Đường dẫn truy cập

Các nước G7 muốn cấm kim cương Nga


Kim cương Nga.
Kim cương Nga.

Nhóm G7 gồm các quốc gia công nghiệp hóa dự kiến sẽ cấm kim cương khai thác ở Nga, nhà sản xuất kim cương lớn nhất thế giới, sau cuộc xâm lược toàn diện của Moscow vào Ukraine năm ngoái.

Tuy nhiên, sự phức tạp của thương mại đồng nghĩa với việc sẽ khó ngăn chặn kim cương Nga xâm nhập thị trường toàn cầu, vốn trị giá 87 tỷ đô la mỗi năm.

Nhà sản xuất lớn nhất thế giới

Khoảng một phần ba số kim cương trên thế giới được khai thác ở Nga bởi công ty nhà nước Alrosa, công ty vận hành các mỏ ở Yakutia, Siberia và Arkhangelsk, ở cực bắc của đất nước. Ngành thương mại này mang lại lợi nhuận cho Điện Kremlin hơn 1 tỷ đô la mỗi năm.

Các nước phương Tây quyết tâm tước đoạt nguồn thu đó của Nga. Tại hội nghị thượng đỉnh G7 tháng 5, các thành viên đã thảo luận về việc áp đặt lệnh cấm kim cương của Nga. Nhưng việc thực thi nó sẽ không dễ dàng.

Trung tâm Ấn Độ

Hầu như tất cả kim cương trên thế giới đều được cắt và đánh bóng tại thành phố Surat của Ấn Độ. Edahn Golan, một phân tích gia trong ngành kim cương, giải thích: Lỗ hổng trong các quy định của Hoa Kỳ có nghĩa là kim cương Nga được tự do thâm nhập vào thị trường Mỹ - thị trường chiếm 55% doanh số toàn cầu.

Ông nói với đài VOA: “Ấn Độ chiếm khoảng 95% việc sản xuất và đánh bóng kim cương toàn cầu”. “Theo quy định của Hoa Kỳ, một sản phẩm đã trải qua sự chuyển đổi lớn tại một quốc gia cụ thể nào thì được coi là sản phẩm của quốc gia đó.

Ông Golan nói thêm: “Trong trường hợp kim cương thô của Nga [được] đánh bóng ở Ấn Độ: Theo quan điểm của các quy định của Mỹ, đó là những viên kim cương của Ấn Độ”. “Và vì thế, kim cương này không còn là của Nga nữa”.

Truy xuất nguồn gốc

Tiến trình Kimberley, được ban hành vào năm 2000, đã đưa ra khả năng truy xuất nguồn gốc đối với những viên kim cương chưa cắt để ngăn chặn lợi nhuận thúc đẩy xung đột - cái gọi là “kim cương máu”. Tuy nhiên, tiến trình này không áp dụng cho những viên kim cương đã cắt, đánh bóng - và hệ thống này còn nhiều thiếu sót, ông Golan nói.

“Câu hỏi đặt ra là, Tiến trình Kimberly giải quyết một lô hàng chứa kim cương thô từ nhiều nguồn gốc như thế nào? Câu trả lời là cụm từ ‘hỗn hợp’,” ông nói. “Vì vậy, bây giờ, nếu bạn có một bưu kiện hoàn toàn là kim cương của Nga - nhưng một viên kim cương trong đó đến từ một quốc gia khác - thì đó là bưu kiện ‘hỗn hợp’.”

Phản đối

Không phải ai cũng ủng hộ lệnh cấm được đề nghị. Một phái đoàn G7 đã tới Ấn Độ vào tuần trước để tìm kiếm sự hợp tác nhằm loại trừ Nga khỏi hoạt động buôn bán kim cương. Nhưng New Delhi tỏ ra hoài nghi, ông Golan nói.

Ông Golan cho biết: “Trước hết, nếu không có sản phẩm của [công ty Nga] Alrosa, họ sẽ mất 1/3 sản lượng toàn cầu sắp tới”. “Thứ hai, Ấn Độ nói chung không muốn tham gia các lệnh trừng phạt đối với Nga, bởi nền chính trị toàn cầu của họ khác với chính trị toàn cầu của Mỹ và châu Âu”.

Ông Golan nói: “Điều này đặc biệt nhạy cảm với giới lãnh đạo Ấn Độ, với [Thủ tướng Narendra] Modi, bởi vì phần lớn các nhà sản xuất và kinh doanh kim cương Ấn Độ là người Gujarati và ông Modi là người Gujarati, vì vậy đó là một nền kinh tế quan trọng đối với khu vực bầu cử của ông”.

‘Kim cương Nga không phải là mãi mãi’

Liên hiệp châu Âu đã vạch ra kế hoạch vào tháng 5 để cấm nhập khẩu kim cương của Nga. Họ hy vọng sẽ loại Alrosa khỏi thị trường bắt đầu từ năm 2024, với quy trình truy xuất nguồn gốc và thực thi được triển khai trong những tháng tiếp theo.

“Chúng tôi sẽ hạn chế buôn bán kim cương của Nga. Kim cương Nga không phải là mãi mãi”, ông Charles Michel, chủ tịch Hội đồng châu Âu, cho biết trong cuộc họp báo hồi tháng 5 năm nay, sau hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima.

Theo kế hoạch của EU, kim cương có thể được cấp giấy chứng nhận xuất xứ và sẽ được kiểm tra tại các trung tâm thương mại như Antwerp ở Bỉ. Nhưng hệ thống này có thể phản tác dụng, theo Giáo sư Koen Vandenbempt, nhà kinh tế học tại Đại học Antwerp.

“Có lẽ họ sẽ không đi qua Antwerp nữa. Hoạt động thương mại lớn này sẽ di chuyển đến Dubai và từ Dubai đến Ấn Độ hoặc trực tiếp tới Ấn Độ - điển hình là những quốc gia sẽ không và có thể sẽ không bao giờ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Nga”, ông nói với AFP.

Thợ mỏ châu Phi

Các công ty khác trong ngành đang thúc đẩy một hệ thống chứng nhận dựa trên sự tin cậy, ít công nghệ hơn - một đề xuất được hỗ trợ bởi tập đoàn kim cương De Beers của Anh và Nam Phi.

Ông Golan nói: “Rất dễ dàng để đưa những người khai thác thủ công vào hệ thống đó, ở những nơi như phía đông bắc [Cộng hòa Dân chủ Congo]”. “Những người đó không có khả năng sử dụng các phương tiện công nghệ phức tạp, nhưng họ có iPad và điện thoại di động.”

Thông tin chi tiết về các đề nghị của G7 dự kiến sẽ được công bố trong những tuần tới. Ông Golan cho biết đây là cơ hội để cải thiện hình ảnh của ngành công nghiệp kim cương.

Ông Golan nói thêm: “Tôi nghĩ rằng có thể đưa ra một giải pháp tốt phù hợp cho cả mục đích chính trị của Hoa Kỳ và Châu Âu”. “Tôi nghĩ có một cách có thể phục vụ rất tích cực cho ngành công nghiệp kim cương, cần sự tham vấn của cả hai bên.

“Cảm nhận về ngành công nghiệp kim cương rất tiêu cực trong mắt người tiêu dùng. Và đó là một cách tuyệt vời để chứng minh rằng ngành công nghiệp kim cương hoạt động hiệu quả,” ông nói với VOA.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG