Đường dẫn truy cập

Trang mạng mới của chính phủ Trung Quốc để nhân dân góp ý


Trong diễn đàn này có các mục riêng rẽ để người dân có thể trao đổi với các nhà lãnh đạo khác nhau
Trong diễn đàn này có các mục riêng rẽ để người dân có thể trao đổi với các nhà lãnh đạo khác nhau

Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa mở một trang mạng trực tuyến mới để các công dân trên mạng có thể trao đổi trực tiếp với lãnh đạo chính phủ. Nhiều người cho rằng trang này chỉ có hình thức vì Trung Quốc thực sự chưa có tự do phát biểu.

Trong những tuần lễ đầu tiên mở ra, trang mạng “Đường Dây Trực Tiếp Đến Trung Nam Hải” đã nhận được hàng vạn entry góp ý, phản hồi.

Được thiết kế với những hình ảnh của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, Thủ tướng Ôn Gia Bảo, các nhà lãnh đạo khác ở Trung Nam Hải; trang web mời gọi những người sử dụng Internet hãy nói ra những gì họ thực sự nghĩ về chính phủ.

Các góp ý nhiều nhất là những lời kêu ca về nhà ở và tham nhũng. Các đề tài khác cũng có:

“Muốn thực hiện chính sách Một Con, các ngài không thể buộc người ta phải đi cắt. Cái đó không nhân đạo.”

Bà Khương Du, Phát ngôn viên bộ Ngoại giao nói:

“Chính quyền muốn động viên người dân trình bày các vấn đề quan tâm. Quần chúng có quyền phát biểu tư tưởng và đề xuất thoải mái trên mạng, miễn là vẫn trong khuôn khổ của luật pháp và quy định.”

Chính những quy định đó làm nhiều người ủng hộ quyền tự do phát biểu quan tâm. Bà Sharon Hom, Giám đốc chấp hành của Human Rights in China, nói trang web đó nêu ra 26 đề tài không được thảo luận online:

“Không thể đưa lên những gì nguy hại cho an ninh quốc gia, tiết lộ bí mật nhà nước, lật đổ quyền lực nhà nước, gây nguy hại cho đoàn kết quốc gia. Suy rộng ra, người ta có thể suy diễn một cách tùy tiện để áp dụng những quy định này cho bất kỳ nội dung nào hoặc toàn bộ các nội dung.”

Bà lấy ví dụ người ta dùng các luật về an ninh quốc gia để kết tội các nhân vật bất đồng chính kiến, các nhà báo, luật gia và những người nào xét thấy quá nguy hiểm cho chế độ. Bà đưa ví dụ của ông Lưu Hiểu Ba:

“Ông Lưu bị tù dài ngày cũng chỉ vì làm đúng những gì mà trang web này chủ trương, đó là phê phán và giám sát chính quyền.”

Ông Jeremy Goldkorn, Tổng biên tập của Danwei.org, trang web theo dõi tình hình báo chí Trung Quốc nói rằng trang mạng vừa tung ra chỉ là một phần của chính sách tuyên truyền tinh vi của đảng Cộng sản:

“Đó là hình thức để cho thấy họ có chú ý đến nhân dân đang nghĩ gì, nhưng đó cũng là cách bắt mạch xã hội để phát hiện các vấn đề trong xã hội.”

Ông Goldkorn nói một mình Internet không thể dẫn đến cải tổ chính trị, nhưng nó cũng giúp cải tiến quan hệ giữa chính quyền và nhân dân:

“Mặc dù một diễn đàn như vậy có nhiều hạn chế hơn các diễn đàn phương Tây nhưng cũng còn khá hơn những gì xảy ra trước đây. Chính quyền có thể vin vào đó mà nói thấy chưa, chúng tôi cũng có dân chủ trên cả nước giống như phương Tây đấy chứ.”

Ông Thomas Crampton của tổ chức nghiên cứu Ogilvy Public Relations nói rằng diễn đàn này cũng có những người ăn lương để đóng góp những ý kiến có lợi cho chính quyền. Công dân trên trên mạng gọi nhóm này là “đạo quân 50 xu”, số tiền mà những người góp ý này nhận được mỗi khi viết comment:

“Đạo quân này đưa đẩy các trao đổi trên diễn đàn sao cho có hướng thuận lợi cho chính quyền để rồi từ đó họ có thể nhào nắn dư luận và nhận thức.”

Phản hồi tiêu biểu của một thành viên trong đạo quân này có thể như sau:

“Mở ra diễn đàn này mang lại cho tôi hy vọng về đất nước. Nước tôi và đảng ta sẽ mạnh.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG