Đường dẫn truy cập

Căng thẳng âm ỉ ở Hồng Kông trước cuộc biểu quyết về cải cách bầu cử


Người biểu tình ủng hộ Bắc Kinh (phải) đụng độ với người biểu tình ủng hộ dân chủ tại Hồng Kông.
Người biểu tình ủng hộ Bắc Kinh (phải) đụng độ với người biểu tình ủng hộ dân chủ tại Hồng Kông.

Căng thẳng chính trị tiếp diễn ở Hồng Kông trong lúc các nhà lập pháp thuộc phe dân chủ hứa bỏ phiếu để chống đối kế hoạch của Bắc Kinh về cải cách bầu cử ở đặc khu hành chánh này. Thông tín viên đài VOA Shannon Van Sant tường thuật từ Hồng Kông.

Các nhân vật tranh đấu dân chủ cho biết họ sẽ đi vận động tại những khu xóm ở Hồng Kông trong những tuần lễ tới đây để quảng bá cho dân chủ và tranh thủ sự hậu thuẫn đối với quyền phổ thông đầu phiếu để trực tiếp bầu ra nhà lãnh đạo của thành phố.

Năm ngoái, những người biểu tình đòi dân chủ đã chiếm cứ nhiều khu vực trong thành phố trong nhiều tháng trong cuộc phản kháng có tên Cách mạng Dù. Những người biểu tình chống đối kế hoạch của Bắc Kinh, một kế hoạch không thỏa mãn nguyện vọng của họ về một cuộc bầu cử trực tiếp để bầu trưởng quan hành chánh.

Hồi đầu năm nay, chính phủ Hồng Kông đưa ra một kế hoạch hầu như giống hệt những cải cách do Bắc Kinh đề nghị. Kế hoạch này cho phép tiến hành bầu cử để chọn hành chánh trưởng quan, nhưng chỉ từ những ứng cử viên được chọn bởi một uỷ ban mà hầu hết thành viên là những người ủng hộ chính phủ trung ương ở Bắc Kinh.

Bà Lưu Tuệ Khanh (Emily Lau), Chủ tịch Đảng Dân chủ Hồng Kông, nói rằng bà và các nhà lập pháp khác thuộc phe dân chủ sẽ không để cho kế hoạch cải cách bầu cử đó được thông qua.

"Tôi nghĩ rằng kế hoạch do chính phủ Hồng Kông đề nghị không đủ tốt. Nó không thỏa mãn những đòi hỏi cơ bản của một cuộc bầu cử dân chủ thật sự. Cho nên chúng tôi sẽ bỏ phiếu chống đối. Tôi nghĩ rằng nhiều nhà lập pháp thân dân chủ tại hội đồng lập pháp sẽ bỏ phiếu chống lại kế hoạch này."

Sau khi chính phủ Hồng Kông loan báo kế hoạch cải cách, các nhà lập pháp dân chủ đã rời khỏi trụ sở nghị viện để phản đối.
Sau khi chính phủ Hồng Kông loan báo kế hoạch cải cách, các nhà lập pháp dân chủ đã rời khỏi trụ sở nghị viện để phản đối.

Sau khi chính phủ Hồng Kông loan báo kế hoạch cải cách, các nhà lập pháp dân chủ đã rời khỏi trụ sở nghị viện để phản đối, trong đó có nhiều người mặc áo thun đen in hình thập giá vàng.

Để được thông qua, kế hoạch này cần có phiếu thuận của 2 phần ba các nhà lập pháp, và trong tình hình hiện nay Bắc Kinh và chính phủ Hồng Kông sẽ phải thuyết phục 4 nhà lập pháp phe dân chủ ngả về phe họ và bỏ phiếu tán thành.

Trong một cuộc tiếp xúc với báo chí, Trưởng quan Hành chánh Lương Chấn Anh cảnh báo về hậu quả của một cuộc phủ quyết.

Ông nói “Khởi động tiến trình cải cách chính trị không phải là một việc dễ dàng. Nếu đề nghị này bị phủ quyết, phải mất nhiều năm nữa mới có lại một cơ hội như vậy.”

Nhưng nhiều người Hồng Kông, nhất là những người trẻ, nói rằng trong trường hợp kế hoạch cải cách được hội đồng lập pháp thông qua thì đó sẽ là một bước thụt lùi lớn cho phong trào dân chủ.

Ông Pa Sha, một người tham gia phong trào Cách mạng Dù, phát biểu như sau.

"Tôi nghĩ rằng tình huống tốt nhất là dự luật bị phủ quyết, để chứng tỏ là người dân Hồng Kông sẽ không bị lường gạt bởi đề nghị giả hiệu, cải cách giả hiệu."

Phong trào dân chủ đã bị phân hoá thành nhiều phe nhóm sau khi những vụ xuống đường phản kháng thu hút sự tham gia hàng trăm ngàn người. Nhiều học sinh sinh viên đã quyết định rời khỏi Liên đoàn Học sinh Sinh viên Hồng Kông, một trong những nhóm chính tổ chức các cuộc biểu tình, bởi vì có những ý kiến bất đồng về hướng đi của phong trào.

Một số sinh viên cho biết họ muốn có hành động quyết liệt hơn và đã thực hiện những vụ biểu tình dọc theo khu vực giáp với Trung Quốc, bao vây những du khách và những người mua sắm đến từ Trung Quốc và hô to lời đe dọa hoặc những khẩu hiệu có tính chất kỳ thị. Tuy phong trào sinh viên học sinh có thể bị chia rẽ về vấn đề chiến thuật, phong trào này nói chung vẫn có sự hậu thuẫn rộng rãi của người dân.

Trong một cuộ thăm dò ý kiến hồi gần đây, chưa đầy một nửa cư dân Hồng Kông nói rằng họ ủng hộ kế hoạch của chính phủ về việc cải cách bầu cử ở Hồng Kông. Đề nghị này bị chống đối mạnh mẽ nhất trong giới thanh niên có học thức. Trong số những người được hỏi ý kiến, 55% những người có trình độ học vấn từ bậc đại học trở lên chống đối kế hoạch của Bắc Kinh và 63 % những người trong độ tuổi từ 18 đến 29 bác bỏ kế hoạch này.

Tuy chưa có kế hoạch phản kháng qui mô lớn để chống lại dự luật, giáo sư Trịnh Vũ Thạc của Đại học Thành phố Hồng Kông nói rằng biểu tình có thể bùng ra trở lại nếu các nhà lập pháp thuộc phe dân chủ “trở cờ” và đề nghị cải cách được hội đồng lập pháp chấp thuận.

"Nếu một số nhà lập pháp dân chủ bị làm áp lực để thay đổi lập trường và tán thành dự luật cải cách chính trị, nhiều người dự kiến sẽ có những vụ phản kháng qui mô khá lớn do các tổ chức của sinh viên khởi xướng."

Cuối tuần vừa qua, một cuộc biểu tình đòi dân chủ với qui mô nhỏ tại khu Mongkok của Hồng Kông đã dẫn tới chỗ 8 người biểu tình bị bắt. Hình ảnh trên đài truyền hình cho thấy cảnh sát dùng thuốc xịt cay mắt và dùi cui để giải tán mấy mươi người biểu tình đang định ngăn chận sự lưu thông của xe cộ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG