Đường dẫn truy cập

Các diễn viên hài Mỹ lên tiếng phản đối vụ nổ súng khủng bố ở Pháp


Dân chúng tụ tập trước Viện bảo tàng Newseum trong thủ đô Washington, Hoa Kỳ để bày tỏ tinh thần đồng cảm với dân Pháp sau vụ tấn công khủng bố tại tòa báo Charlie Hebdo, 8/1/15
Dân chúng tụ tập trước Viện bảo tàng Newseum trong thủ đô Washington, Hoa Kỳ để bày tỏ tinh thần đồng cảm với dân Pháp sau vụ tấn công khủng bố tại tòa báo Charlie Hebdo, 8/1/15

Những tay súng thánh chiến mang mặt nạ đã nổ súng ở Paris hôm thứ tư, nói là để trả thù tờ báo trào phúng Charlie Hebdo đã đăng các hình biếm hoạ chế giễu Tiên tri Muhammad. Nhiều người sử dụng đã thay đổi các hình ảnh trên mạng xã hội thành tên của tờ tạp chí để bày tỏ tình đoàn kết đòi quyền tự do ngôn luận. Vài tiếng đồng hồ sau, tại Hoa Kỳ, dường như mọi người dùng ngòi bút hay máy vi âm để châm biếm đều lên án vụ tấn công. Thông tín viên VOA Arash Arabasadi tường thuật từ Washington.

Conan O’Brien, người phụ trách một chương trình châm biếm của đài TBS kể lại rằng 12 người đã bị giết vì một tờ báo trào phúng đăng những lời chế giễu mà một nhóm nào đó nhận thấy là xúc phạm.

Ngay trước giờ ăn trưa, tức khoảng 11 giờ 30 sáng ở Paris hôm thứ tư, các phần tử khủng bố đã nổ súng giết 12 người tại toà báo Charlie Hebdo, một tạp chí trào phúng. Tự do ngôn luận gần như bị đặt dưới sự tấn công.

Một người dẫn chương trình châm biếm nổi tiếng khác của đài ABC là Bill Maher nói rằng diễn biến này đụng chạm đến bản thân những người chuyên châm biếm thường nói về đề tài này, và quả thật là đáng sợ khi có người nói rằng, “Quý vị không được giỡn cợt.”

Các nghệ sĩ hài trên truyền hình, thường sống bằng những lời giỡn cợt, đã lên tiếng đòi quyền cho những người đã bị sát hại chỉ vì kể những câu chuyền hài hước.

Tom Toles, một hoạ sĩ tranh biếm hoạ của báo Washington Post nói rằng điều vĩ đại của tự do ngôn luận là ta có thể có xung đột và đưa ra thảo luận bằng lời … theo lẽ thường.

Tom Toles đã đoạt giải Pulitzer cho báo Washington Post. Bạo lực nhắm vào các ký giả không phải là điều mới lạ, nhưng theo ông, chuyện này rất khác.

Ông nói đó là chuyện chưa từng xảy ra trước đây, về mặt tấn công vào một hoạ sĩ biếm hoạ. Đó gần như là vụ tấn công độc nhất vô nhị nhắm vào báo chí, tại một nơi hành nghề trong một văn phòng như thế.

Một thứ chưa hề nghe nói tới ở phương Tây.

Nhà châm biếm Conan O’Brien nói những người trong nghề của ông coi quyền giễu cợt những người không thể đụng chạm tới hay thiêng liêng là lẽ đương nhiên. Nhưng thảm kịch tại Paris nhắc nhở họ một cách rất tàn nhẫn là đó là một cái quyền mà một số người buộc phải chết một cách không thể giải thích được.

Và đó là một khái niệm rất xa lạ với các nhà châm biếm Mỹ, là những người có thể nói gần như bất cứ điều gì, về gần như bất cứ ai.

Nghệ sĩ hài Jon Stewart, người dẫn chương trình The Daily Show của kênh Comedy Central, tức Hài Trung ương, nói mục đích của giới châm biếm không phải là tìm ra ý nghĩa của việc này, bởi vì chẳng có ý nghĩa gì mà tìm hiểu. Mục đích của họ là tiếp tục. Giữ bình tĩnh và tiếp tục làm công việc của mình.

Và đó chính là điều họ làm .. tiếp tục. Cuộc truy lùng ở Paris đã đóng cửa các con đường ra vào thủ đô Pháp trong khi mạng lưới siết chặt để tìm ra hai người bị tình nghi, hai anh em thánh chiến đang đào tẩu. Một chủ biên tại báo Charlie Hebdo bị giết trong vụ tấn công đã có lần nói ông thà chết còn hơn phải ngưng công việc của mình. Các vụ nổ súng là một lời nhắc nhở rằng những người khác sẵn sàng ra tay giết hại để ngăn chặn công việc đó.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG