Đường dẫn truy cập

Mỹ khó lôi kéo Đông Nam Á khỏi Trung Quốc?


Ông Pompeo đang có chuyến công du đông nam Á
Ông Pompeo đang có chuyến công du đông nam Á

Vào lúc Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo công du đến đông nam Á để quảng bá cho chiến lược đầu tư mới của Mỹ vào khu vực, câu phản hồi mà ông nhận được có thể là: Cám ơn rất nhiều, nhưng xin vui lòng chấm dứt đe dọa chiến tranh thương mại với Trung Quốc nếu không chúng tôi sẽ mất hàng tỷ đô la.

Các nhà phân tích cho rằng các ý tưởng đầu tư về kỹ thuật, năng lượng và hạ tầng trị giá 113 triệu đô la mà ông Mike Pompeo công bố hồi đầu tuần sẽ khó mà thuyết phục được các quốc gia vốn gắn chặt với hệ thống cung ứng của các nhà xuất khẩu Trung Quốc.

Kế hoạch này là những chi tiết cụ thể đầu tiên của chính sách ‘Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do’ cho đến nay vẫn còn mơ hồ của Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên nó được cho là có thể làm bùng phát căng thẳng mới với Bắc Kinh, vốn đã rải tiền và ảnh hưởng ra khắp khu vực thông qua dự án ‘Vành đai-Con đường’.

“Các nước đông nam Á quan tâm nhiều hơn về hậu quả đối với họ do những căng thẳng mậu dịch Mỹ-Trung gây ra hơn là họ có thể được lợi ích gì từ gói đầu tư 113 triệu đô la này,” ông Malcolm Cook, chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông nam Á ở Singapore, được Reuters dẫn lời nói.

Sau một cuộc gặp ngắn với Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad ở Kuala Lumpur, ông Pompeo sẽ bay đến Singapore – một đầu mối thương mại toàn cầu và cũng là một trong những nước bị chiến tranh thương mại ảnh hưởng nhiều nhất trong khu vực – để tham dự cuộc họp với Ngoại trưởng các nước Asean vào ngày 3/8.

Ngân hàng lớn nhất Singapore, DBS, đã ước tính rằng một cuộc chiến mậu dịch toàn dịch – tức là mức thuế quan 15-25% trên tất cả các mặt hàng mua bán giữa Mỹ và Trung Quốc – sẽ làm cho tốc độ tăng trưởng của Singapore giảm đi phân nửa vào năm 2019, từ 2,7 % xuống còn 1,2%. Tốc độ tăng trưởng của Malaysia cũng sẽ giảm từ 5 xuống 3,7%.

“Chúng ta đều ý thức sâu sắc về đám mây bão của chiến tranh mậu dịch,” Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan phát biểu tại phiên khai mạc cuộc họp các ngoại trưởng ASEAN hôm 2/8.

Cơ quan xếp hạng tín dụng Moody’s đã nhận định rằng châu Á ‘cực kỳ dễ tổn thương’ trước chiến tranh mậu dịch do sự gắn kết giữa các nước trong chuỗi cung ứng.

Ông Pompeo cũng dừng chân ở Indonesia trong chuyến công du này. Dưới chính quyền Trump, đất nước này hiện đang đối mặt với nguy cơ mất đi một số ưu đãi mậu dịch mà Mỹ dành cho các nước đang phát triển.

Trước chính sách đối ngoại mới của chính quyền Trump đối với khu vực là ‘Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do’, hiện giờ các nước đông nam Á vẫn tỏ ra thận trọng, theo Reuters.

Chuyến công du lần này của ông Pompeo sẽ là cơ hội để Mỹ ‘làm rõ và xây dưng lập trường thống nhất’ về chính sách này.

Chính sách xoay trục sang châu Á của cựu Tổng thống Barack Obama để đối phó với ảnh hưởng lớn mạnh của Trung Quốc đã bị xếp xó sau khi ông Trump vào Nhà Trắng với chủ trương ‘Nước Mỹ trên hết’. Một trong những hành động đầu tiên của ông Trump là rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ đưa ra để đối chọi lại với ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Kết quả là trên khắp châu Á, ngày càng có nhiều nơi bị rơi vào quỹ đạo của Trung Quốc: các nước có tranh chấp chủ quyền buộc phải mềm dẻo hơn với Trung Quốc trong khi phải vay hàng tỷ đô la từ Bắc Kinh để xây dựng cơ sở hạ tầng.

Philippines là một ví dụ điển hình khi Tổng thống Duterte đã có thái độ hòa hoãn với Trung Quốc so với người tiền nhiệm là Tổng thống Benigno Aquino đã làm căng với Bắc Kinh về các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.

Ông Duterte thường xuyên ca ngợi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hồi tháng Hai, ông còn gây bão khi nói đùa rằng ông muốn Philippines ‘là một tỉnh của Trung Quốc’

Thái Lan, đồng minh có hiệp ước lâu đời nhất của Mỹ ở châu Á, cũng được cho là đã xích lại gần hơn với Trung Quốc.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Thái Lan Busadee Santipitaks nói với hãng tin Reuters rằng nước ông đang tìm cách ‘tiếp cận cân bằng’ với cả Mỹ và Trung Quốc.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG