Đường dẫn truy cập

TQ bênh vực thành tích nhân quyền trước kỷ niệm vụ Thiên An Môn


Binh sĩ Trung Quốc tuần tra ngang Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, ngày 31/5/2011
Binh sĩ Trung Quốc tuần tra ngang Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, ngày 31/5/2011

Trung Quốc bênh vực thành tích nhân quyền của mình vào trước ngày kỷ niệm 22 năm vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, là lúc hàng trăm, có lẽ hàng ngàn người biểu tình đòi dân chủ đã bị lực lượng an ninh sát hại. Từ Bắc Kinh, thông tín viên VOA Peter Simpson tường thuật rằng trước ngày kỷ niệm 4 tháng 6 năm nay, thân nhân của những người bị giết cho biết chính phủ Bắc Kinh đã đề nghị bồi thường tiền mặt cho họ.

Khoảng 150.000 người dự trù sẽ tề tựu trong một buổi thắp nên ở Hong Kong để tưởng nhớ các nạn nhân vụ đàn áp Thiên An Môn.

Binh sĩ được xe tăng yểm trợ đã đè bẹp những vụ biểu tình đòi dân chủ vào ngày 4 tháng 6 năm 1989, khiến cả thế giới lên án.

Thành tích nhân quyền của Trung Quốc đã bị xem xét năm nay sau khi nhà tranh đấu cho nhân quyền Trung Quốc Lưu Hiểu Ba đang bị cầm tù được trao giải Nobel hòa bình. Kể từ lúc đó, nhà cầm quyền đã gia tăng trấn át giới bất đồng chính kiến, bỏ tù các luật sư, nghệ sĩ và những người chỉ trích chính phủ.

Hôm nay, chính phủ Trung Quốc đã bác bỏ những lời tuyên bố rằng Trung Quốc đang trải qua một vụ trấn át nhân quyền tệ hại hơn kể từ sau vụ thảm sát năm 1989.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói rằng người dân Trung Quốc được hưởng các điều kiện nhân quyền tốt đẹp nhất trong lịch sử nước này và có những quyền chính trị rộng rãi.

Ông cảnh báo giới hoạt động Trung Quốc hãy tôn trọng hiến pháp và các luật lệ khác của quốc gia. Ông nói họ nên hành xử quyền của mình trong khuôn khổ luật pháp.

Các phong trào đòi dân chủ mới đây khắp Trung Đông và Bắc Phi đã lật đổ một số chính phủ độc tài và dẫn đến các vụ nổi dậy của dân chúng. Tình hình bất ổn đã khiến đảng Cộng sản cầm quyền ở Trung Quốc cực kỳ lo lắng về bất ký dấu hiệu bất ổn nào trong nước.

Kể từ hồi tháng 2, an ninh đã được tăng cường đáng kể và hàng chục nhà hoạt động, những người bất đồng chính kiến và các luật sư đã bị bịt miệng, hay bị công an bắt đi – trong đó có họa sĩ bộc trực Ngải Vị Vị.

Các hạn chế về tường thuật đối với ký giả nước ngoài được nới lỏng trong thời gian Thế vận hội 2008 kể từ đó đã được áp dụng lại và nhiều phóng viên đã bị bắt giữ hoặc tấn công trong khi tường thuật các diễn biến thời sự nhậy cảm.

Trong tuần này, 127 bà mẹ của những người hoạt động bị sát hại trong vụ đàn áp Thiên An Môn đã công bố một bức thư trước ngày kỷ niệm vụ biểu tình, và nói rằng trong 2 trường hợp mới đây, giới chức công an Trung Quốc đã tiếp xúc với họ đề nghị bồi thường tiền mặt.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi từ chối không xác nhận liệu quả thực chính phủ có đề nghị bồi thường cho các bà mẹ này hay không.

Bà Đinh Tử Lâm là người đứng đầu Nhóm các bà mẹ Thiên An Môn, là nhóm đang đòi chính phủ xin lỗi và tiến hành cuộc điều tra về vụ việc được cho là có hàng trăm, nếu không phải là hàng ngàn người chết.

Bà Đinh nói vào cao điểm của cuộc Cách mạng Hoa Nhài đầu tiên hồi tháng 2, một giới chức Bộ Công an Trung Quốc đã đi thăm một trong các nhóm ở nhà bà và thảo luận việc bồi thường tiền mặt.

Bà nói viên chức này hỏi các bà mẹ cần bao nhiêu tiền.

Nhưng bà Đinh nói các giới chức không chịu thảo luận lời yêu cầu của họ đòi điều tra về những vụ sát hại và một lời xin lỗi chính thức.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG