Đường dẫn truy cập

Bộ phim dài không có hậu


Poster của phim The Vietnam War.
Poster của phim The Vietnam War.

Bộ phim dài 10 tập (18 tiếng đồng hồ) của 2 đạo diễn Mỹ Ken Burns và Lynn Novick đã được trình chiếu rộng rãi trên TV cũng như trên internet.

Nhiều người chăm chú xem, thưởng thức và bình luận. Người khen khá nhiều, cho rằng các tác giả đã dày công sưu tầm, tuyển chọn những đoạn phim, hình ảnh tiêu biểu, quý giá nhất, có được cách nhìn khách quan, đa chiều.

Nhiều người phân vân, chê trách bộ phim có nhiều thiếu sót, chưa nói lên đầy đủ bản chất của cuộc chiến, tuy có đầu đề là «Chiến tranh Việt Nam», nhưng lại nặng về cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ ở Việt Nam!

Riêng với người Việt Nam, bộ phim bị chê trách nhiều hơn là khen.

Ở trong nước, ban tuyên huấn của Đảng Cộng Sản ra chỉ thị cho bộ máy truyền thông không trình chiếu, không bình luận, không bàn tán về bộ phim này, chắc là vì chưa nói lên được công lao của đảng trong toàn thắng « giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước», còn nêu lên các vụ thảm sát Mậu Thân ở Huế, trại cải tạo sĩ quan viên chức Viêt Nam Cộng Hòa và vụ thuyền nhân bi thảm.

Người phát ngôn bộ Ngoại giao cho rằng bộ phim không có giá trị vì không nói lên được chính nghĩa và thiện chí của đảng, Nhà nước, Quân đội nhân dân và nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh cách mạng.

Cộng đồng người Việt ở nước ngoài nói chung đánh giá thấp, phê phán khá mạnh bộ phim, cho là không khách quan, không cân đối, không công bằng, sai lệch trong đánh giá thấp chính quyền miền Nam, đánh giá thấp quân đội Việt Nam Cộng hòa, nhìn nhận sai lệch quá ưu ái với phong trào chống chiến tranh trên đất Hoa Kỳ.

Tất nhiên cuộc chiến tranh kéo dài trong gần 30 năm, với 2 chiến trường miền Bắc, miền Nam Việt Nam, lây lan sang Cam-bốt, Lào, dính liền với cuộc chiến tranh lạnh giữa 2 phe gồm các siêu cường, cường quốc trên thế giới, với biết bao diễn biến với nhiều mặt phức tạp, khó lòng mô tả cho đầy đủ, làm vừa lòng mọi người, ở mọi phía.

Nhưng dù sao đây cũng là một cố gắng to lớn, mang cách nhìn phóng khoáng, đa diện ít định kiến, hiếm hoi, so với các bộ phim đã xuất hiện xưa nay.

Theo ý riêng của tôi, đây là cuốn phim hoành tráng, mang nhiều cố gắng, phản ánh nhiều mặt, nhiều nhân vật tiêu biểu của cuộc chiến.

Chỗ đứng chính trị của các tác giả làm phim chưa rõ. Họ có đứng trên lập trường ủng hộ hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, bảo vệ nhân quyền, cổ súy sự tôn trọng pháp luật quốc tế, của những công dân của thế giới mới hay không? hay chỉ là lập trường lạnh lùng, trung lập, cách nhìn trung dung của người ngoài cuộc?

Điều mà hình như các tác giả bỏ qua là cuộc chiến thuộc thế kỷ XX, mà nay đã bước vào thế kỷ XXI. Phần lớn những diễn viên chính của cuộc chiến đã đi vào dĩ vãng, bộ phim này là để cho lớp con cháu họ xem và suy ngẫm cho cuộc sống hiện tại.

Có những sự kiện lịch sử phải cần một thời gian khá dài mới có thể đánh giá đầy đủ đúng, sai, tốt xấu, tiến bộ hay lạc hậu. Hậu quả của cuộc chiến ra sao? tốt đẹp hay bi đát cho từng bên, từng đối tượng. Như phải ngắm một quả núi từ xa.

Ví dụ như đối với nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam, tuy đảng cộng sản huênh hoang là chính nghĩa, thiện chí, yêu nước, giải phóng, thống nhất, đại thắng, hoàn thành sứ mạng vẻ vang… nhưng hiện nay tất cả là giả dối, lừa gạt, là bịa đặt, không có thật. Sự thật chỉ là con số không to đùng.

Họ nói độc lập, nhưng từ sau Mật ước Thành Đô (tháng 9/1990) Việt Nam sống dưới một chế đô Bắc thuộc, phụ thuộc cả về chính trị, kinh tế, đối ngoại vừa tinh vi vừa lộ liễu, vậy thì lời thề Độc lập và Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945 chỉ còn là bánh vẽ.

Họ nói dân chủ XHCN, nhưng không hề có bầu cử tự do, chỉ có đảng chọn dân bầu, bỏ tù hàng trăm tù chính trị chống bành trướng, coi các công dân yêu nước, yêu dân chủ, nhân quyền là thù địch. Quốc hội chỉ là đảng hội khi 90% là đảng viên. Vậy dân chủ hay đảng làm chủ?

Họ nói giải phóng, hứa hẹn, cam kết hòa hợp dân tộc nhưng cầm tù hàng trăm ngàn sĩ quan, viên chức Việt Nam Cộng hòa, cho nửa triệu cán bộ chính trị, kinh tế, văn hóa, đảng viên, công an, giáo chức, viên chức miền Bắc trình độ yếu ớt vào tiếp quản, cai trị miền Nam, thực tế là phá phách toàn diện cuộc sống vốn tiến bộ hơn miền Bắc, vậy giải phóng hay kềm kẹp, đẩy lùi miền Nam?

Và lời hứa của ông Hồ sau chiến tranh sẽ xây dựng đất nước to lớn giàu mạnh gấp 10 lần thời chiến nay, đi đến đâu? Có nhiều nhà cao tầng, nhưng thu nhập bất công gấp trăm lần thời xưa, nạn tham nhũng vượt xa thời thuộc Pháp, thời phong kiến. Đời sống, thu nhập dân thường kém Thái lan, Malaisia hàng 20 năm.

Vậy thì chiến thắng, đại thắng để làm gì? Câu nói «dân ta tòan thắng đế quốc Mỹ xâm lược và tay sai» trở nên cay đắng bẽ bàng. Đến nay phải công nhận rằng dân Việt Nam đã thua, thua to, thua triệt để, thua trắng tay. Linh mục Nguyễn Văn Lý nói không sai «Cộng hòa XHCNVN: chưa Độc lập - thiếu Tự Do – chưa Hạnh Phúc», là rất đúng, nhưng lại bị trả giá bằng hơn 10 năm tù!

Nhiệm vụ các nhà làm phim chân chính của nước ta là nên làm một bộ phim dài nói lên những sự thật ấy, khi mà bộ phim «The Vietnam war» đã bỏ quên.

Lẽ ra các nhà làm phim nói trên nên suy nghĩ để qua cuộc chiến tranh thế kỷ XX gợi ý cho những giải pháp cho các cuộc chiến, tranh chấp trong thế kỷ XXI này.

Vũ khí nguyên tử từng chuẩn bị được dùng ở Điện Biên Phủ, ở Triều Tiên, Cuba. Nay lại có nguy cơ nổ ra thật sự do cậu bé Kim Chính Ân - Ủn lên gân.

Các cuộc chiến ở Syria, Trung Đông, Ukraina… nên tìm ra giải pháp nào? Làm sao tiêu trừ nạn khủng bố do nhà nước Hồi giáo IS chủ trương?

Vai trò của Liên Hợp Quốc trong sứ mạng bảo vệ hòa bình, ngăn ngừa chiến tranh, cứu trợ các nạn nhân và người di cư ra sao?

Vai trò của Hoa Kỳ nên co lại lo cho «nước Mỹ trước hết» hay cần đóng vai cường quốc số 1 có trách nhiệm cao quý trên thế giới?

Bộ phim sẽ rất hay, hấp dẫn hơn, có ích khi nó có hậu nói đến hậu quả các cuộc chiến cho đến ngày hôm nay, mối quan hệ Việt Mỹ nay ra sao, Việt Nam đang trong tình hình thế nào và gợi ý, nhắn nhủ cho người xem tham gia vào giải quyết những vấn đề trước mắt của thế giới ra sao. Có lẽ nó cần bổ xung thêm 1 hay 2 tập kết thúc. Mong các nhà làm phim quan tâm.

  • 16x9 Image

    Bùi Tín

    Nhà báo Bùi Tín hiện sống tự do ở Pháp, là một nhà báo chuyên nghiệp, một nhà bình luận thời sự quốc tế, và là cộng tác viên thường xuyên của đài VOA. Ðối tượng chính của nhà báo Bùi Tín là giới trí thức trong và ngoài nước, đặc biệt là tuổi trẻ Việt Nam quan tâm đến quê hương tổ quốc.

VOA Express

XS
SM
MD
LG