Đường dẫn truy cập

Campuchia khẳng định không cho Trung Quốc dùng căn cứ hải quân Ream


Tướng Chhum Socheat, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Campuchia, trong cuộc phỏng vấn với Đài VOA tại Phnom Penh, ngày 22/8/2019.
Tướng Chhum Socheat, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Campuchia, trong cuộc phỏng vấn với Đài VOA tại Phnom Penh, ngày 22/8/2019.

Giữa những tin đồn là Campuchia đã đồng ý cho Trung Quốc tiếp cận độc quyền căn cứ hải quân tại tỉnh Preah Sihanouk, các giới chức Campuchia mạnh mẽ phủ nhận chuyện họ đã ký một mật ước cho phép Trung Quốc sử dụng căn cứ hải quân Ream và nhấn mạnh sẽ không cho phép Bắc Kinh dùng căn cứ này trong bất cứ khả năng nào. Tuyên bố được đưa ra sau khi một quan chức cao cấp của quân đội Mỹ nói Hoa Kỳ có tin tức cho thấy Trung Quốc sẽ bắt đầu xây dựng những cơ sở trong căn cứ vừa kể vào năm tới.

Kể từ khi Trung Quốc và Campuchia thiết lập đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2013, quốc gia Đông Nam Á với dân số 15 triệu người này đã trở thành đồng minh thân cận của Bắc Kinh. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã đổ nhiều tỉ đô la các khoản vay và những dự án hạ tầng cơ sở mới tại Campuchia. Trung Quốc cũng là nước viện trợ tài chánh và đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia.

Sự hiện diện và ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh tại Campuchia và việc Thủ tướng Hun Sen mở rộng vòng tay với Bắc Kinh đã khiến cho mối quan hệ giữa hai nước bị soi mói nhiều hơn.

Tờ Wall Street Journal ngày 22/7 loan tin là Campuchia đã ký một mật ước với Trung Quốc đầu mùa xuân năm nay cho Trung Quốc độc quyền tiếp cận một phần căn cứ hải quân Ream ở Vịnh Thái Lan, không xa phi trường quốc tế Dara Sakor hiện đang được một công ty Trung Quốc xây dựng.

Một số viên chức Mỹ tin là một thỏa thuận như thế sẽ cho phép Trung Quốc có cơ sở hải quân đầu tiên tại Đông Nam Á và một tiền đồn thứ hai mà Ngũ Giác Đài xem như là nỗ lực của Bắc Kinh có được một mạng lưới toàn cầu các căn cứ quân sự hay những vị trí lưỡng dụng. Trung Quốc đã thiết lập một căn cứ hậu cần ở Djibouti vùng Sừng châu Phi.

Washington quan ngại rằng một tiền đồn tại Campuchia sẽ cho phép Trung Quốc củng cố thêm sự kiểm soát ở Campuchia (quốc gia được Bắc Kinh hỗ trợ bằng các khoản vay, các khoản đầu tư và thương mại) giữa lúc Bắc Kinh tìm cách gia tăng ảnh hưởng và thách thức Hoa Kỳ về sự hiện diện lâu dài tại khu vực.

Vào ngày 15/8 vừa qua, Chuẩn tướng Lục quân Mỹ Joel B. Vowell, Phó Giám đốc phụ trách về Kế hoạch và Chính sách Chiến lược tại Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nói với báo giới ở Hawaii rằng có tin cho thấy sẽ có những bước đi của Trung Quốc tiến tới việc mở căn cứ tại Ream.

Tuy nhiên, các giới chức Campuchia cực lực phủ nhận việc này. Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền dành cho Ban Hoa ngữ đài VOA hôm 21/8 tại Dinh Hòa bình ở Phnom Penh, Tướng Chhum Socheat, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Campuchia, nói Hiến pháp Campuchia không cho phép chuyện này xảy ra.

“Hiến pháp của chúng tôi qui định rất rõ, tại điều 53, là chúng tôi không cho phép bất cứ lực lượng nước ngoài nào đặt căn cứ tại Campuchia,” phát ngôn viên này nói qua thông dịch viên. “Không, câu trả lời rất rõ ràng. Chúng tôi không có chuyện này.”

Người phát ngôn này cho biết là không những không có mật ước nào cho phép Trung Quốc thiết lập căn cứ quân sự tại Ream, mà Campuchia thậm chí không bao giờ nghĩ tới chuyện cho phép Trung Quốc sử dụng căn cứ này trong bất cứ khả năng nào.

Những người hoài nghi cho rằng, dựa trên đầu tư rộng lớn và ảnh hưởng mạnh mẽ của Bắc Kinh đối với Campuchia, Phnom Penh khó có thể nói không đối với Trung Quốc nếu Bắc Kinh yêu cầu tiếp cận căn cứ hải quân Ream.

“Campuchia là một quốc gia hoàn toàn độc lập và có chủ quyền,” Tướng Chhum Socheat trả lời. “Chúng tôi không bị ai khống chế cả. Không chúng tôi không sợ ai cả.”

Phát ngôn viên này nói thêm đầu tư và thương mại là các vấn đề đầu tư và thương mại, và các vấn đề quân sự là các vấn đề quân sự. “Cần phải tách hai vấn đề này ra.”

Tướng Chhum Socheat cho rằng dù sao căn cứ hải quân Ream sẽ không có nhiều giá trị đối với Trung Quốc.

Ông nói “Căn cứ của họ ở đảo Hải Nam tốt hơn nhiều so với địa lý Campuchia. Họ có cảng sâu tại đây. Căn cứ hải quân của chúng tôi nhỏ và nước cũng cạn.”

Nghi ngờ về căn cứ hải quân Ream gia tăng trước đây trong năm khi Campuchia lúc đầu yêu cầu, sau đó từ chối cho Hoa Kỳ cấp ngân quỹ để canh tân một trung tâm huấn luyện ở căn cứ vốn được Hoa Kỳ tài trợ.

“Việc này khiến cho chúng ta tự hỏi liệu kế hoạch đối với Căn cứ Hải quân Ream của giới lãnh đạo Campuchia có bao gồm việc cho quân đội nước ngoài triển khai khí tài và nhân sự hay không,” phát ngôn viên tòa đại sứ Mỹ tại Campuchia Emily Zeeberg nói trong một tuyên bố vào tháng 7 năm nay.

Tướng Chhum Socheat giải thích với đài VOA là có một số hiểu lầm về vấn đề này.

“Chúng tôi chưa viết thư hay yêu cầu Hoa Kỳ gì cả. Có thể đây là sự hiểu lầm từ việc dịch sai hay dịch thiếu.”

Ông nói Campuchia vẫn hoan nghênh sự trợ giúp của Hoa Kỳ trong việc xây dựng trung tâm huấn luyện và lý do họ không chấp nhận bất cứ tài trợ nào hiện nay là họ cần phải phối trí cơ sở này đến một vị trí khác.

Ông Phay Siphan, phát ngôn viên chính phủ Campuchia, giải thích thêm là trung tâm huấn luyện sử dụng cho dân sự, do đó tốt hơn hết là tách cơ sở này khỏi căn cứ quân sự.

“Điều tôi biết từ Bộ Quốc phòng là họ muốn một nơi khác tốt hơn, đủ lớn cho tất cả mọi người. Cơ sở này dùng cho các hoạt động quốc tế. Đây là một cơ sở dân sự. Tại sao lại muốn xây dựng trong một căn cứ quân sự?”

Đối với những nghi ngờ là việc đưa trung tâm này đến nơi khác để dành chỗ cho hải quân Trung Quốc trong căn cứ quân sự, ông Phay Siphan nói ông không thể đoán về những nghi ngờ của mỗi người, nhưng ông chất vấn “Tại sao quý vị không dùng mắt mình và đến xem việc gì xảy ra? Không có gì cả.”

Tướng Chhum Socheat nói Campuchia không có gì phải che đậy cả.

Vào ngày 26/7, Bộ Quốc phòng Campuchia mời báo chí địa phương và quốc tế đến thăm căn cứ hải quân Ream, cố bác bỏ tin của tờ Wall Street Journal về một mật ước, gọi đó là “tin giả” và “loan tin thất thiệt”.

Ông Ou Virak, Chủ tịch Diễn đàn Tự do, một tổ chức nghiên cứu độc lập về chính sách công tại Phnom Penh, nói báo Wall Street Journal được tin tưởng hơn nhiều quốc gia và chính trị gia, do đó ông phải giả dụ là có một mật ước.

“Ý định có thể là thiết lập một con đường tiến tới khả năng của Trung Quốc có thể sử dụng Campuchia và căn cứ này, trong trường hợp chiến tranh hay xung đột.”

Ông Ou Virak, cũng là sáng lập viên của Liên minh Tự do Ngôn luận tại Campuchia, nghĩ rằng một mật ước giữa Trung Quốc và Campuchia không là chuyện ngạc nhiên vì “không có gì khác biệt với thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và Mông Cổ chẳng hạn.”

Tuy nhiên ông không kỳ vọng Trung Quốc xây một căn cứ quân sự tại Campuchia trong vòng 5 hay 10 năm tới.

“Điều tôi đang thấy là mức độ và con số các cuộc tập trận ngày càng tăng của quân đội Trung Quốc bên trong Campuchia.”

Ông Wang Wentian, đại sứ Trung Quốc tại Campuchia, gọi việc cho rằng có một mật ước giữa Trung Quốc và Campuchia để thiết lập một căn cứ quân sự tại Ream là “hoàn toàn vô căn cứ, với những động cơ không nói ra.”

“Họ bất chấp sự cởi mở và minh bạch trong sự hợp tác giữa quân đội Trung Quốc-Campuchia và cố gắng làm xáo trộn sự chú ý của công chúng với tin giả và phá hoại sự hợp tác hai bên cùng có lợi giữa Trung Quốc và Campuchia,” đại sứ Wang viết trong một bài báo được truyền thông Campuchia đăng tải ngày 15/8.

Đại sứ Wang không hồi đáp yêu cầu của đài VOA xin phỏng vấn ông tại Phnom Penh.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG