Đường dẫn truy cập

Học giả gốc Việt nghiên cứu về lính Việt Nam Cộng hòa


Đồng minh bị bỏ quên: Người lính miền nam Việt Nam
please wait

No media source currently available

0:00 0:02:33 0:00

Đồng minh bị bỏ quên: Người lính miền nam Việt Nam

Tiến sĩ Nathalie Nguyễn không sinh tại Việt Nam hay tại Úc mà sinh ở Ấn Độ vì thân phụ bà, Tiến sĩ Nguyễn Triệu Đan, lúc đó là Tổng lãnh sự Việt Nam Cộng hòa tại New Delhi. Do đó, bà hiểu được tiếng Việt nhưng nói tiếng Việt không rành. Chức vụ cuối cùng của thân phụ bà là Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Nhật Bản từ năm 1974 đến năm 1975. Gia đình bà đến Melbourne trên một chiếc du thuyền xuất phát từ cảng Yokohama của Nhật Bản sau năm 1975.

please wait

No media source currently available

0:00 0:04:44 0:00
Tải xuống

Tốt ngiệp Tiến sĩ Trường đại học Oxford, hiện bà Nathalie Nguyễn là Giám đốc Trung tâm Quốc gia Úc học thuộc Đại học Monash của Úc. Bà cũng là tác giả của 4 cuốn sách viết bằng Anh ngữ, trong đó có hai cuốn được dịch sang các thứ tiếng khác như Việt ngữ và Pháp ngữ. Tác phẩm của bà viết về những hồi ức về chiến tranh và di dân. Bà chuyên nghiên cứu về cộng đồng người Việt tị nạn tại nước ngoài và kinh nghiệm của những người tị nạn.

Để hoàn thành tác phẩm “South Vietnamese Soldiers: Memories of the Vietnam War and After” (Lính miền Nam Việt Nam: Ký ức chiến tranh Việt Nam và sau đó), bà đã dành nhiều thời gian phỏng vấn các cựu chiến binh Việt Nam tại Úc và Mỹ nhưng không phỏng vấn được các cựu chiến binh Việt Nam Cộng hòa còn ở lại Việt Nam.

“Tôi rất dè dặt về vấn đề này vì có một giáo sư tại Úc đưa sinh viên về Việt Nam nghiên cứu khảo sát nhưng nhà cầm quyền Việt Nam chỉ cho sinh viên của ông vào Việt Nam nhưng từ chối không cho ông nhập cảnh vì ông là một nhà hoạt động nhân quyền,” bà nói.

Tiến sĩ Nathalie cho biết:

“Tôi trở về năm ngoái và năm nay với một nhóm sinh viên vì tôi dạy về chiến tranh Việt Nam, về kinh nghiệm của miền nam Việt Nam và chúng tôi cố gắng đi thăm nghĩa trang Quân đội Biên Hòa nhưng không được phép của nhà cầm quyền để thăm nghĩa trang này. Thật là rất khó khăn.”

Cuốn sách của bà cũng đề cập đến trường hợp của một số thương phế binh Việt Nam Cộng hòa.

“Tôi có phỏng vấn một số thương phế binh Việt Nam Cộng hòa đến thăm Úc trong một thời gian ngắn vào năm 2010 nhờ sự giúp đỡ của các hội cựu chiến binh Việt Nam Cộng hòa ở Úc nhưng tôi không nêu tên của những người này trong sách vì sợ họ gặp rắc rối khi trở về Việt Nam.”

Trả lời câu hỏi tại sao bà quan tâm đến đề tài này, Tiến sĩ Nathalie Nguyễn nói:

“Tôi quan tâm đến đề tài này vì là một phần trong lịch sử gia đình chúng tôi. Bố tôi là một viên chức của chính phủ Việt Nam Cộng hòa và ông chú của tôi là Thiếu tướng Nguyễn Xuân Trang cũng bị tù nhiều năm.”

Để có thể tiếp xúc phỏng vấn các cựu chiến binh Việt Nam Cộng hòa, bà nhận được sự giúp đỡ của Hội Phụ nữ Úc-Việt do mẹ bà là bà Huỳnh Bích Cầm sáng lập trong hơn 30 năm qua.

Theo lời bà Nathalie Nguyễn, bà đã phỏng vấn nhiều thế hệ cựu chiến binh quân lực Việt Nam Cộng hòa, người lớn tuổi nhất sinh năm 1917 và người nhỏ tuổi nhất sinh năm 1955. Tất cả đều nói lên những gian khổ, hy sinh trong chiến tranh của các quân binh chủng Việt Nam Cộng hòa chiến đấu khắp 4 vùng chiến thuật, những đau buồn tủi nhục trong thời gian bị ‘bên thắng cuộc’ giam cầm trong các trại giam từ Bắc chí Nam cho đến những khó khăn người tị nạn gặp phải trong thời gian đầu định cư tại nước ngoài.

Giáo sư Nathalie Nguyễn cho biết các chiến binh Việt Nam Cộng hòa tại Úc có thể đệ đơn để được chính thức công nhận là cựu chiến binh đồng minh và được hưởng hưu bổng cựu chiến binh của quân đội Úc. Các cựu chiến binh Việt Nam Cộng hòa tại Mỹ không được hưởng ưu đãi này, và các cựu chiến binh Việt Nam Cộng hòa còn kẹt lại tại Việt Nam thì khó khăn gấp bội với sự phân biệt đối xử từ nhà cầm quyền và sự quay lưng của xã hội.

Trong phần kết luận cuốn sách, Tiến sĩ Nathalie Nguyễn viết: “Giữa những đau buồn và thương tiếc vì mất quân đội, mất nước, những câu chuyện kể này cũng giúp cho các chiến binh ghi nhận được những yếu tố tích cực—trung thành với lý tưởng, can đảm và kiên trì trong nghịch cảnh, thương yêu đồng đội, tự hào đã phục vụ đất nước và quyết tâm hòa nhập câu chuyện và kinh nghiệm của họ vào lịch sử của đất nước đã cưu mang họ.”

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG