng về sữa có chất độc vào năm 2008, có rất nhiều sự phê phán tương tự trên mạng. Thế nhưng, điều đó sau cùng cũng chẳng làm thay đổi cách kiểm tra ngành sản xuất sữa, và những vụ xì căng đan về thực phẩm vẫn tiếp tục xảy ra.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG