Đường dẫn truy cập

Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới của Mỹ có tên Việt Nam


Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại một buổi giới thiệu về Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Chính quyền Biden ở Jakarta, Indonesia, hồi tháng 12 năm ngoái. Nhà Trắng vừa công bố chiến lược này hôm 11/2.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại một buổi giới thiệu về Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Chính quyền Biden ở Jakarta, Indonesia, hồi tháng 12 năm ngoái. Nhà Trắng vừa công bố chiến lược này hôm 11/2.

Việt Nam được nhắc tới như là một trong các đối tác dẫn đầu ở khu vực mà Mỹ sẽ tăng cường mối quan hệ trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới được Chính quyền Tổng thống Joe Biden công bố.

Chính quyền Biden công bố chiến lược được mong đợi từ lâu hôm 11/2, một kế hoạch dựa nhiều vào liên minh, răn đe quân sự và sự hiện diện mạnh mẽ hơn ở Đông Nam Á, được xem là để chống lại sự ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực và toàn cầu.

Dù các quan chức Mỹ nhấn mạnh rằng Trung Quốc không phải là trọng tâm duy nhất trong các sáng kiến khu vực của Hoa Kỳ, nhưng nhiều điều khoản của chiến lược – bao gồm tăng cường liên minh và hiện diện quốc phòng cũng như mở rộng các mối liên kết thương mại, kinh tế và cơ sở hạ tầng khu vực mạnh mẽ hơn – dường như nhằm chống lại ảnh hưởng kinh tế, sức mạnh quân sự và sáng kiến Vành đai Cong đường của Trung Quốc, theo nhận định của truyền thông quốc tế.

Trung Quốc bị Chính quyền Biden xem là “mối đe doạ an ninh” lớn nhất của Mỹ.

“Chiến lược này đề ra tầm nhìn của Tổng thống Biden nhằm củng cố vững chắc hơn vị trí của Hoa Kỳ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời cũng tăng cường sức mạnh cho cả khu vực trong quá trình đó,” theo bản chiến lược được Nhà Trắng công bố. “Trọng tâm chính của Chiến lược là sự hợp tác bền vững và sáng tạo cùng với các nước đồng minh, đối tác, cũng như các thể chế cả trong và ngoài khu vực.”

Sáng kiến mới nói rằng Hoa Kỳ sẽ theo đuổi mục tiêu xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, kết nối, thịnh vượng, anh ninh và có sức chịu đựng.

Trong điều khoản kết nối của chiến lược, chính quyền Biden nói: “Chúng tôi sẽ xây dựng năng lực tập thể cả trong và ngoài khu vực” thông qua việc “tăng cường quan hệ với các đối tác hàng đầu trong khu vực, bao gồm Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Mông Cổ, New Zealand, Singapore, Đài Loan, Việt Nam và các quốc đảo ở Thái Bình Dương”, với thứ tự các nước được nêu theo vần của tên trong tiếng Anh.

Việt Nam, cùng với Singapore và New Zealand, cũng đã được nhắc tới trong Hướng dẫn Tạm thời về Chiến ược An ninh Quốc gia mà Nhà Trắng công bố hồi đầu tháng 3 năm ngoái, không lâu sau khi ông Biden lên nhậm chức tổng thống. Trong tài liệu này, Chính quyền Biden nhắc đến Việt Nam như là một đối tác được Washington nhắm tới để “làm sâu sắc hơn” trong hợp tác an ninh khu vực. Các nhà quan sát cho rằng Việt Nam nổi lên như một nhân tố mới trong chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ dưới chính quyền Biden, bên cạnh các đồng minh truyền thống của Wasington.

Với tầm quan trọng chiến lược và cùng chia sẻ các lợi ích chung với Washington, Mỹ ngày càng có quan hệ thân thiết hơn với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, từ an ninh tới thương mại, trong khi Washington tìm cách tăng cường sự gắn kết với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để kiềm chế sự ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Việt Nam và Singapore cũng là hai quốc gia duy nhất ở châu Á được đón tiếp cả Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Phó Tổng thống Kamala Harris trong hai chuyến thăm liên tiếp trong vòng chưa đầy một tháng vào năm ngoái.

Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới của Mỹ nói rằng Hoa Kỳ đã duy trì sự hiện diện quốc phòng mạnh mẽ trong khư vực suốt 75 năm qua và đang mở rộng cũng như hiện đại hoá vai trò này. Chiến lược còn cho biết Mỹ, dưới thời Chính quyền Biden, sẽ “nâng cao khả năng của mình trong việc bảo vệ lợi ích của chúng tôi, cũng như ngăn chặn bất kỳ hành vi đe doạ tới lãnh thổ Hoa Kỳ, hay đe doạ các đồng minh và đối tác chúng tôi.

“Chúng tôi sẽ tăng cường an ninh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, sử dụng tất cả các công cụ sức mạnh của mình để ngăn chặn hành vi gây hấn, chống lại những hành vi cưỡng ép,” chiến lược mới của Chính quyền Biden cho biết. Dù không nhắc đến tên Trung Quốc, nhưng sáng kiến này nhắc đến việc duy trình hoà bình và ổn định ở khu vực eo biển Đài Loan, Biển Đông và mở rộng sự hiện diện của Tuần duyên Hoa Kỳ để chống lại các mối đe doạ xuyên quốc gia.

Việt Nam chưa lên tiếng trước việc Nhà Trắng công bố Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhưng đã “hoan nghênh các sáng kiến ở khu vực góp phần vào hoà bình, ổn đinh, hợp tác và phát triển” theo luật lệ và tôn trọng luật pháp quốc tế ngay sau khi Chính quyền Biden đưa ra Hướng dẫn Chiến lược An ninh Tạm thời đầu năm ngoái.

VOA Express

XS
SM
MD
LG