Đường dẫn truy cập

Các cường quốc lớn đồng ý hưu chiến ở Syria


Ngoại trưởng John Kerry (phải) và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tham dự cuộc họp báo sau cuộc họp của Nhóm Quốc tế Hỗ trợ Syria ở Munich, Đức, ngày 12 tháng 2, 2016.
Ngoại trưởng John Kerry (phải) và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tham dự cuộc họp báo sau cuộc họp của Nhóm Quốc tế Hỗ trợ Syria ở Munich, Đức, ngày 12 tháng 2, 2016.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết các cường quốc lớn hội họp ở Munich để thảo luận về tình hình ở nước Syria chìm bị chiến tranh tàn phá đã nhất trí hưu chiến trên toàn quốc bắt đầu trong một tuần nữa.

Ông Kerry cho báo giới biết vào sáng sớm ngày thứ Sáu ở Munich rằng hưu chiến sẽ không áp dụng cho những nhóm khủng bố, trong đó có Nhà nước Hồi giáo, al-Nusra và những nhóm khác. Ông cho biết Nhóm Quốc tế Hỗ trợ Syria (ISSG) gồm 17 quốc gia đã nhất trí một nhóm chuyên trách do Mỹ và Nga đồng chủ trì sẽ làm việc để "xác định những phương thức giảm thiểu bạo lực trong dài hạn."

Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ kèm thêm một lưu ý dè dặt rằng cuộc họp của ISSG chỉ đưa tới cam kết trên giấy, thử thách thực sự sẽ là liệu tất cả các bên có tôn trọng cam kết của mình hay không.

Nhóm hỗ trợ cũng đồng ý "tăng tốc và mở rộng" việc cung cấp hỗ trợ nhân đạo, bắt đầu với những khu vực trọng yếu gặp nhiều khó khăn và sau đó mở rộng ra khắp nước.

Một nhóm chuyên trách của Liên Hiệp Quốc sẽ giám sát việc cung cấp viện trợ bắt đầu với một cuộc họp ở Geneva và báo cáo về tiến độ hàng tuần.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng tình hình nhân đạo ở Syria đang xấu đi và cần phải có nỗ lực tập thể để ngăn chặn.

Đàm phán ở Geneva

Ông Kerry cho biết chấm dứt "bạo lực và đổ máu là điều thiết yếu," nhưng cuối cùng cần phải có một kế hoạch hòa bình.

Hướng tới mục tiêu đó, ông cho biết ISSG đồng thanh kêu gọi nối lại những cuộc đàm phán ở Geneva sớm nhất có thể. Ông cho biết ISSG "cam kết thực hiện mọi biện pháp chúng tôi có thể để tạo điều kiện cho những cuộc đàm phán."

Trước đó, phái viên Liên Hiệp Quốc cho Syria Staffan de Mistura đã dời nỗ lực tiếp theo để khởi động "cuộc đàm phán kề cận" đến ngày 25 tháng 2. Cuộc đàm phán này sẽ bao gồm những thành viên của chính phủ Damascus và những nhóm đối lập chính trong cuộc nội chiến, nhưng họ không trực tiếp gặp nhau.

Bước ngoặt khả dĩ trong chiến tranh

Những nhà ngoại giao châu Âu nói với VOA họ tin rằng sự ngừng bắn kéo dài vài tuần sẽ cho phép quân đội chính phủ Syria và Nga hoàn thành chiến dịch của họ tái chiếm Aleppo và khiến thêm nhiều người tị nạn tháo chạy về phía Thổ Nhĩ Kỳ.

Giành lại quyền kiểm soát Aleppo, nơi mà phần lớn vẫn nằm dưới sự kiểm soát của phiến quân kể từ giữa năm 2012, sẽ đánh dấu một bước ngoặt khả dĩ trong nỗ lực của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đè bẹp đối thủ của ông ta.

"Việc này hoàn toàn nằm trong toan tính của Điện Kremlin," một nhà ngoại giao cao cấp của Liên minh châu Âu nói. Ông so sánh lập trường đàm phán của Nga về Syria với cách thức Moscow xử lý cuộc giao tranh giữa lực lượng chính phủ và lực lượng dân quân ly khai thân Nga ở Ukraine.

Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói với VOA rằng Nga có thể tham gia thỏa thuận ngừng bắn vì cuộc tiến công quân sự của họ nhắm vào Aleppo giờ đã hoàn tất.

"Bây giờ họ có thể tập trung vào việc chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo - Idlib," quan chức Thổ Nhĩ Kỳ này nói.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG