Đường dẫn truy cập

Cựu Tổng thống Philippines kêu gọi đề phòng Trung Quốc


Ông Duterte được cho là có quan hệ gần gũi với Trung Quốc
Ông Duterte được cho là có quan hệ gần gũi với Trung Quốc

Hành động của Trung Quốc bồi đắp đảo và quân sự hóa các thực thể trên Biển Đông một lần nữa đã gây chia rẽ sâu sắc thể chế chính trị ở Philippines vốn đang cố gắng tìm kiếm một lập trường tối ưu được đồng thuận để bảo vệ các lợi ích chủ quyền và chiến lược của đất nước, tờ Asia Times cho biết.

Trong bài báo có tựa đề ‘Hai phe theo và chống Trung Quốc ở Philippines có lập trường ngày càng cứng rắn’, Asia Times cho biết cựu Tổng thống Benigno Aquino III giờ đây đang dẫn đầu nỗ lực của phe đối lập chống đối lại chính sách đối với Trung Quốc của đương kim Tổng thống Rodrigo Duterte – người lâu nay nổi tiếng với cách ăn nói liều lĩnh và bạt mạng.

Dưới thời của ông Aquino, Manila đã có lập trường đối đầu với Trung Quốc khiến Bắc Kinh trả đũa bằng cách biện pháp thương mại và đe dọa. Chính quyền của ông Aquino đã kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Thường trực về những yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông trong một vụ kiện mà tòa án đã tuyên bố cái gọi là ‘chủ quyền lịch sử’ của Trung Quốc đối với ‘đường chín đoạn’ là không có cơ sở pháp lý.

Trong khi đó, kể từ khi lên cầm quyền, đương kim Tổng thống Duterte đã chấm dứt vai trò nhiều năm qua của Philippines là nước chủ chốt trong khối Asean kháng cự lại Trung Quốc. Ông Duterte đã thường xuyên mô tả Trung Quốc là đối tác giúp Philippines phát triển do đó Manila cần phải làm bạn và đáp ứng Bắc Kinh khi cần thiết. Ông cũng gạt sang một bên phán quyết của trọng tài trao phần thắng cho Philippines trên Biển Đông – một động thái khiến Bắc Kinh hài long.

Không những thế, ông còn giữ im lặng trước việc Trung Quốc liên tục chiếm đóng, bồi đắp và quân sự hóa các thực thể mà Manila tuyên bố có chủ quyền thuộc quần đảo Trường Sa.

Mới đây, cựu Tổng thống Aquino đã kêu gọi ông Duterte phải ‘minh bạch’ những giao tiếp của ông với Trung Quốc, nếu không thì Philippines có nguy cơ mất thêm chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông.

Một số người còn đặt vấn đề về mối quan hệ cá nhân của ông Duterte với Trung Quốc với các lời hứa hẹn của Bắc Kinh về các dự án cơ sở hạ tầng ở Davao, quê nhà của ông. Họ đặt câu hỏi liệu mối quan hệ cá nhân của ông có ảnh hưởng đến chính sách nói chung của ông hay không.

Lời chỉ trích của ông Aquino được đưa ra trong bối cảnh Philippines và Trung Quốc mới đây vừa tuyên bố hay bên đang tiến gần đến đạt được thỏa thuận khung để hợp tác cùng khai thác năng lượng và các tài nguyên khác ở những vùng có tuyên bố chủ quyền chồng lấn trên Biển Đông.

“Chúng ta đang nói về vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta. Chúng ta không có nghĩa vụ phải chia sẻ nó với họ,” ông Aquino nhấn mạnh.

Ông cho rằng bất cứ thỏa thuận hợp tác cùng khai thác nào với Trung Quốc cũng là ‘không công bằng’ do Trung Quốc lúc nào cũng nói với bên khai thác chung rằng: “Cái gì của chúng tôi là của chúng tôi, còn cái gì của quý vị thì chúng ta hãy cùng nhau chia sẻ.”

Ông Albert del Rosario, cựu ngoại trưởng trong chính quyền của ông Aquino, người có lập trường cứng rắn với Trung Quốc, mới đây còn cáo buộc chính quyền ông Duterte là đã bỏ phí chiến thắng pháp lý áp đảo tại tòa quốc tế để đổi lấy những lợi ích không chắc chắn.

“Chúng tôi đã cho rằng chiến thắng áp đảo sẽ được chính quyền Duterte hoan nghênh và chúng tôi đang tìm cách để thúc đẩy phán quyết này. Nhưng điều đó không xảy ra,” ông Del Rosario nói trong cuộc phỏng vấn với trang tin Rappler.

Về phần mình, chính quyền của ông Duterte đã công kích người tiền nhiệm và cáo buộc chính phủ ông Aquino đã ‘khiêu khích những căng thẳng không cần thiết và đã để mất Bãi cạn Scarborough về tay Trung Quốc sau bế tắc kéo dài nhiều tháng’.

Ông Cayetano, ngoại trưởng của ông Duterte, mới đây đã ra thông cáo yêu cầu ông Aquino phải tiết lộ hoàn cảnh chính xác của cuộc đàm phán trong hậu trường của Thượng nghị sỹ Trillanes với Trung Quốc để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Bãi cạn Scarborough hồi năm 2012 mà sau đó Bắc Kinh vẫn duy trì sự hiện diện ở bãi cạn này và đã củng cố quyền kiểm soát về tài phán đối với thực thể mà Manila tuyên bố có chủ quyền này. Cuộc đàm phán vụng về này của ông Trillanes khi đó đã được Tổng thống Aquino bật đèn xanh.

“Đáp trả từng điểm từng điểm một với câu hỏi của ông, điều mà tôi ngờ rằng Bắc Kinh đã yêu cầu khi họ thất bại trước tòa PCA và công luận thế giới, cũng giống như là cho họ một mỏ vàng các thông tin và tin tình báo – một cuốn cẩm nang về đất nước chúng ta và chiến lược của chúng ta,” ông Aquino đáp trả ông Cayetano trong một thư ngỏ công khai và cho rằng điều này sẽ khiến Trung Quốc dễ dàng đoán được những bước đi của Manila trong những tình huống sau này.

Ông Aquino cũng lưu ý về việc xích lại quá gần với Trung Quốc và gióng hồi chuông báo động về cái bẫy nợ cho Philippines trong dự án Vành đai-Con đường của Trung Quốc.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG