Đường dẫn truy cập

Chiến tranh Việt Nam: miền Bắc thắng nhờ lợi dụng lòng dân?


Chiến tranh Việt Nam: chính nghĩa thuộc về ai?
please wait

No media source currently available

0:00 0:03:28 0:00

Chiến tranh Việt Nam: chính nghĩa thuộc về ai?

Đấu tranh chính trị để xây dựng chính nghĩa cho mình và đả phá chính nghĩa của Sài Gòn, kế sách này đã giúp Hà Nội tập hợp sự ủng hộ của người dân Việt Nam không chỉ ở miền Bắc mà cả một bộ phận ở miền Nam, cùng lúc làm lay chuyển sự ủng hộ của dân Mỹ đối với cuộc chiến. Đó là một trong những nguyên nhân then chốt giúp Bắc Việt giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh Việt Nam, theo các học giả Mỹ và Việt Nam tại một hội thảo mới đây ở thủ đô Washington, Hoa Kỳ.

Trong khi đó, chính quyền Sài Gòn lại chật vật tranh thủ sự ủng hộ của người dân, đối mặt với sự chia rẽ trong dư luận, bị nghi ngờ về tính chính nghĩa của mình ở cả trong nước và trên trường quốc tế, cũng theo các ý kiến tại hội thảo có tiêu đề: ‘Nhìn lại Chiến tranh Việt Nam’ do Tập hợp vì Dân chủ cho Việt Nam (ADVN) tổ chức tại Cơ quan Văn khố Quốc gia Mỹ hôm 14/9.

‘Giương cao chính nghĩa’

Chiến dịch đấu tranh ngoại giao ‘hết sức quyết liệt và hiệu quả’ của chính quyền Hà Nội trên trường quốc tế là ‘một trong những chìa khóa’ giúp miền Bắc giành chiến thắng chung cuộc bên cạnh chiến dịch quân sự ở miền nam, ông Pierre Asselin, Giáo sư Sử học thuộc Đại học San Diego và là tác giả của nhiều đầu sách về chiến tranh Việt Nam, nhận định.

Nhờ đó mà Hà Nội ‘đã giương cao chính nghĩa của mình là chính nghĩa hợp pháp trong khi liên tục đả kích tính chính nghĩa của miền Nam và của Mỹ’. Theo GS Asselin, đó là vũ khí để Hà Nội vô hiệu hóa sức mạnh quân sự rõ ràng là vượt trội của người Mỹ.

“Chung cuộc, Hà Nội đã có thể cô lập cả người Mỹ và miền Nam Việt Nam về ngoại giao,” ông Asselin nhận định trong phần tham luận có tựa đề ‘Nhìn từ Bắc Việt: Làm sao Bắc Việt thắng trong cuộc chiến’ và lưu ý rằng miền Nam đã không thể làm được như Hà Nội.

“Sài Gòn đã thất bại thảm hại trong việc thể hiện tính hợp pháp của mình ngay cả với dư luận trong nước,” ông nói.

Ông Asselin nói rằng ngay từ rất sớm trong cuộc chiến, chính quyền miền Bắc đã nhận thức được tầm quan trọng của thông tin tuyên truyền. “Hà Nội đã xây dựng được luận điệu tuyên truyền thậm chí ngay trước khi chiến tranh bắt đầu và luôn nhấn mạnh, duy trì luận điệu đó một cách nhất quán,” ông nói.

“Cách tuyên truyền đó thành công đến nỗi nó vẫn còn tiếp tục đến ngày nay,” ông nói thêm và dẫn chứng những sinh viên học sinh khi được học về Chiến tranh Việt Nam vẫn cho rằng Việt Nam Cộng hòa là ‘tay sai, bù nhìn’ của người Mỹ.

Về tính chính nghĩa của miền Nam, ông Tường Vũ, Giáo sư chính trị tại Đại học Oregon, cho rằng đó là một chính thể cộng hòa được xây dựng với các lý tưởng tự do dân chủ kết hợp với lý tưởng dân tộc. Theo ông thì những giá trị như ‘xã hội dân chủ tự do cho phép mọi người được tự do buôn bán, làm việc, học hành’ cũng tạo nên chính nghĩa của riêng miền Nam để thu hút người dân đứng lên.

Về lý tưởng dân tộc thì miền Nam cũng mong muốn Việt Nam ‘trở thành một quốc gia thống nhất, không bị lệ thuộc vào ngoại bang’, ông Vũ trình bày trong phần tham luận về quá trình xây dựng nhà nước cộng hòa ở miền Nam Việt Nam trong giai đoạn 1955-1975.

“Tổng thống Ngô Đình Diệm từng nhấn mạnh rằng sự can thiệp quân sự của người Mỹ là đi ngược lại lý tưởng dân tộc,” GS Vũ cho biết và nói rằng tuy nhiên sau đó Việt Nam Cộng hòa đã không thể chấm dứt được sự lệ thuộc vào người Mỹ.

Trả lời câu hỏi của VOA tại hội thảo rằng điều gì, chính nghĩa giải phóng dân tộc hay xây dựng chủ nghĩa xã hội, đã giúp miền Bắc tranh thủ được sự ủng hộ của người dân miền Bắc và cả ở miền Nam tập kết ra Bắc, GS Asselyn nói rằng đó là vì miền Bắc ‘biết cách thao túng lịch sử’.

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng chính người Mỹ cũng đã giúp Hà Nội tăng cường tính chính danh của mình khi họ tiến hành ném bom miền Bắc. Điều này càng làm cho người dân miền Bắc, vốn đã mệt mỏi sau cuộc chiến với người Pháp và không muốn có thêm một cuộc chiến nữa, càng hết lòng ủng hộ lãnh đạo của họ trong cuộc chiến ở miền Nam.

‘Thất sách’ của miền Nam

Trao đổi với VOA bên lề hội thảo về tại sao miền Nam cũng giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc nhưng lại để cho quân Mỹ vào bắn giết người dân Việt Nam, GS Vũ cho rằng ‘đó là thất sách’ mà vì lẽ đó mà chính quyền miền Nam ‘phần nào mất đi tính chính nghĩa’.

Tuy nhiên, ông cho rằng ‘điểm yếu đó nằm ngoài khả năng kiểm soát của chính quyền miền Nam Việt Nam’ mặc dù ‘rất nhiều giới tinh hoa kể cả Tổng thống Ngô Đình Diệm lúc bấy giờ đều không đồng ý đưa quân Mỹ vào miền Nam Việt Nam’.

Trước câu hỏi của VOA tại sao miền Bắc cũng đón quân Trung Quốc và Liên Xô vào cố vấn, vào đồn trú nhưng lại không ảnh hưởng đến chính nghĩa của họ trong mắt người dân, ông Vũ giải thích rằng đó là vì ‘miền Bắc để cho quân lính nước ngoài đóng ở các tỉnh biên giới sát với Trung Quốc và không được đi sâu vào thành phố’.

“Họ (quân nước ngoài) được bố trí ở những nơi hẻo lánh và kín đáo nên không tạo nên sự phản cảm với người dân trong khi ở miền Nam sự hiện diện của quân Mỹ là quá rõ ràng,” ông nói thêm và cho biết quân Trung Quốc và Liên Xô không trực tiếp chiến đấu như quân Mỹ ở miền Nam mà ‘chỉ huy các đơn vị phòng không và các đơn vị xây dựng sửa chữa cầu đường khi bị bom đạn phá hỏng’.

Ông Vũ cũng cho rằng tính chất chế độ Nhà nước ở miền Nam khiến cho họ gặp nhiều bất lợi hơn Hà Nội trong việc thống nhất dư luận cho cuộc chiến.

“Chế độ độc tài có thể huy động quân lính, huy động lương thực, huy động tài nguyên cho chiến tranh dễ hơn chế độ dân chủ vốn phải qua nhiều cuộc thảo luận mới có thể quyết định,” ông giải thích. “Thêm nữa là còn tinh thần thượng tôn pháp luật (ở miền Nam). Ở miền Bắc những ai bất đồng chính kiến thì bị bỏ tù ngay lập tức trong khi ở miền Nam thì không thể làm thế vì người dân có quyền biểu tình, có quyền thể hiện chính kiến của mình.”

Chính vì vậy mà miền Nam đã ‘không thể thống nhất được dư luận và gặp phải sự chống đối từ bên trong’, ông Vũ phân tích. Tuy nhiên, ông cho rằng miền Nam không thể nào làm theo miền Bắc là xây dựng một chế độ toàn trị để có thể thắng cuộc chiến vì ‘nếu từ bỏ những giá trị tự do thì miền Nam còn đi chiến đấu để làm gì?’

“Việt Nam Cộng hòa vẫn trung thành với lý tưởng của mình cho dù họ có thua trong cuộc chiến đi nữa,” ông nói.

Điều này cũng được GS Asselyn đồng tình. Ông cho rằng mặc dù bên ngoài không nghe thấy về thái độ phản chiến trong lòng Bắc Việt nhưng điều này thật sự là có vì ‘cho đến những năm 1969-1971, người dân Bắc Việt đã quá mệt mỏi với chiến tranh vì họ cũng là con người’ nhưng ‘Hà Nội đã làm tốt hơn rất nhiều so với Sài Gòn trong việc bóp nghẹt những tiếng nói phản đối’.

Cũng tại hội thảo, trước câu hỏi về tình trạng tham nhũng và không có tính giải trình (unaccountability) của các quan chức miền Nam làm tổn hại như thế nào đến cuộc chiến của họ, GS Vũ thừa nhận rằng ‘chắc chắn có tình trạng tham nhũng và vấn đề giải trình và xu hướng của một số lãnh đạo như Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu và một số tướng lĩnh có những hành động làm mất lòng tin của người dân, giới trí thức, xã hội dân sự và gặp khó khăn trong quan hệ với Mỹ’. Tuy nhiên, ông cho rằng xã hội lành mạnh và truyền thông độc lập ở miền Nam có thể đứng lên chống lại những hành vi vi phạm các chuẩn mực của nền Cộng hòa.

Về câu hỏi của VOA rằng đối với các nhà lãnh đạo miền Bắc thì mục tiêu chiến lược nào của họ là quan trọng hơn: dùng lá bài giải phóng dân tộc để tiến tới mục tiêu cuối cùng là xây dựng chủ nghĩa xã hội hay dùng lý thuyết đấu tranh giai cấp để phục vụ cho việc giành độc lập dân tộc, ông Vũ cho rằng mục tiêu cuối cùng của các nhà lãnh đạo cộng sản ‘luôn là chủ nghĩa xã hội’ vì điều này ‘thể hiện rất rõ trong những văn kiện của Đảng Cộng sản từ những thập niên 30 cho đến 60’.

“Điều kiện cần thiết để họ đạt được mục tiêu đó (xây dựng chủ nghĩa xã hội) là quyền kiểm soát chính trị ở cả miền Bắc lẫn miền Nam,” ông giải thích và lấy dẫn chứng là cuộc cải cách ruộng đất mà thực chất là cuộc đấu tranh giai cấp ở nông thôn đã được các lãnh đạo miền Bắc đưa vào thực thi ngay cả trước khi họ đạt được mục tiêu giành độc lập dân tộc.

Về phần mình, GS Asselyn cũng cho rằng Hà Nội muốn thắng trong chiến tranh không chỉ vì mục tiêu thống nhất đất nước mà còn là ‘để tạo cảm hứng cho các phong trào cách mạng cánh tả khác trên thế giới’.

Tuy nhiên, chính sử của đảng Cộng sản cho rằng ông Hồ Chí Minh vì ra đi tìm đường cứu nước (độc lập dân tộc) mới tìm thấy chủ nghĩa Mác-Lenin (Luận cương của Lenin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa) và xem chủ nghĩa xã hội là con đường giải phóng dân tộc. Trong khi đó, trước giờ các văn kiện của Đảng Cộng sản vẫn đặt hai mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội song song và ngang nhau.

Lung lạc dân Mỹ

Nhìn từ quan điểm của nước Mỹ, trong phần tham luận có tiêu đề ‘Cuộc đấu tranh chính trị không được để ý: Tại sao miền Nam Việt Nam và đồng minh thua cuộc chiến?’, GS Robert Turner thuộc Trường Luật Đại học Virginia nhấn mạnh rằng các nhà lãnh đạo cộng sản Bắc Việt ‘đã rất thành công trong việc làm cho người Mỹ quay lưng lại với cuộc chiến’.

“Chúng ta đã nói nhiều về việc Bắc Việt đã giành được khối óc và trái tim của người dân Việt Nam nhưng chúng ta ít khi để ý đến việc họ đã chiếm được tình cảm và suy nghĩ của người dân Mỹ,” ông Turner nói.

“Chúng ta tham chiến với sự ủng hộ áp đảo của người dân Mỹ,” ông nhắc và đưa ra dẫn chứng là tỷ lệ ủng hộ của Tổng thống Lyndon B. Johnson đã tăng vọt lên thêm 30 điểm (tức tăng đến 58%) sau khi ông lần đầu tiên ra lệnh dùng vũ lực đối với miền Bắc Việt Nam và việc Quốc hội Mỹ đã cho phép sử dụng hành động quân sự với tỷ lệ 99,6% bỏ phiếu thuận trong khi hai nghị sỹ bỏ phiếu chống đã thất cử ngay sau đó.

Theo ông Turner thì cho đến năm 1970 nhiều quan chức và giới học thuật nhận thấy rõ là Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa ‘đang trên đà thắng’, và điều này cũng được chính các quan chức ở Hà Nội nhìn nhận.

Ông lấy dẫn chứng là lời của Đại tá Bùi Tín, người vừa qua đời tại Paris, thuật lại vào giữa những năm 1990 rằng ‘kể từ năm 1965 thì Bộ Chính trị đã biết rằng họ không thể nào đánh thắng được Mỹ’ và ‘hy vọng duy nhất của Hà Nội là thắng lợi trong phong trào phản chiến ở Mỹ’.

Chính vì vậy, GS Turner cho rằng chính quyền Hà Nội và các đồng minh của họ đã tiến hành một cuộc đấu tranh chính trị ‘tài ba’ để thay đổi lập trường của người dân Mỹ đối với cuộc chiến.

Ông dẫn lại nghị quyết của Hội nghị Trung ương 9 của Đảng Lao Động Việt Nam vào năm 1963 đã trình bày về chiến lược chiến tranh chính trị như sau: “Chúng ta phải tiến hành mọi nỗ lực để thúc đẩy các tổ chức yêu chuộng hòa bình của nhân dân Á, Phi, Mỹ Latin có hành động mạnh mẽ yêu cầu đế quốc Mỹ chấm dứt chiến tranh xâm lược và rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam. Chúng ta cũng phải tranh thủ sự thông cảm và ủng hộ của nhân dân các nước đế quốc như Mỹ, Anh, Pháp’.

Chiến lược chiến tranh chính trị này thật ra đã được giới lãnh đạo cộng sản miền Bắc áp dụng từ cuộc chiến chống lại người Pháp. Ông Turner đã dẫn lời Tổng bí thư Trường Chinh viết vào năm 1947 rằng họ phải ‘cô lập kẻ thù, thêm nhiều bạn’ và tranh thủ sự ủng hộ của người dân Pháp, người dân ở các thuộc địa của Pháp và của ‘tất cả các lực lượng yêu chuộng hòa bình’ trên thế giới.

“Dưới sức ép của các nhà hoạt động phản chiến, vào tháng 5 năm 1973, Quốc hội Mỹ đã thông qua luật để đưa tới thất bại từ ngưỡng cửa của chiến thắng,” ông Turner nói và cho biết đạo luật này đã dừng mọi chu cấp tài chính của Mỹ cho cuộc chiến ở Việt Nam.

Ngoài ra, theo GS Asselyn, các nguyên nhân khác giúp miền Bắc giành thắng lợi chung cuộc là ‘khả năng tổ chức tài tình về mặt đảng và mặt quân đội’, ‘sự kiên trì, bền bỉ đến không ngờ’, ‘khả năng phục hồi sau những thất bại thảm khốc như chiến dịch Mậu Thân 1968’, ‘biết lợi dụng chia rẽ giữa Moscow và Bắc Kinh để đạt được sự ủng hộ vật chất, chính trị và tinh thần của cả hai bên’, và việc Lê Duẩn và các cộng sự thân cận của ông ‘không hề quan tâm đến việc phải hy sinh bao nhiêu nhân mạng để đạt đến thắng lợi’.

Ngoài ra, sự ủng hộ của Liên Xô và Trung Quốc cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong thắng lợi của miền Bắc mà nếu không, theo GS Tường Vũ, thì Hà Nội không thể nào thắng được Mỹ và Sài Gòn.

Ông Asselyn cho rằng nhờ vào sự ủng hộ của hai nước lớn này mà quân đội Bắc Việt, vốn phần lớn là nông dân, đã được huấn luyện và trang bị tốt ‘như bất cứ quân đội nào trên thế giới’.

“Bất chấp những sai lầm thảm họa của giới lãnh đạo và đặc biệt là của (Bí thư thứ nhất) Lê Duẩn, Bắc Việt Nam vẫn chiến thắng,” ông Asselyn kết luận.

VOA Express

XS
SM
MD
LG